16:25 06/03/2012

Những “đại gia” Trung Quốc điêu đứng vì chứng khoán

An Huy

Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm điểm mạnh trong năm 2011, khiến nhiều tỷ phú nước này hao hụt tài sản nghiêm trọng

Năm 2011, thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm điểm mạnh, với chỉ số Shanghai Composite sụt trên 20%. Đây chính là nguyên nhân khiến tài sản của nhiều tỷ phú ở nước này giảm chóng mặt.

Tạp chí quản lý tài sản Money Week cho biết, chỉ trong 6 tháng cuối năm 2011, 10 tỷ phú mất nhiều tiền nhất Trung Quốc đã chứng kiến giá trị tài sản ròng hao hụt tổng cộng 13,7 tỷ USD, tương đương mức giảm 35,2% tổng số tài sản trị giá 39,1 tỷ USD của các “đại gia” này.

Trong số 10 tỷ phú Trung Quốc mất nhiều tiền nhất trong thời gian từ tháng 7-12/2011, người “may” nhất cũng mất 794 triệu USD, trong khi người kém may nhất mất tới 2,57 tỷ USD.

Dưới đây là 10 tỷ phú Trung Quốc hao tán tài sản nhiều nhất trong 6 tháng cuối năm ngoái theo xếp hạng của Money Week, do trang China.org.cn giới thiệu:

10. Lu Guanqiu và gia đình

Những “đại gia” Trung Quốc điêu đứng vì chứng khoán - Ảnh 1

Công ty: Wanxiang Group và các công ty khác
Lĩnh vực hoạt động: Đa lĩnh vực
Cổ phần: 41,22% công ty Wanxiang Qianchao
Giá trị tài sản ròng hiện tại: 1,83 tỷ USD
Giá trị tài sản mất mát trong thời gian tháng 7-12/2011: 794 triệu USD
Tỷ lệ tài sản hao hụt: 30%

Gia đình tỷ phú Lu Guanqiu, Chủ tịch tập đoàn Wanxiang Group, đứng thứ 33 trong xếp hạng 3.000 gia đình giàu nhất Trung Quốc ở thời điểm tháng 7/2011 do Money Week thực hiện. Trong thời gian từ tháng 7-12/2011, giá trị tài sản nhà họ Lu đã suy giảm tới 30%, mà nguyên nhân chính là sự đổ dốc của giá cổ phiếu Wangxiang Qianchao - hãng phụ tùng ôtô lớn nhất Trung Quốc.

Tỷ phú Lu là một doanh nhân nổi tiếng ở Trung Quốc, kiểm soát một tập đoàn lớn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ sản xuất phụ tùng ô tô và xe chạy nhiên liệu thay thế, tới bất động sản, nông nghiệp và tài chính. Với tham vọng đưa Wangxiang trở thành một thương hiệu xe hơi, tỷ phú này đã đầu tư vào lĩnh vực xe chạy nhiên liệu thay thế suốt 10 năm qua.

9. Chen Fashu và gia đình

Những “đại gia” Trung Quốc điêu đứng vì chứng khoán - Ảnh 2

Công ty: Newhuadu Industrial Group và các công ty khác
Lĩnh vực hoạt động: Đa lĩnh vực
Cổ phần: 48,9% công ty Newhuadu
Giá trị tài sản ròng hiện tại: 1,32 tỷ USD
Giá trị tài sản mất mát trong thời gian tháng 7-12/2011: 873 triệu USD
Tỷ lệ tài sản hao hụt: 39,9%

Gia đình người sáng lập kiêm Chủ tịch tập đoàn công nghiệp Newhuadu Industrial có trụ sở ở Phúc Kiến - tỷ phú Chen Fashu - xếp thứ 36 trong danh sách 3.000 gia đình Trung Quốc giàu nhất. Bên cạnh cổ phần ở Newhuadu, tỷ phú này còn có cổ phần trong các lĩnh vực khai mỏ, bán lẻ, đồ uống…

Không chỉ nổi tiếng là người giàu nhất ở Phúc Kiến, tỷ phú Chen năm qua còn là tâm điểm chú ý của dư luận một vụ tranh chấp cổ phiếu với hãng sản xuất thuốc lá lớn nhất Trung Quốc Hongta Group. Vào tháng 9/2009, ông Chen chi 349 triệu USD để mua hơn 12% cổ phần của công ty Yunnan Baiyao từ Hongta Group. Đến nay, vụ chuyển nhượng này vẫn chưa được nhà chức trách thông qua.

