12:20 04/02/2009

Những “người khổng lồ” ra đời trong khủng hoảng

Kiều Oanh

Nếu ai đó cho rằng, suy thoái không phải là thời điểm hợp lý để thành lập công ty, có lẽ họ nên nghĩ lại

Frederick W. Smith bên một chiếc máy bay chở hàng của FedEx.
Frederick W. Smith bên một chiếc máy bay chở hàng của FedEx.
Nếu ai đó cho rằng, suy thoái không phải là thời điểm hợp lý để thành lập công ty, có lẽ họ nên nghĩ lại.

Vài trong số những tập đoàn lớn nhất ở Mỹ như P&G, IBM, GE, General Motors, United Technologies và FedEx là minh chứng cho điều này. Những doanh nghiệp lớn mạnh này đều là những công ty ra đời trong những giai đoạn khó khăn nhất của kinh tế Mỹ.

1. Procter & Gamble (P&G)

Lĩnh vực: Hàng tiêu dùng
Thời gian thành lập: 1837

Năm 1837, một người làm nến có tên William Procter và người em rể chuyên làm xà phòng có tên James Gamble đã hợp tác thành lập một công ty nhỏ sản xuất hàng tiêu dùng ở vùng Cincinnati của Mỹ.

Đây là một bước đi mạo hiểm, xét trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang trong thời kỳ u ám và phải trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài 6 năm. Dòng người nhập cư ồ ạt tới miền Tây nước Mỹ đẩy giá dất tăng cao, tiếp theo là lạm phát leo thang. Các vụ đổ vỡ trong ngành ngân hàng và những lo ngại về độ an toàn của tiền giấy đã dẫn tới sự lao dốc kinh tế mạnh nhất từ khi nước Mỹ được thành lập.

Tuy nhiên, P&G vẫn tồn tại và vươn lên giành những hợp đồng béo bở để cung cấp hàng thiết yếu cho quân đội Chính phủ trong thời kỳ nội chiến ở Mỹ (1861-1865).

Năm 2008, P&G đạt doanh thu 83,5 tỷ USD và lợi nhuận 12,1 tỷ USD. Tập đoàn hiện là chủ sở hữu của một loạt nhãn hiệu hàng tiêu dùng nổi tiếng khắp thế giới như bột giặt Tide, tã giấy Pampers, bàn chải đánh răng Oral-B, dầu gội đầu Pantene, pin Duracell…

Tuy ít nhiều chịu tác động của cuộc suy thoái hiện nay, so với những đối thủ nhỏ con hơn khác như Johnson & Johnson và Colgate-Palmolive, tình hình kinh doanh của P&G rất vững vàng. Do sản xuất những sản phẩm thiết yếu, P&G được dự báo là sẽ vẫn “sống khỏe” trong thời kỳ kinh tế khó khăn.

2. IBM

Lĩnh vực: Công nghệ thông tin
Thời gian thành lập: Thời kỳ suy thoái dài (Long Depression) 1873-1896

1873-1896 là quãng thời gian mà nền kinh tế thế giới chứng kiến một loạt sự kiện không mong đợi: thị trường chứng khoán Vienna (Áo) sụp đổ, đạo luật về tiền đúc năm 1873 của Mỹ không coi kim loại bạc là tiền nữa, khiến các nhà đầu tư không còn muốn vay những khoản vay dài hạn, nhiều ngân hàng của Mỹ sụp đổ…

Tuy nhiên, 3 công ty mới thành lập khi đó là Tabulating Machine Company, International Time Recording Company và Computing Scale Corporation đã phát triển những công nghệ được cần tới cả khi kinh tế xuống dốc. Chẳng hạn một chiếc đồng hồ tính thời gian làm việc của công nhân - sản phẩm nhận được vô số đơn đặt hàng khi sản xuất công nghiệp tăng vọt ở thời điểm cuối thế kỷ, hay chiếc máy lập bảng rất được cần tới trong thời kỳ nhập cư vào Mỹ tăng cao nhằm phục vụ cho việc thống kê dân số.

Năm 1911, 3 công ty này hợp nhất với cái tên Computing-Tabulating-Recording Company và nhiều năm sau đổi tên thành IBM.

