09:30 10/03/2008

Những cơ hội lớn từ diễn đàn bất động sản

Lê Cẩm Lê

Diễn đàn Bất động sản Việt Nam tại Singapore đã "nóng" khi lãnh đạo một số tỉnh thành Việt Nam giới thiệu các dự án kêu gọi đầu tư

Thị trường bất động sản Việt Nam đang phát triển "nóng".
Thị trường bất động sản Việt Nam đang phát triển "nóng".
Từ ngày 4-6/3/2008, tại Singapore đã diễn ra một sự kiện thu hút hơn 160 nhà đầu tư quốc tế từ Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Đan Mạch, Đài Loan...

Đó là Diễn đàn Bất động sản Việt Nam 2008, do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp công ty tổ chức sự kiện quốc tế Synergy (Singapore) tổ chức.

Đây cũng là dịp lãnh đạo sáu tỉnh thành miền Bắc và miền Trung giới thiệu tiềm năng đầu tư của địa phương mình và các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản Việt Nam giới thiệu về dự án của mình để các nhà đầu tư hiểu sâu hơn nữa về các cơ hội đầu tư.

Một diễn đàn hữu ích

“Mọi người thường rất bận rộn với những công việc của riêng họ và việc tập trung những người hoạt động trong cùng lĩnh vực lại với nhau là một sáng kiến rất tốt,” ông David Blackhall, Phó giám đốc Công ty Bất động sản VinaCapital nói, “Đây là một diễn đàn rất hữu ích cho các doanh nghiệp thiết lập mạng lưới kinh doanh không chỉ với các doanh nghiệp Việt Nam mà còn với các doanh nghiệp Singapore, Malaysia và các nước châu Á khác”.

Bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Công ty Hanamoto cho biết: “Có nhiều thông tin về các tỉnh phía Bắc chúng tôi đã nắm được ở nhà nhưng có nhiều thông tin tổng hợp thì đến đây chúng tôi mới được biết. Trong hai ngày vừa qua chúng tôi cũng đã tìm thấy một số đối tác như CapitaLand để trao đổi những thông tin ban đầu”.

Bên lề diễn đàn, những thông tin mới nhất liên quan đến thị trường bất động sản Việt Nam đã được các đại biểu đề cập tới. Họ cũng tham khảo ý kiến của nhau về xu hướng của thị trường trong thời gian tới. Rõ ràng các doanh nghiệp tham gia diễn đàn này không chỉ để thu thập thông tin mà còn nắm bắt cơ hội xây dựng mạng lưới quan hệ kinh doanh.

Singapore được đánh giá là một đầu mối của mạng lưới này, vì vậy nếu làm tốt các doanh nghiệp Việt Nam sẽ rút ngắn được quá trình thiết lập các mạng lưới về đầu tư, tài chính và công nghệ. Nó cũng sẽ giúp các doanh nghiệp tránh được khâu trung gian.

Sự có mặt của Đại sứ Việt Nam tại Singapore, ông Nguyễn Trung Thành cũng đã làm cho diễn đàn “nóng” hơn nhờ những phát biểu thẳng thắn của ông với lãnh đạo các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp.

“Singapore là nước có rất nhiều công ty mạnh về việc phát triển bất động sản, xây dựng nhà ở, khu đô thị mới, quy hoạch đô thị, chỉnh trang và phát triển đô thị. Gắn với đô thị là công nghiệp hóa và hiện đại hóa và công nghệ cao. Tôi nghĩ cơ hội hợp tác của Việt Nam và Singapore là rất lớn với sự cam kết của hai chính phủ, với tiềm năng và sức phát triển của Việt Nam, với tính bổ sung lớn giữa hai nền kinh tế. Tầm nhìn đã được đề ra khi hai nước ký kết hiệp định về kết nối giữa hai nền kinh tế trên bảy lĩnh vực khác nhau”, ông Thành nói.

Trong nhiều năm qua, Singapore luôn là một trong những nước dẫn đầu về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Trong hai tháng đầu năm 2008, vốn đầu tư trực tiếp từ Singapore đạt 317,6 triệu USD với ba dự án, đứng thứ ba sau Mỹ và Nhật Bản.

Có đi thì mới thấy, có thấy thì mới có những sáng kiến mới. Sau những buổi gặp gỡ trực tiếp với các đối tác, các doanh nghiệp và lãnh đạo các tỉnh đều có cái nhìn lạc quan về khả năng hợp tác với phía Singapore. Ông Nguyễn Văn Tứ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Tây tin tưởng rằng sau diễn đàn này các doanh nghiệp Singapore nói riêng và các doanh nghiệp của các nước khác có văn phòng ở Singapore sẽ tìm đến Hà Tây đầu tư và có thể hợp tác cùng các nhà đầu tư trong nước, tạo nên một làn sóng đầu tư thứ hai vào thị trường bất động sản của Hà Tây.