8. Fang Wei và gia đình

Những “đại gia” Trung Quốc điêu đứng vì chứng khoán - Ảnh 3

Công ty: Fangda Carbon New Material và các công ty khác
Lĩnh vực hoạt động: Sản xuất công nghiệp
Cổ phần: 52,87% công ty Fangda Carbon New Material
Giá trị tài sản ròng hiện tại: 1,32 tỷ USD
Giá trị tài sản mất mát trong thời gian tháng 7-12/2011: 1,08 tỷ USD
Tỷ lệ tài sản hao hụt: 45%

Gia đình tỷ phú trẻ Fang Wei xếp thứ 22 trong số 3.000 gia đình giàu nhất Trung Quốc. Ông Fang là Chủ tịch của tập đoàn công nghiệp Liaoning Fangda Group Industrial, công ty mẹ của công ty Fangda Carbon New Material mà ông nắm cổ phần kiểm soát. Trong 6 tháng cuối năm 2011, tài sản của họ Fang “bốc hơi” 1,08 tỷ USD.

Ông Fang là người không mấy khi xuất hiện trước công chúng. Giá trị vốn hóa của công ty Fangda Carbon của ông dao động mạnh trong suốt năm, rồi bắt đầu sụt mạnh từ giữa tháng 9. Đến nay, các nhà đầu tư vẫn tỏ ra hoài nghi về triển vọng của công ty này, cho dù tỷ phú Fang đã công bố nhiều kế hoạch đầu tư mới.

7. Qiu Guanghe và gia đình

Những “đại gia” Trung Quốc điêu đứng vì chứng khoán - Ảnh 4

Công ty: Zhejiang Semir Garment
Lĩnh vực hoạt động: Bán lẻ
Cổ phần: 84,13%
Giá trị tài sản ròng hiện tại: 3,38 tỷ USD
Giá trị tài sản mất mát trong thời gian tháng 7-12/2011: 1,16 tỷ USD
Tỷ lệ tài sản hao hụt: 25,5%

Gia đình tỷ phú Qiu Guanghe xếp thứ 11 trong số 3.000 gia đình Trung Quốc giàu có nhất. Ông Qiu là Chủ tịch hãng bán lẻ thời trang Zhejiang Semir Garment ở Ôn Châu. Trong thời gian từ tháng 7-12/2011, giá trị tài sản của gia đình này sụt 1,16 tỷ USD.

Vào tháng 3/2011, Semir phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn Thâm Quyến, huy động  được 719,5 triệu USD. Ngay từ ngày giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu này đã sụt giảm mạnh do các nhà đầu tư đặt ra nhiều nghi vấn xung quanh chất lượng sản phẩm của công ty, chi phí sản xuất gia tăng, cùng một số nguyên nhân khác. Từ đó đến nay, giá cổ phiếu Semir vẫn ì ạch ở mức thấp.

6. He Xiangjian và gia đình

Những “đại gia” Trung Quốc điêu đứng vì chứng khoán - Ảnh 5

Công ty: Midea Group
Lĩnh vực hoạt động: Electronic appliances
Cổ phần: 43,03% công ty Guangdong Midea Electric Appliances
Giá trị tài sản ròng hiện tại: 2,83 tỷ USD
Giá trị tài sản mất mát trong thời gian tháng 7-12/2011: 1,32 tỷ USD
Tỷ lệ tài sản hao hụt: 31,8%

Gia đình tỷ phú He Xiangjian, Chủ tịch hãng sản xuất đồ gia dụng hàng đầu Trung Quốc Midea, chiếm vị trí  14 trong danh sách 3.000 giàu nhất nước này năm 2011. Tuy nhiên, từ tháng 7-12/2011, tài sản của họ He giảm 1,32 tỷ USD, tương đương mức giảm 31,8%.