Trong lần suy thoái hiện nay, IBM rất vững vàng vì đã có quá nhiều kinh nghiệm vượt khủng hoảng. Thành công rực rỡ của IBM trong những năm 1960 đã dẫn tới một vụ kiện chống độc quyền do Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành nhằm vào hãng. IBM đã điêu đứng vì vụ kiện được coi là “nước Mỹ chống lại IBM” này trong suốt thập niên 1970 và phải cải tổ lại hoạt động kinh doanh.

Tới thập niên 1990, IBM suýt bị thế giới cho rơi vào quên lãng do lĩnh vực ổ cứng và máy chủ truyền thống của hãng xuống dốc. Dưới sự lãnh đạo của CEO Lou Gerstner, IBM tiến hành cải tổ mô hình kinh doanh, chuyển trọng tâm từ sản phẩm sang dịch vụ.

Dịch vụ thuê ngoài (outsourcing) của IBM hiện rất hút khách và đóng góp một phần đáng kể vào doanh thu của hãng. Năm 2008, doanh thu của IBM đạt kỷ lục 103,6 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều khả năng IBM đang phải tiến hành sa thải hàng ngàn nhân công ở các bộ phận bán hàng và phần mềm.

3. General Electric (GE)

Lĩnh vực: Năng lượng và một số lĩnh vực khác
Thời gian thành lập: 1873

Khởi động cho cuộc Suy thoái dài (Long Depression) là cú sốc năm 1873 với sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Jay Cooke & Co. khiến Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) phải đóng cửa nhiều ngày. Sau đó là một cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài 6 năm.

Năm 1876, Thomas Edison xem đó là thời gian lý tưởng để mở một phòng thí nghiệm tại vùng Menlo Park, bang New Jersey. Tại đây, ông đã sản xuất bóng đèn điện đầu tiên vào năm 1879 - năm mà khủng hoảng tài chính chính thức chấm dứt. Mặc dù tình hình kinh tế Mỹ còn khó khăn tới năm 1896, Edison đã tạo được đà cho sự thành lập công ty mà ông đặt tên là Edison General Electric Company.

Vào năm 1896, hãng GE của Edison trở thành một trong những công ty đầu tiên nằm trong chỉ số công nghiệp Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ. Ngày nay, GE là công ty duy nhất còn lại trong số 12 công ty đầu tiên được đưa vào chỉ số này.

Năm 2008, doanh thu của GE là 183 tỷ USD, nhưng lợi nhuận đã giảm mất 19%. Lợi nhuận từ lĩnh vực hàng tiêu dùng và công nghiệp của GE giảm 65% trong năm 2008, trong khi lợi nhuận của bộ phận tài chính GE Capital giảm mất 30%. Mặc dù bộ phận năng lượng của GE chỉ có mức tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn, hãng vẫn quyết tâm theo đuổi lĩnh vực này.

4. General Motors (GM)

Lĩnh vực: Xe hơi
Thời gian thành lập: 1907

Thời Tổng thống Theodore Roosevelt, trước khi nước Mỹ có ngân hàng trung ương, các tổ chức cho vay phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiền của chính mình. Điều này trở thành rắc rối khi vào năm 1907, một loạt ngân hàng lớn của Mỹ đã chạy đua mua cổ phần kiểm soát trong công ty United Copper. Khi các ngân hàng thất bại trong cuộc đua này, khách hàng bắt đầu ồ ạt rút tiền, đẩy không ít tổ chức cho vay tới kết cục đổ vỡ.

Tuy nhiên, những sự cố này không ngăn cản được một người đóng xe ngựa kéo có tên William Durant từ bỏ ý định thử vận may của mình. Vào ngày 16/9/1908, Durant đã thành lập GM tại vùng Flint, bang Michigan, với lĩnh vực hoạt động là sản xuất xe hơi. Năm đó, GM đã thâu tóm của hai công ty Buick và Oldsmobile vốn đã thành lập trước đó vài năm. Trước khi khủng hoảng thực sự kết thúc, vào năm 1907, GM đã tận dụng cơ hội này để thâu tóm thêm cho mình nhiều công ty nữa.

