09:28 11/08/2011

Những “chiến binh” cuối cùng trên chứng trường?

Nguyễn Hoàng

Những chiến binh cuối cùng trụ lại được thường là người giỏi nhất, nhưng điều đó chưa hẳn đúng trên thị trường chứng khoán

Rất đông nhà đầu tư mong chờ một lời khuyên và cảm nhận của vị chủ tịch SSI - Ảnh: SSI.
Rất đông nhà đầu tư mong chờ một lời khuyên và cảm nhận của vị chủ tịch SSI - Ảnh: SSI.
“Những người ngồi đây có lẽ là những chiến binh cuối cùng của thị trường chứng khoán Việt Nam” .

Đó là cảm nhận của chủ tịch công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam, doanh nghiệp lần đầu tiên chịu lỗ sau 11 năm lăn lộn với chứng trường.

Cảm nhận đầu tiên từ buổi giao lưu với ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) hôm 10/8 là sự mệt mỏi, mất phương hướng của nhà đầu tư hơn là hy vọng. Rất đông nhà đầu tư đã tới tham dự buổi giao lưu, không phải vì những phân tích vĩ mô khá nhạt nhẽo mà để biết liệu con người từng trải, đi cùng chứng khoán Việt Nam từ những ngày đầu tiên suy nghĩ gì về triển vọng và thực trạng hiện tại.

Những dữ kiện vĩ mô cũ kỹ được đưa ra trong 30 phút đầu tiên không đem lại chút hào hứng nào. Số liệu, biểu đồ phần lớn toát lên sự bi quan. Tuy nhiên sự hào hứng trong phần giao lưu cũng chỉ có được nhờ vài câu trả lời hóm hỉnh của vị chủ tọa. Toát lên từ chiến lược đầu tư của SSI là sự “bất lực” khi phải tìm đến cách giữ tiền.

Theo ông Hưng, SSI phải chấp nhận chiến lược đầu tư vào các cổ phiếu cơ bản, có dòng tiền tốt, cam kết cổ tức cao và đặc biệt chấp nhận cả cổ phiếu thanh khoản kém. Đó cũng là lời khuyên của ông đối với nhà đầu tư khi muốn giữ tiền. Tổ chức đầu tư lớn chấp nhận rủi ro thanh khoản để giữ tiền là một chiến lược thụ động và gần giống với hoạt động góp vốn. SSI cũng có tiền mặt lớn và ông Hưng cho biết khoản doanh thu khác lớn là lãi tiền gửi.

Chiến lược này khiến người ta nhớ đến hình ảnh của Kim Long (KLS) và cũng nhớ đến những phản ứng mà giới đầu tư với chiến lược kinh doanh quá thụ động. Nhờ ngân hàng giữ tiền hộ làm mất đi hình ảnh của một công ty chứng khoán. Tuy nhiên không phải ai cũng biết rằng giữ tiền trong thị trường giá xuống, trong bối cảnh vĩ mô rối ren cũng là chiến lược đúng. Có chăng Kim Long là “gây sốc” khi muốn từ bỏ hình ảnh một công ty chứng khoán.

Có một sự tương đồng nào đó trong cách nhìn nhận cơ hội của cả SSI lẫn KLS. Tìm kiếm cơ hội lợi nhuận từ “trading” lúc này quá khó khăn và lợi nhuận không tương xứng với rủi ro. Người đứng đầu SSI đã từng tự hào khi nói vài năm trước: trong khi các công ty chứng khoán khác lỗ nhiều trăm tỉ thì SSI dù khó khăn vẫn lãi vài trăm tỉ đồng.

Nhưng hôm nay cũng đại diện đó thú nhận: chưa lúc nào thị trường khó khăn như lúc này. Hơn 11 năm SSI bây giờ mới bị lỗ. SSI chỉ mới có lãi từ tháng 6 vừa qua mà thôi.

Nhà đầu tư tìm được gì từ buổi hội thảo? Chiến lược đầu tư của bộ phận phân tích SSI cũng như lời khuyên của vị Chủ tịch thật khó phù hợp với đại đa số nhà đầu tư muốn kiếm lời ngắn hạn. Thậm chí có nhà đầu tư còn tìm lời khuyên đối với một danh mục đang có bằng vốn vay ngân hàng và đã lỗ 70% giá trị. Có chăng lời khuyên đáng giá nhất thu nhận được là hay giữ tiền, đừng mạo hiểm bằng vốn vay.

Đầu tư giá trị cũng là điều tốt, nhưng đối với đa số nhà đầu tư, nắm giữ cổ phiếu để hưởng dòng tiền cổ tức chưa hẳn đã dễ chấp nhận bằng giữ tiền tại ngân hàng. Bởi một yếu tố quan trọng là thời điểm mua, kể cả đối với đầu tư giá trị, cũng không dễ xác định.

Tổ chức đầu tư chấp nhận nắm giữ dài hạn đôi khi vì một lý do “lãng xẹt”: không thoát ra được! Bản thân SSI cũng đang phải trải qua tình trạng này. Còn với nhà đầu tư cá nhân, lợi thế tuyệt vời là vào nhanh, ra nhanh. Giữ tiền mặt trong bối cảnh lạm phát cao không hẳn là mất tiền vì nếu tiền đó quy đổi ra cổ phiếu đang trong xu hướng mất giá thì lại có lợi.

Cũng có một số thông tin hữu ích từ buổi hội thảo và quan trọng nhất là nhà đầu tư có được cái nhìn của một tổ chức. Cái nhìn đó có thể không hoàn toàn trùng hợp, nhưng cũng là đại diện cho suy nghĩ của những tay chơi lớn.

Thứ nhất, bối cảnh kinh tế thế giới, đặc biệt là tình hình tại Mỹ, châu Âu còn rất rối ren. Ngay các chuyên gia tài chính quốc tế cũng còn đang tranh cãi và chưa thống nhất. Đa số không tin là Mỹ sẽ rơi vào khủng hoảng lần hai, nhưng sẽ rất khó khăn.

Khi thị trường quốc tế khó khăn thì ảnh hưởng đến Việt Nam là lớn từ góc độ dòng tiền. Cạnh tranh thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài sẽ ngày càng lớn và các thị trường khác trong khu vực đang cố gắng làm thị trường của mình hấp dẫn hơn. Trong khi đó Việt Nam lại kém họ về uy tín. Dòng tiền từ bên ngoài vào Việt Nam tới đây sẽ rất ít. Bản thân SSI huy động vốn tại Nhật vô cùng khó khăn.

Thứ hai, kinh tế vĩ mô của Việt Nam còn nhiều khó khăn chưa lường hết. Áp lực lạm phát rất cao trong khi dư địa chính sách không nhiều. “Việt Nam đã nâng lãi suất cao như vậy, giảm cung tiền mà lạm phát vẫn cao. Không biết tới đây sẽ thực hiện giảm lãi suất bằng biện pháp nào”, đại diện SSI nhận xét.

Thứ ba, triển vọng thị trường chứng khoán trung hạn phụ thuộc rất nhiều vào điều hành vĩ mô. Nếu năm 2011 lãi suất giảm, lạm phát giảm thì thị trường chứng khoán năm 2012 sẽ tốt hơn. Nếu tình hình lạm phát, lãi suất không được cải thiện, triển vọng năm tới vẫn rất u ám.

Thứ tư, triển vọng ngắn hạn những tháng tới là rất mờ mịt và chiến lược tốt nhất là bảo toàn vốn. Thanh khoản là yếu tố đáng lo ngại nhất. Thị trường có thể giảm điểm nhưng nếu thanh khoản không được cải thiện thì rủi ro là rất cao.