Năm 2011, tăng trưởng nhu cầu đồ gia dụng của Trung Quốc giảm mạnh do tăng trưởng kinh tế của nước này đi xuống. Trong nửa đầu năm, doanh thu của Midea tăng 40%, nhưng sau đó liên tục đi giảm, buộc công ty phải sa thải khoảng 8.000-9.000 nhân viên.

5. Li Li và gia đình

Những “đại gia” Trung Quốc điêu đứng vì chứng khoán - Ảnh 6

Công ty: Shenzhen Hepalink Pharmaceutical
Lĩnh vực hoạt động: Dược phẩm
Cổ phần: 75,59%
Giá trị tài sản ròng hiện tại: 2,37 tỷ USD
Giá trị tài sản mất mát trong thời gian tháng 7-12/2011: 1,38 tỷ USD
Tỷ lệ tài sản hao hụt: 36,9%

Gia đình tỷ phú Li Li, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập của hãng dược Shenzhen Hepalink Pharmaceutical, xếp thứ 19 trong danh sách 3.000 gia đình giàu nhất Trung Quốc. Không may, trong 6 tháng cuối năm 2011, tài sản gia đình này sụt 1,38 tỷ USD, tương đương mức giảm 36,9%.

Giá cổ phiếu của Hepalink trong đợt IPO vào tháng 5/2010 lên tới 148 Nhân dân tệ, đánh dấu mức giá cổ phiếu cao kỷ lục trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, đẩy giá trị tài sản ròng của vợ chồng ông  Li lên mức 8,17 tỷ USD. Nhưng chỉ vài ngày sau vị IPO, giá cổ phiếu Hepalink lao dốc sau khi bị phát hiện cung cấp thông tin IPO sai lệch nhằm đánh lừa nhà đầu tư. Cho đến nay, nhà Li tiếp tục chật vật cải thiện hình ảnh công ty sau bê bối trên, đồng thời đương đầu với sức cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ khác.

4. Huang Wei và gia đình

Những “đại gia” Trung Quốc điêu đứng vì chứng khoán - Ảnh 7

Công ty: Zhejiang Sinhoo Group
Lĩnh vực hoạt động: Bất động sản
Cổ phần: 69,6% công ty Xinhu Zhongbao
Giá trị tài sản ròng hiện tại: 2,4 tỷ USD
Giá trị tài sản mất mát trong thời gian tháng 7-12/2011: 1,4 tỷ USD
Tỷ lệ tài sản hao hụt: 36,4%

Gia đình ông Chủ tịch tập đoàn Sinhoo, tỷ phú Huang Wei, xếp thứ 18 về mức độ giàu có ở Trung Quốc. Tài sản họ Huang giảm 1,4 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm, tương đương mức giảm 36,4%. Thành lập vào năm 1994 tại Triết Giang, Sinhoo là một tập đoàn lớn hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ tài chính, bất động sản, khoáng sản, dược phẩm, tới đầu tư.

Trong 6 tháng cuối năm 2011, công ty bất động sản dẫn đầu tập đoàn này là Xinhu Zhongbao ra tới 23 thông báo về sự sụt giảm của giá cổ phiếu.

3. Zhang Jindong và gia đình

Những “đại gia” Trung Quốc điêu đứng vì chứng khoán - Ảnh 8

Công ty: Suning Appliance và các công ty khác
Lĩnh vực hoạt động: Bán lẻ
Cổ phần: 31,67% công ty Suning Corp
Giá trị tài sản ròng hiện tại: 2,97 tỷ USD
Giá trị tài sản mất mát trong thời gian tháng 7-12/2011: 1,56 tỷ USD
Tỷ lệ tài sản hao hụt: 34,4%

Nhà tỷ phú Zhang Jingdong, Chủ tịch hãng bán lẻ hàng điện tử hàng đầu Trung Quốc Suning, chiếm vị trí thứ 10 về độ giàu ở Trung Quốc. Trong bối cảnh đi xuống của thị trường chứng khoán nước này năm qua, những cổ phiếu chất lượng cao như Suning cũng không nằm ngoài xu hướng mất giá. Đó là lý do chính khiến tài sản của họ Zhang hao hụt 1,56 tỷ USD, tương đương mức giảm 34,4 %.

