10:26 22/10/2007

Những câu hỏi về các trường quốc tế

Phạm Chí Dũng

Chất lượng giáo dục tại nhiều trường quốc tế đang có nhiều dấu hiệu bất tương xứng với lời quảng bá

Hầu hết chương trình giảng dạy của các trường phổ thông nước ngoài đều mang tính “tự biên” mà không cần thông qua bất cứ khâu đăng ký chính thức nào.
Hầu hết chương trình giảng dạy của các trường phổ thông nước ngoài đều mang tính “tự biên” mà không cần thông qua bất cứ khâu đăng ký chính thức nào.
Con số gần 30 trường quốc tế đang vận hành ở Tp.HCM là nhiều hay ít? Các trường này, bao gồm cả những trường do tư nhân trong nước đầu tư, đã thỏa mãn được chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn “quốc tế”? Và nữa, những “tiêu chuẩn quốc tế” được quảng cáo ồ ạt dựa theo hệ tiêu chí nào?

Thông thường, chỉ có một ít trường quốc tế mang lại niềm tin cho phụ huynh. Trong khi đó, phần lớn các trường quốc tế khác tổ chức dạy theo chương trình Việt Nam, có xen kẽ với chương trình nước ngoài.

Dấu hỏi về học vấn và văn hóa

Chất lượng giáo dục tại nhiều trường quốc tế đang có nhiều dấu hiệu bất tương xứng với lời quảng bá và đương nhiên với mức học phí ngất ngưởng mà họ thu vào.

Một hiện tượng mà nhiều bậc phụ huynh đang bắt đầu coi là “vấn nạn” lại chính là qua cung cách dạy dỗ của trường quốc tế, học sinh Việt Nam được “trang bị” một lối tư duy và phong cách theo kiểu “Tây”, tuy có năng động hơn song cũng xa cách với cha mẹ và truyền thống gia đình hơn. Điều đó bộc lộ ở việc nhiều học sinh bất tuân lời cha mẹ và đem về nhà một lối sinh hoạt “không giống ai”.

Trong một đợt kiểm ra liên ngành vào năm 2006, các cơ quan có trách nhiệm của Tp.HCM đã phát hiện một số trường quốc tế dạy không đủ tiết, không đủ nội dung chương trình Việt Nam các môn Văn - Tiếng Việt, Sử, Địa. Hơn nữa, một số trường phổ thông nước ngoài không có chương trình chuẩn của nước ngoài, cũng không có tài liệu, sách giáo khoa chuẩn của nước ngoài mà chỉ sao chép lại của một trường nước ngoài khác.

Cũng trong bối cảnh mối quan hệ phối hợp quản lý giữa các cơ quan nhà nước còn khá lỏng lẻo, hầu hết chương trình giảng dạy của các trường phổ thông nước ngoài đều mang tính “tự biên” mà không cần thông qua bất cứ khâu đăng ký chính thức nào. Đợt kiểm tra này cũng phát hiện nhiều trường quốc tế sử dụng giáo viên nước ngoài không có giấy phép lao động, một số không đủ chuyên môn phù hợp với công việc.

Thật rõ ràng, trong khi có những trường quốc tế giảng dạy khá bài bản với hơn 90% cán bộ quản lý và giáo viên đạt yêu cầu về chuyên môn và có bằng cấp giáo dục, sư phạm, thì một số trường quốc tế (chủ yếu là trường do tư nhân trong nước đầu tư) lại sử dụng các chương trình giảng dạy theo cách vá víu, một số cơ sở còn bán hoặc sao chép giáo trình, tài liệu giảng dạy không có bản quyền để học viên sử dụng, hoặc thuê mướn người nước ngoài không những không có chuyên môn sư phạm mà thậm chí phát âm tiếng Anh không chuẩn.

Tại những trường này, không chỉ các môn Văn và Tiếng Việt mà cả Toán, Lý, Hóa cũng chỉ được dạy khá sơ sài, thậm chí còn thua kém khá nhiều về chất lượng so với trường công.

“Sứ mệnh” phi lợi nhuận hay... siêu lợi nhuận?

Thực trạng trên đang dẫn đến một kết luận không tránh khỏi: một số trường đang mượn danh nghĩa “quốc tế” để phô trương hình ảnh của mình, biến trường học thành thương hiệu thu học phí cao. Thế nhưng một điều nghịch lý là trong những “tôn chỉ” hoặc cả “sứ mệnh” của những trường này thì lại luôn đưa ra lời tuyên bố “nhà trường hoạt động vì mục tiêu phi lợi nhuận”!?

Vẫn biết trường quốc tế là một loại hình tất yếu trong xu thế hội nhập của nước ta với thế giới, và trong những năm qua loại hình này đã có những đóng góp nhất định cho sự nghiệp giáo dục, tuy nhiên tình hình nở rộ của nhiều trường với tên gọi không thể thoát ly từ “quốc tế” đã dẫn đến hậu quả là hiện thời đang tồn tại một sự phân biệt về đẳng cấp rất rõ rệt giữa trường quốc tế do người nước ngoài đầu tư với trường quốc tế do người trong nước đầu tư, nhưng lại thật khó cho nhiều bậc phụ huynh để nhận ra cái khoảng cách xa xôi ấy.

Ngược với những trường có quan điểm đầu tư thận trọng và bền vững, lại có những trường mở rộng quá nhanh quy mô hoạt động. Về mặt lợi ích kinh tế, điều này có thể mang lại nhiều lợi nhuận cho nhà đầu tư, nhưng đã ảnh hưởng tới việc bảo đảm các điều kiện, phương tiện và đặc biệt là chất lượng giảng dạy.

Mặt khác, do chưa có hệ thống kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo, nên việc xác định chất lượng đào tạo ở các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài chưa được thực hiện. Điều này không những gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước khi xem xét và quản lý dự án, mà còn làm học sinh và gia đình khó biết chính xác chất lượng dịch vụ mà họ nhận được.