Năm 2008 là một năm đầy sóng gió đối với GM, khi mà giá dầu đạt kỷ lục mọi thời đại và thị trường ôtô toàn cầu lao dốc do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Trong năm này, giá cổ phiếu của GM sụt mất 85%. Tuy nhiên, khó khăn là tình hình chung của ngành xe hơi hiện nay. Cùng với GM, “người láng giềng” Chrysler đã phải cần tới sự hỗ trợ của Chính phủ Mỹ để tránh nguy cơ phá sản.

5. United Technologies

Lĩnh vực: Công nghệ hàng không
Thời gian thành lập: Đại khủng hoảng 1929

Năm 1929, thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ, khởi đầu cho thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài 10 năm. Tuy nhiên, đây cũng là năm đánh dấu sự ra đời của một “đại gia” trong lĩnh vực hàng không. Hai công ty United Aircraft and Transport Corporation ban đầu là một hãng mẹ cho các công ty vận tải hàng không như United Airlines và các nhà sản xuất linh kiện máy bay, trong đó có cả hãng Boeing.

Đại khủng hoảng khiến hầu hết các ngành công nghiệp điêu đứng, nhưng thời gian đó lại được xem là “kỷ nguyên vàng” của ngành hàng không. Ngay trong năm đầu tiên thành lập, United Aircraft and Transport Corporation đã thâu tóm nhiều công ty khác và phải đối mặt với luật chống độc quyền của Mỹ. Vào năm 1934, Boeing và United Airlines trở thành hai công ty riêng rẽ, còn United Aircraft and Transport Corporation trở thành tập đoàn United Technologies ngày nay - một hãng sản xuất công nghiệp với nhiều lĩnh vực hoạt động, nhưng chủ yếu vẫn là lĩnh vực công nghiệp hàng không.

Doanh thu năm 2008 của United Technologies là 58,7 tỷ USD. Nhờ doanh thu tăng ở bộ phận hàng không, lợi nhuận của hãng trong quý 4/2008 tăng. Tuy nhiên, số đơn đặt hàng cho các sản phẩm như thang máy và máy điều hòa không khí của hãng đang giảm xuống.

Trong chương trình tái cơ cấu lớn đang diễn ra, trong năm qua, United Technologies cũng đã phải sa thải hàng ngàn công nhân. Đầu năm nay, hãng tiếp tục có kế hoạch sa thải nhân công số lượng lớn.

6. FedEx

Lĩnh vực: Vận chuyển nhanh
Thời gian thành lập: Cuộc khủng hoảng dầu lửa 1973

Một hôm, doanh nhân Frederick W. Smith cần chuyển gấp một số tài liệu quan trọng trong vòng 2 ngày. Nhận thấy tính cần thiết của hoạt động vận chuyển nhanh, vào tháng 6/1971, ông đã thành lập một công ty có tên Federal Express (FedEx). Tới năm 1973, công ty này mới chính thức đi vào hoạt động tại sân bay quốc tế Memphis ở Mỹ. Trong chuyến hàng đầu tiên, FedEx đã vận chuyển 186 bưu kiện tới 25 thành phố của nước Mỹ.

Tuy nhiên, tình hình quốc tế lúc đó bất ổn, và chỉ trong vòng vài tháng, nhiều quốc gia Arab đã cấm vận dầu lửa đối với Mỹ. Là một hãng vận chuyển phụ thuộc vào xăng dầu, FedEx vẫn cầm cự qua giai đoạn khó khăn này và làm ăn có lãi từ tháng 7/1975, khi giá dầu bắt đầu hạ nhiệt.

Năm 2008 dường như là năm đầu tiên trong lịch sử của FedEx, hãng lại gặp những khó khăn tương tự như ngày đầu thành lập, vì giá dầu thiết lập đỉnh cao lịch sử mọi thời đại.

Khi giá dầu giảm xuống, FedEx lại phải đối mặt với một khó khăn mới, đó là sự xuống dốc kinh tế làm giảm nhu cầu vận chuyển nhanh. Lượng hàng vận chuyển bình quân hàng ngày trong quý tài khóa kết thúc cuối tháng 11/2008 đã giảm 2% so với cùng kỳ. Để tiết giảm chi phí, FedEx đã quyết định cắt giảm 20% lương nhân viên trong năm 2009.

(Theo CNN)