Tuy nhiên, ông Zhang vẫn nuôi tham vọng lớn cho tương lai của Suning. Khi đối thủ lâu năm là hãng Gome đang khốn đốn vì đấu đá nội bộ, Suning đã nắm bắt cơ hội để vươn lên. Ông Zhang đang theo đuổi mô hình kinh doanh kết hợp giữa bán lẻ tại các cửa hiệu và bán lẻ trực tuyến như hãng Wal-mart của Mỹ. Trang thương mại điện tử Suning E-Go ra mắt vào tháng 1/2010 đã đạt doanh thu 317 triệu USD ngay trong năm đầu tiên. Vào tháng 11 năm ngoái, Suning ký thỏa thuận hợp tác với hãng IBM của Mỹ nhằm đưa Suning E-Go trở thành trang bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới.

2. Wang Chuanfu và gia đình

Những “đại gia” Trung Quốc điêu đứng vì chứng khoán - Ảnh 9

Công ty: BYD Auto
Lĩnh vực hoạt động: Ôtô
Cổ phần: 24,24%
Giá trị tài sản ròng hiện tại: 1,38 tỷ USD
Giá trị tài sản mất mát trong thời gian tháng 7-12/2011: 1,62 tỷ USD
Tỷ lệ tài sản hao hụt: 54,3%

Gia đình Chủ tịch hãng ôtô BYD, ông Wang Chuanfu, xếp thứ 21 trong số 3.000 gia đình giàu nhất Trung Quốc. Giá cổ phiếu lao dốc mạnh đã khiến tài sản họ Wang giảm mất 1,62 tỷ USD trong thời gian từ tháng 7-12/2011. Trong năm qua, tỷ phú này đương đầu thách thức từ mọi phía, từ việc các nhà phân phối từ bỏ công ty, doanh số sụt giảm, tới sa thải nhân viên…

Sau khi được thành lập vào năm 1995, BYD đã có vài năm ăn nên làm ra , nhất là sau khi được nhà đầu tư huyền thoại của Mỹ Warren Buffett rót 232 triệu USD tiền vốn vào tháng 10/2008. Sau đó, tốc độ tăng trưởng doanh số của BYD bắt đầu giảm từ năm 2010. Riêng trong năm 2010, cổ phiếu BYD mất giá 40%. Trong 6 tháng đầu năm 2011, lợi nhuận ròng của BYD giảm 80%.

1. Liang Wengen và gia đình

Những “đại gia” Trung Quốc điêu đứng vì chứng khoán - Ảnh 10

Công ty: Sany Heavy Industry  và các công ty khác
Lĩnh vực hoạt động: Thiết bị xây dựng
Cổ phần: 36,61% công ty Sany Heavy Industry
Giá trị tài sản ròng hiện tại: 5,52 tỷ USD
Giá trị tài sản mất mát trong thời gian tháng 7-12/2011: 2,57 tỷ USD
Tỷ lệ tài sản hao hụt: 31,8%

Sany Group là hãng sản xuất máy móc hạng nặng lớn nhất của Trung Quốc. Gia đình ông Chủ tịch hãng này, tỷ phú Liang Wengen, cũng là gia đình giàu có nhất Trung Quốc năm 2011 theo xếp hạng của Money Week. Tỷ phú này cũng dẫn đầu các xếp hạng tỷ phú Trung Quốc do các tạp chí khác như Forbes của Mỹ hay Hồ Nhuận thực hiện. Đồng thời, ông Liang còn là tỷ phú mất nhiều tiền nhất Trung Quốc năm qua.

Do giá cổ phiếu Sany lao dốc, trong 6 tháng cuối năm 2011, họ Liang mất 2,57 tỷ USD, tương đương 31,8% giá trị tài sản. Nguyên nhân chính đẩy giá cổ phiếu này đi xuống là do doanh thu của Sany chịu ảnh hưởng nặng nề từ chính sách thắt chặt bất động sản của Trung Quốc.