15:57 03/01/2008

Những khoảng trống nhân lực

Vấn đề khiến các nhà đầu tư lo lắng là thị trường Việt Nam không thể đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao, giá hợp lý

Ngành tài chính, ngân hàng, phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin - viễn thông ... vẫn thu hút nhiều lao động và có nhu cầu trong năm 2008.
Ngành tài chính, ngân hàng, phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin - viễn thông ... vẫn thu hút nhiều lao động và có nhu cầu trong năm 2008.
Chiến lược đầu tư mạnh vào ngành công nghệ thông tin và viễn thông, những hoạt động nhộn nhịp trong lĩnh vực đầu tư tài chính đã khiến thị trường lao động luôn sôi nổi với nhu cầu nhân lực lớn.

Khát nhân lực tài chính

Mới tháng rồi, một công ty chứng khoán có trụ sở ngoài Hà Nội đã cho đăng tuyển dụng nhân sự ở nhiều tờ báo lớn tại Tp.HCM. Số lượng tuyển gần cả trăm nhân viên với khoảng 20 chức danh. Trong đó, các chức danh chuyên viên môi giới giao dịch, tư vấn tài chính doanh nghiệp, phân tích đầu tư, tự doanh có số lượng tuyển 10-15 người/chức danh.

Thông tin này được giới thạo tin bình luận là một chiêu quảng bá doanh nghiệp, bởi với số lượng tuyển “hùng hậu” như vậy thị trường không cách gì đáp ứng được.

Thị trường hiện có gần 100 công ty chứng khoán đã được cấp phép; khoảng 50 hồ sơ lập công ty chứng khoán đang chờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét; nhiều hồ sơ khai sinh công ty chứng khoán nữa đang được hoàn tất và sẽ nộp lên cơ quan quản lý thị trường. Chưa kể các công ty chứng khoán còn đua nhau mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch và đại lý nhận lệnh.

Tính trung bình, mỗi công ty chứng khoán cần khoảng 20 người có chuyên môn nghiệp vụ về tài chính chứng khoán. Ngoài mảng tự doanh, môi giới gần như là chức năng phải có của công ty chứng khoán để kéo nhà đầu tư đến sàn và tạo dựng tên tuổi cho công ty. Hai lĩnh vực chủ chốt này đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên viên kinh nghiệm về tư vấn tài chính doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với cả trăm công ty chứng khoán cùng ồ ạt “xuất quân” như hiện nay, khó có nguồn nào có thể cung ứng nổi lượng nhân lực cần thiết, chưa nói đến chuyện tinh nghề. Vì thế, các công ty chứng khoán đành phải mời chào và lôi kéo nhân lực của nhau. Nhiều công ty chứng khoán có giấy phép nhưng không thể khai trương hoạt động vì chưa tìm đủ người, dù đăng báo tuyển dụng nhiều kỳ.

Theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, người muốn hành nghề kinh doanh chứng khoán phải có ba chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán cơ bản, luật chứng khoán, phân tích và đầu tư chứng khoán. Với quy định này, hiện thị trường chỉ cung ứng được 500-700 nhân viên môi giới có chứng chỉ hành nghề.

Vì thế, nhiều công ty chứng khoán đã sử dụng nhân viên môi giới chưa có chứng chỉ do Nhà nước cấp. Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phát hiện và xử lý một số công ty chứng khoán, vì quá nửa số nhân viên môi giới chứng khoán ở đây chưa có chứng chỉ hành nghề.

Đầu năm nay, khi thị trường mới có khoảng 60 công ty chứng khoán, một chuyên gia đào tạo chứng khoán đã nhận định, ít nhất ba năm nữa các công ty chứng khoán trên mới có đủ nhân sự theo đúng yêu cầu của Nhà nước.

Tại Tp.HCM, ngoài một số cơ sở đào tạo chuyên ngành chứng khoán như Học viện Ngân hàng, Đại học Kinh tế Tp.HCM, Đại học Ngân hàng Tp.HCM, hầu hết các trường khác mới chỉ có bộ môn chứng khoán. Số sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành chứng khoán từ ba cơ sở trên hàng năm chỉ trên dưới 200.

Việc đào tạo bị giới hạn một phần cũng do thiếu đội ngũ giảng viên. Theo Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Trưởng khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế Tp.HCM, số giảng viên đủ trình độ chuyên môn đứng lớp trên toàn địa bàn Tp.HCM chỉ khoảng 20-30 người.

Tháng 6 vừa qua, Bộ Tài chính đã cho phép mở rộng các khóa đào tạo chứng chỉ hành nghề chứng khoán tại một số trường đại học. Động thái này được trông chờ sẽ giải tỏa bớt áp lực cho Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán, thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, là nơi trước đây “độc quyền” đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán.

Đồng thời, các công ty chứng khoán sẽ có thêm nguồn cung nhân lực, tránh việc tuyển dụng nhân viên không có chứng chỉ hành nghề, hoặc phải chiêu dụ nhân sự bằng những mức lương cao chót vót như hiện nay.

