11:36 07/08/2008

Những công ty gia đình quyết không bỏ thương trường

Không chỉ thắt lưng buộc bụng, nhiều doanh nghiệp gia đình đang tìm mọi cách để chèo chống qua cơn khó

Do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho nhóm hàng phi thực phẩm nên nhiều doanh nghiệp không thể tăng giá dù chi phí sản xuất tăng.
Do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho nhóm hàng phi thực phẩm nên nhiều doanh nghiệp không thể tăng giá dù chi phí sản xuất tăng.
Không chỉ thắt lưng buộc bụng, nhiều doanh nghiệp gia đình đang tìm mọi cách để chèo chống qua cơn khó.

“Bây giờ là lúc phải tìm mọi cách duy trì hoạt động kinh doanh, giữ cơ nghiệp của mình, vượt qua thời khắc khó khăn này rồi tính tiếp”, ông Lương Vạn Vinh, Giám đốc Công ty Mỹ Hảo tâm sự.

Lỗ cũng phải làm

Theo ông Vinh, so với một năm trước, giá nguyên liệu đầu vào đã tăng 200%, giá bán sản phẩm chỉ tăng được bình quân 20%, một số ít mặt hàng tăng được 30%.

Ông Vinh tính toán: “Nếu tính theo thời giá nguyên liệu hiện nay vào giá thành, mức lỗ có thể trên 20%. Thực tế mỗi thùng chất tẩy rửa tôi chỉ lỗ khoảng 5% là nhờ đã mua nguyên liệu cách đây hai tháng. Trong tình hình này, càng sản xuất, càng giữ giá bán ra để duy trì thị trường và thị phần thì sẽ càng lỗ nặng. Nhưng nếu không làm vậy thì sẽ mất khách hàng, Mỹ Hảo mất tất cả”.

Ông Vinh lo cho tương lai những đứa con đang đi học ngành hoá, ngành quản trị kinh doanh để về nối nghiệp cha tiếp quản công ty. Và ông quyết định trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải giữ cho được tất cả những gì công ty đang có.

“Từ đầu năm đến nay, tôi đã liên tục dùng vốn từ các kênh đầu tư khác, lấy cả tiền để dành cho tuổi già, bơm đến vài chục tỉ đồng cho công ty mua nguyên liệu dự trữ”, ông nói.

Ông Lương Vạn Vinh cho biết chỉ dám hy vọng kết quả năm 2008 sẽ huề vốn hoặc lỗ vài phần trăm. “Thực tế có thể lỗ đến 10 – 15% cũng đành chấp nhận. Bây giờ là lúc phải tìm mọi cách duy trì hoạt động kinh doanh, giữ cơ nghiệp của mình, vượt qua giai đoạn khó khăn này rồi mới tính tiếp”, ông Vinh nói.

Giảm tiêu dùng để nuôi công ty

“Công nhân ở Sài Gòn sẽ phải sống khá chật vật với tiền thuê nhà 300.000 đồng/tháng, tiền ăn tối thiểu cho ba bữa đủ no là 900.000 đồng/tháng, tiền điện – nước – xà bông giặt 150.000 đồng/tháng, tiền xăng – xe di chuyển 200.000 đồng/tháng, chi phí chăm sóc sức khoẻ cá nhân 50.000 đồng/tháng… Vậy nên lương tối thiểu của công nhân sống được phải là 2 triệu đồng/tháng/người”.

Đó là tính toán của ông Vương Thoại Phan, Giám đốc Công ty Kim Chuông. Và vấn đề của ông Phan là làm sao đảm bảo được đời sống cho công nhân để giữ chân họ.

Ông Phan đã phải tăng mức chi quỹ lương lên thêm 32%. Và để làm điều này, các khoản chi nằm trong danh mục quen thuộc của Kim Chuông như tiếp khách, đãi cơm nhà hàng, công tác phí đi tỉnh hoặc nước ngoài, quà tặng khách VIP… đã bị ông thay bằng hình thức “tiết kiệm hơn” hoặc cắt hẳn.

Chi tiêu trong gia đình ông Phan cũng bị siết lại. Những bữa ăn bên ngoài, những món ngon ưa thích hàng ngày, những dịch vụ thư giãn giải trí… đều bị cắt giảm. Việc dùng xe con thường xuyên cho gia đình cũng giảm hẳn. Ông Phan tính: “Xăng lên 19.000 đồng/lít, mức lương tài xế phải trên 2,5 triệu đồng/tháng… Thôi đi xe gắn máy cho tiện”.

Có người đã khuyên ông nên dùng tiền gửi ngân hàng, lấy lãi cả năm gần 20%, sống khoẻ hơn là sản xuất. Nhưng ông nghĩ, chính lúc khó này mới rèn cho con cái bài học kinh nghiệm về thương trường, bài học về sống tiết kiệm và cách vượt qua khó khăn.

Và ông chấp nhận tiếp tục kinh doanh, dù kết quả có thể không tốt.

Chịu trận không tăng giá

Sức mua giảm, thị trường tiêu thụ ít đi, người dân ưu tiên cho cái ăn và cắt giảm chi cho hàng hoá phi thực phẩm là điều mà các chủ công ty phải lưu ý.

Ông Huỳnh Kiến Nam, Giám đốc Công ty Mỹ phẩm Gia Đình lo lắng: “Mức tiêu thụ của thị trường tháng này chỉ bằng 80% của tháng trước. Thấp điểm như thế này thì dù giá nguyên liệu và chi phí sản xuất có tăng đến đâu cũng không thể tăng giá bán ra được. Hiện các đại lý và mối mua hàng đều chần chừ không lấy hàng về vì người tiêu dùng đang tiết kiệm, nhất là giới có thu nhập từ trung bình trở xuống chỉ ưu tiên cho cái ăn, cái mặc hàng ngày và cắt giảm hầu hết các khoản chi mua sắm khác”.

Trước tình hình đó, Gia Đình đành chấp nhận không tăng giá để không bị mất khách. “Làm ăn, điều quan trọng nhất là phải tuỳ theo thị trường mà quyết định”, ông Nam kết luận.

(Theo SGTT)