Với những ý nghĩa thiết thực cho các địa phương và các doanh nghiệp, chuỗi diễn đàn Bất động sản Việt Nam 2008 dự kiến sẽ được tiếp tục tổ chức tại Hồng Kông (tháng 5/2008) và Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 6/2008). Các doanh nghiệp chờ đợi diễn đàn này sẽ được tổ chức một cách chặt chẽ, tạo cơ hội cho họ hợp tác với những doanh nghiệp có cùng một mối quan tâm.

Việt Nam, một thị trường hấp dẫn

“Đây là thời điểm để đầu tư tại Việt Nam”. Đó là nhận định của ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam trong bài phát biểu có tựa đề “Những dự báo cho thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2008”. Trong ngày thứ hai của diễn đàn, ông đã phân tích tình hình và khuynh hướng hiện nay của thị trường bất động sản Việt Nam với nhận định cung vẫn còn thiếu. Tuy tình hình đang thay đổi trong khi cầu tiếp tục tăng lên mạnh mẽ nhưng khách hàng vẫn phải xếp hàng để mua căn hộ và thuê được những văn phòng, nhà ở và cửa hàng bán lẻ cấp cao.

Dù rằng đầu tư vào bất động sản có thể là một canh bạc đầy rủi ro nhưng các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản tham dự diễn đàn đã sôi nổi trao đổi những nhận định lạc quan về thị trường này. Ông Philip Atkinson, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Công ty Limitless LCC cho rằng trong thời gian tới Việt Nam sẽ trở thành một đất nước có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và năng động nhất trong khu vực mặc dù còn có rất nhiều thách thức.

“Tôi cho rằng trên thị trường bất động sản của Việt Nam hiện nay đang có sự đầu cơ”, ông Jared Chang, Giám đốc điều hành Công ty phát triển Foremost đến từ Đài Loan nhận xét ngay trong ngày đầu tiên của diễn đàn. “Có thể điều này rất khó nhìn thấy từ bên ngoài. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều tiềm năng trên thị trường này, so với các thị trường khác như Singapore và Đài Loan”.

Hiện nay Công ty phát triển Foremost đang có một vài dự án với quy mô rất khiêm tốn tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ông Jared Chang cho biết ông muốn có nhiều thông tin hơn nữa về miền Bắc vì theo ông trong tương lai thị trường bất động sản miền Bắc sẽ phát triển mạnh mẽ với nhiều dự án bất động sản lớn hơn ở miền Nam.

Trong số các doanh nghiệp Singapore tham gia diễn đàn lần này có nhiều tên tuổi lớn như CapitaLand và Keppel Land, Limitless. Các công ty Singapore hoạt động ngoài lĩnh vực bất động sản cũng tham dự diễn đàn này. Ông George Koh một chuyên gia nghiên cứu về ngân hàng và bất động sản cho biết ông đến đây để hiểu thêm về hoạt động của công ty CapitaLand, một khách hàng lớn của ông và muốn biết vì sao công ty này quan tâm nhiều đến thị trường Việt Nam như thế.

Tập đoàn The Ascott, một nhánh của CapitaLand đã bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1994 và là công ty quốc tế lớn nhất trong lĩnh vực quản lý căn hộ dịch vụ.Tuy mới tham gia vào lĩnh vực xây dựng nhà ở từ năm 2006 nhưng tập đoàn CapitaLand đã coi Việt Nam là thị trường then chốt tại châu Á. Hiện nay tập đoàn này đã có mặt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đầu tư vào 4 dự án nhà ở với 2.800 căn nhà tại thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Chong Kee Hiong, Phó tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực tài chính và đầu tư của tập đoàn The Ascott, trong ba năm tới, con số này sẽ lên tới 6.000. Ngoài ra tập đoàn này cũng đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực xây dựng văn phòng, cửa hàng bán lẻ và tổ hợp giải trí, hội nghị. CapitaLand đang có kế hoạch xây dựng quỹ bất động sản đầu tiên tại Việt Nam trị giá 300 triệu Đôla Mỹ.