Hiện thời, các vị trí quản lý trong công ty chứng khoán luôn được ra giá với mức lương không dưới 20 triệu đồng/tháng, cộng với quyền mua cổ phiếu ưu đãi bằng mệnh giá. Trưởng phòng của một công ty chứng khoán tầm trung cũng có mức lương đến cả chục triệu đồng/tháng.

Vừa qua, bên cạnh phong trào lập ngân hàng ở các tổng công ty, tập đoàn như Dầu khí, Bảo Việt, FPT, VNPT, Vinatex, Habeco… các ngân hàng cũng tích cực mở rộng mạng lưới, phát triển thêm chi nhánh và phòng giao dịch. Giới lãnh đạo một số ngân hàng có kế hoạch mở rộng mạng lưới đang đau đầu cho việc tìm đội ngũ điều hành các chi nhánh.

Ông Paul Nguyễn, Giám đốc điều hành mạng tuyển dụng HR Vietnam, cho biết mấy tháng gần đây bộ phận tuyển dụng của công ty nhận được 300-500 đơn đặt hàng/tháng cho các vị trí trung cao trong ngành tài chính-ngân hàng. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng chỉ khoảng 5%.

Các ngân hàng hiện cũng đưa ra mức lương hấp dẫn để thu hút nhân lực. Các vị trí quản trị, tư vấn cấp trung có mức lương 700-1.000 USD/tháng; chuyên viên phân tích tài chính, chuyên gia cao cấp thường có mức lương tháng trên 2.000 USD.

Thiếu lao động kỹ thuật

Các chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục có làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam trong 10-20 năm tới, nhất là ở lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu dựa trên công nghệ cao. Tuy nhiên, vấn đề khiến các nhà đầu tư lo lắng là thị trường Việt Nam không thể đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao, giá hợp lý so với các nước trong khu vực.

Tập đoàn Intel, nhà sản xuất bộ vi xử lý lớn nhất thế giới, đã đầu tư 1 tỉ đô la vào Việt Nam. Trong kế hoạch kinh doanh, Intel cần tuyển dụng 3.000 lao động, trong đó có gần 1.000 kỹ sư, chủ yếu thuộc ngành điện tử, tin học và tự động hóa. Tuy nhiên, ngay trong đợt tuyển dụng 200 kỹ sư đầu tiên, Intel chỉ có thể tìm được chưa tới phân nửa số lượng đạt yêu cầu.

Theo ông Nghiêm Trọng Quý, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề ở nước ta hiện đang ở mức thấp, chiếm khoảng 20%. Trong khi đó, các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao như tin học, tự động hóa, cơ điện tử, chế biến xuất khẩu... đều đòi hỏi lao động qua đào tạo nghề là trên 70%, trong đó trên 35% cần có trình độ trung cấp trở lên.

Đạt được mức này thì các doanh nghiệp mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện cả nước có gần 600 trường và trung tâm dạy nghề; cơ sở dạy nghề thì lên đến hàng ngàn. Tuy nhiên, ông Quý cho rằng mạng lưới cơ sở dạy nghề phát triển nhưng số lượng trường và trung tâm dạy nghề vẫn còn ít, quy mô đào tạo nhỏ.

Vừa qua, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản đã có cuộc điều tra về chi phí đầu tư hàng năm của doanh nghiệp, qua đó cho thấy mức tăng lương trung bình đối với cán bộ bậc trung ở Việt Nam là 40%, trong khi ở các nước khác chỉ là 7%. Gánh nặng chi phí này đã ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Jessica Lu, chuyên viên tư vấn nhân sự Công ty Smart HR, cho biết để tuyển dụng được người giỏi, nhiều công ty chấp nhận trả lương cao gấp đôi so với mức trung bình trên thị trường. Trước đây, giám đốc điều hành thường nhận mức lương 2.000 USD/tháng thì nay đã được tăng lên 3.000- 4.000 USD/tháng, chưa kể các khoản thưởng. Một trưởng phòng tiếp thị có mức lương bình quân 1.500-2.000 USD/tháng trước đây có thể được tăng lên 2.500-3.000 USD/tháng.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc tuyển dụng nhân sự cao cấp của Navigos Group, cho biết xu hướng thị trường lao động trong năm 2008 vẫn chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo bà Anh, các dấu hiệu của nền kinh tế cho thấy trong năm 2008, ngành tài chính, ngân hàng vẫn thu hút nhiều lao động và có nhu cầu tuyển dụng cao.

Tiếp theo đó là các ngành phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin/viễn thông, do các nhà đầu tư nước ngoài và Chính phủ Việt Nam sẽ chú trọng phát triển những ngành này trong thời gian tới. Ngoài ra, ngành hàng tiêu dùng vẫn sẽ thu hút nhiều lao động như trước nay vẫn thế.