00:18 23/02/2007

Những địa phương nghìn tỷ

Trong năm 2006 đã có 28 tỉnh, thành phố nằm trong danh sách địa phương có số thu ngân sách đạt hơn 1.000 tỷ đồng

Một góc chợ Bến Thành, Tp.HCM.
Một góc chợ Bến Thành, Tp.HCM.
Trong năm 2006 đã có 28 tỉnh, thành phố nằm trong danh sách địa phương có số thu ngân sách đạt hơn 1.000 tỷ đồng.

Đứng đầu bảng xếp hạng vẫn là Tp.HCM và Hà Nội. Dưới đây là danh sách 10 tỉnh, thành phố nằm trong danh sách "Câu lạc bộ nghìn tỷ đồng" do Tổng cục Thuế xếp hạng.

1. Tp.HCM: Năm 2006, TP HCM thu nội địa đạt trên 35.000 tỷ đồng. Đây cũng là địa phương phát triển nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh nhất cả nước với số thu chiếm 33% tổng số thu của cả nước từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Ngoài ra, TP HCM cũng là địa phương dẫn đầu về thu thuế thu nhập cao, với 2.300 tỷ đồng (chiếm 44% tổng thu thuế thu nhập cao của cả nước).

2. Hà Nội: Năm 2006, thu nội địa của Hà Nội đạt gần 28.000 tỷ đồng. Trong đó, số thu từ khu vực các doanh nghiệp Nhà nước đạt hơn 15.000 tỷ đồng (chiếm 32% tổng số thu của cả nước từ khu vực kinh tế này). Bên cạnh đó, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng khá lớn, đạt trên 3.000 tỷ đồng, doanh nghiệp ngoài quốc doanh đạt trên 2.000 tỷ đồng.

3. Bà Rịa - Vũng Tàu: Thu nội địa (không tính thu từ dầu thô) của tỉnh đạt 9.500 tỷ đồng. Trong đó, thu từ doanh nghiệp Nhà nước đạt 4.000 tỷ đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 3.400 tỷ đồng. Phần lớn số doanh nghiệp trên địa bàn có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước là những doanh nghiệp khai thác và chế biến các sản phẩm từ dầu và khí. Không chỉ là trung tâm khai thác dầu khí lớn nhất nước, Bà Rịa Vũng Tàu còn được biết đến như trung tâm du lịch hấp dẫn ở phía Nam.

4. Đồng Nai: Là một trong số ít địa phương thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài có quy mô vốn hơn 100 triệu USD, tạo nguồn thu ngân sách lớn cho tỉnh. Năm 2006, thu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.000 nghìn tỷ đồng trong tổng số trên 5.700 tỷ đồng thu nội địa của cả tỉnh. Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng có số thu khá lớn với 1.500 tỷ đồng.

5. Bình Dương: Tỉnh luôn dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Năm 2006, thu nội địa của Bình Dương đạt trên 3.750 tỷ đồng, trong đó thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.300 tỷ đồng.

6. Vĩnh Phúc: Các nhà đầu tư đã rút ngắn được hai phần ba thời gian theo quy định khi làm thủ tục xin cấp phép đầu tư. Chính sự thông thoáng, cải tiến thủ tục đầu tư đã giúp Vĩnh Phúc vươn lên đứng trong danh sách 10 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Năm 2006, thu nội địa của Vĩnh Phúc đạt trên 3.300 tỷ đồng, trong đó thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 83%.

7. Đà Nẵng: Năm 2006, khu vực doanh nghiệp quốc doanh trên địa bàn đóng góp cho ngân sách Nhà nước 700 tỷ đồng. Đây cũng là địa phương được cả nước biết đến với chính sách "đổi đất lấy hạ tầng". Với chính sách này, năm 2006 số tiền thu từ sử dụng đất đã chiếm tới 1.400 tỷ đồng trong tổng số trên 3.250 tỷ đồng tổng thu nội địa của thành phố.

8. Hải Phòng: Thu nội địa của thành phố này đạt 2.870 tỷ đồng, trong đó hơn 200 doanh nghiệp quốc doanh đã đóng góp khoảng 850 tỷ đồng. Doanh nghiệp có vốn nước ngoài đóng góp 500 tỷ đồng và doanh nghiệp ngoài quốc doanh 360 tỷ đồng.

9. Khánh Hòa: Năm 2006, thu nội địa của tỉnh đạt 2.700 tỷ đồng, trong đó thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 1.800 tỷ đồng. Một trong những thế mạnh của Khánh Hòa là phát triển dịch vụ, du lịch và các sản phẩm công nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ... Đây là những sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao. Nhờ đó đem lại nguồn thu lớn cho địa phương, góp phần giúp Khánh Hòa trở thành một trong những tỉnh tự cân đối ngân sách.

10. Quảng Ninh: Đạt hơn 2.650 tỷ đồng, trong đó thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước lên tới 1.500 tỷ đồng. Quảng Ninh còn có nhiều tiềm năng về nuôi trồng và chế biến hải sản, hệ thống cảng biển và dịch vụ cảng biển và là nơi có tiềm năng về khai thác, chế biến than và phát triển dịch vụ, du lịch đã tạo nguồn thu lớn cho tỉnh.