Keppel Land đã có mặt tại Việt Nam từ đầu những năm 90, đến nay công ty này đã có 16 dự án với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 3 tỷ Đôla Mỹ. Dù không “đình đám” như dự án The Vista của CapitaLand nhưng dự án căn hộ cao cấp The Estella được các doanh nghiệp Việt Nam tham dự diễn đàn đánh giá là có cách “bán hàng” chuyên nghiệp và hiệu quả cao với nhu cầu rất lớn từ khách hàng không kém The Vista. Keppel Land là nhà đầu tư của các dự án như khu căn hộ cao cấp Sedona Suites, Royal Park, đô thị thể thao Saigon Sports City vv... Các dự án này chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam.

“Miền Nam đang thiếu về cung nhiều hơn trong lĩnh vực văn phòng, căn hộ, khách sạn cao cấp. Ở Hà Nội không có chuyện xếp hàng từ tối để mua căn hộ nhưng ở Tp.HCM thì có”, ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Vincom nói. Ông cho rằng thị trường miền Nam hiện đang hấp dẫn các nhà đầu tư hơn các khu vực khác.

Những điểm đến mới

Thừa Thiên - Huế đang song hành thực hiện nhiệm vụ bảo tồn những giá trị truyền thống và đổi mới để hội nhập và phát triển.

Nhiều nhà đầu tư Singapore đã đến Thừa Thiên - Huế để nghiên cứu và thực hiện các dự án như Tập đoàn Changi với dự án nâng cấp cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Công ty Akitek Tenggara với dự án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Huế, Laguana Việt Nam với khu phức hợp cao cấp Lăng Cô, Boustead Salcon với dự án Công viên Địa Đàng, First Vanguard với dự án “Đầm phá sinh học Cầu Hai”.

Trong khuôn khổ diễn đàn này, bà Nguyễn Thị Thúy Hòa, Phó chủ tich UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trao đổi về dự án của Tập đoàn Changi với ông Roger Chua, Phó chủ tịch khu vực. Bà cho biết lãnh đạo Thừa Thiên – Huế sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tập đoàn này đầu tư và khai thác sân bay Phú Bài như họ đã từng làm tốt ở sân bay Changi. Bà Hòa nói: “Tiềm năng của Thừa Thiên - Huế đang là cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đối với chúng tôi, sự phát triển của Thừa Thiên - Huế chính là sự thành công của các bạn trong chiến lược chinh phục thị trường đa quốc gia, đa lĩnh vực”.

Cũng như Hà Tây, trên thị trường bất động sản Hải Phòng vẫn vắng bóng các nhà đầu tư Singapore.

Trong 5 năm vừa qua một lượng vốn khoảng 2 tỷ Đôla đã được đầu tư vào các lĩnh vực: văn phòng, căn hộ cho thuê, khách sạn, khu nhà ở cao cấp, resort tại Hải Phòng. Hiện tại đang có 10 nhà cung cấp dịch vụ văn phòng cho thuê với lượng cung là 10.810m2, trong đó có một công ty liên doanh với nước ngoài và 9 công ty trong nước, ba nhà cung cấp dịch vụ căn hộ cho thuê với 149 phòng. Tất cả các văn phòng và căn hộ ở Hải Phòng chưa đạt hạng A.

Theo ông Edwin A. Vanderbrugen, thủ tục đầu tư đơn giản tại Hải Phòng là một yếu tố rất quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến thành phố này.

Với quy hoạch phát triển các khu công nghiệp và khu đô thị liền kề, Bắc Ninh đang mở rộng cánh cửa cho các nhà đầu tư trong các lĩnh vực này với nhiều ưu đãi.

Một con đường chưa phẳng

Những thông tin liên quan đến luật và thuế được đề cập đến như là yếu tố cần thiết để đầu tư thành công trên thị trường Việt Nam. Bà Đào Nguyễn, đến từ Công ty Mayer Brown JSM cho rằng vấn đề vướng mắc hiện nay nằm ở khâu thực hiện luật.

Một nhà đầu tư tham dự diễn đàn đến từ Đan Mạch nói “Thị trường bất động sản của Việt Nam rất phức tạp vì thật khó để tìm được một người nào đó nói cho mình về tất cả các loại luật. Do vậy nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc xác định những bước đi kế tiếp”. Tuy nhiên, nhà đầu tư này cho rằng công ty của ông không vội vàng và thị trường bất động sản của Việt Nam có rất nhiều cơ hội.

Một trong các trở ngại lớn cho việc đầu tư vào bất động sản là giải phóng mặt bằng, đặc biệt đối với những dự án đòi hỏi quỹ đất lớn như khu công nghiệp, khu đô thị, khu resort. Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thừa Thiên - Huế hiện đang rất chú trọng đến việc giải quyết các vướng mắc này.

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm giao dịch bất động sản Hà Nội cho biết do giá khá cao nên các nhà đầu tư cần phải cân nhắc trong việc đền bù cho người dân. Hà Nội đã trình Chính phủ cơ chế thí điểm để tạo thuận lợi này cho các nhà đầu tư.

“Cách đây ba bốn năm, Hà Tây là một điểm đen trên bản đồ chung của Việt Nam về công tác giải phóng mặt bằng nhưng trong hai ba năm gần đây chúng tôi đã chuyển từ màu đen sang màu sáng. Hà Tây đã áp dụng nhanh và quyết liệt Nghị định 17 của Chính phủ trong vấn đề tạo quỹ đất dịch vụ cho người nông dân để họ có thể tự sinh sống trên mảnh đất đó sau khi phải từ bỏ nghề nông, đảm bảo cho mọi người đều được hưởng lợi từ quá trình đô thị hóa” ông Nguyễn Văn Tứ cho biết.

Ý kiến của một số chuyên gia về hợp tác trong lĩnh vực bất động sản giữa Việt Nam và Singapore

“Khi làm việc với các công ty Singapore, cần phải có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng, vì có chuẩn bị kỹ lưỡng thì ta mới hiểu thấu được giá trị của ta, hiểu giá trị của đối tác, từ đó chúng ta sẽ tạo được lợi ích tối ưu cho Việt Nam và cho cả hai bên. Chúng ta phải lấy tính hiệu quả, uy tín và tầm nhìn xa để giải quyết các vấn đề. Một điều quan trọng nữa là chúng ta có thể học tập rất nhiều kinh nghiệm khi làm việc với họ.

(Ông Nguyễn Trung Thành, Đại sứ Việt Nam tại Singapore)

Tập đoàn Changi có thể mang đến Việt Nam vốn, giải pháp, kinh nghiệm tổ chức và công nghệ cũng như chuyên môn về thương mại và đào tạo nhân sự cho ngành hàng không Việt Nam. Phú Bài là sân bay đầu tiên Changi hợp tác với phía Việt Nam. Với sự hợp tác này, sân bay Phú Bài được chờ đợi sẽ đạt tiêu chuẩn quốc tế và là một “hình mẫu” cho các sân bay khác nhìn vào.

(Roger Chua, Phó chủ tịch khu vực Tập đoàn Changi)

Những vấn đề bất cập hiện nay liên quan đến việc thực hiện luật. Nghị định 84 cho phép một số nhà đầu tư sử dụng đất trong thời hạn 70 năm nhưng theo Luật Đầu tư, thời hạn dự án thường là 50 năm. Sự thiếu thống nhất này làm cho các cơ quan cấp phép không biết xử lý như thế nào. Ngoài ra luật cho phép các công ty nước ngoài mua 30% cổ phần trong các công ty Việt Nam nhưng hiện nay việc thực hiện rất khó khăn.

Quy hoạch cũng là một vấn đề khó khăn trong lĩnh vực bất động sản vì nhà đầu tư có khi không biết họ được xây cái gì. Mỗi cơ quan nhà nước có một ý kiến khác nhau, khiến họ gặp nhiều vướng mắc.

(Bà Đào Nguyễn, Luật sư, Mayer Brown JSM)

Về mặt chính sách, chúng tôi không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài khi tiếp cận thị trường bất động sản Hà Tây. Tuy nhiên nói về cách điều hành thì chúng tôi mong muốn sẽ có một sự hợp tác giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức nhà đầu tư trong nước tiếp cận giải quyết những thủ tục đầu tư ban đầu, từ công tác quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, sau đó phối hợp với các nhà đầu tư nước ngoài để triển khai xây dựng. Như vậy sẽ kết hợp được lợi thế của hai bên.

Chúng tôi mong muốn những dự án bất động sản của Hà Tây sẽ là những dự án được triển khai nhanh nhất và tốt nhất, mang lại cho Hà Tây bộ mặt đô thị hóa, hiện đại, bền vững và hội nhập.

(Ông Nguyễn Văn Tứ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tây)

“Tp.Hồ Chí Minh có thể cạnh tranh với Hồng Kông, Băng Cốc, Singapore vì địa điểm đẹp, nằm giữa trung tâm của các thành phố này. Người ta cứ cho rằng giá ở đây đắt nhưng diễn đàn này cho thấy giá ở đây chỉ bằng 26-44% của các nước xung quanh. Điều này sẽ thu hút các nhà đầu tư vì họ sẽ chuyển các văn phòng của họ về nơi có giá cả rẻ hơn. Dần dần khi cơ sở hạ tầng của mình tốt hơn thì họ sẽ đến”.

(Ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vincom)