12:22 19/05/2011

Những nỗi lo nào đang chi phối các thị trường?

Hồng Ngọc

Tỷ phú Buffett cho rằng "hãy tham lam khi người khác sợ hãi", và hiện nhà đầu tư đang lo ngại thực sự

Nhà đầu tư đang lo sợ, đã tới lúc nên "tham lam"?
Nhà đầu tư đang lo sợ, đã tới lúc nên "tham lam"?
Nhà đầu tư trên khắp các thị trường từ vàng, bạc, dầu thô cho tới chứng khoán đều đang lo sợ, nào là ngày kết thúc chương trình mua trái phiếu 600 tỷ USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sắp kết thúc, nào là tương lai giá dầu, nhà đất không ổn định, lạm phát toàn cầu bay vút...

Tỷ phú Warren Buffett từng nói, "hãy sợ hãi khi người khác tham lam và hãy tham lam khi người khác sợ hãi". Tuy nhiên, trước khi tỏ ra "mừng vui" và mạo hiểm đầu tư, cũng cần làm rõ nhà đầu tư đang lo ngại những gì để có quyết định đúng đắn.

Dưới đây là một vài nỗi lo chính đang chi phối các thị trường hàng hóa. Rất có thể còn có những lo lắng khác, và nhà đầu tư cần sắp xếp lại cái gì chính cái gì phụ. Cách liệt kê dưới đây chỉ mang tính tham khảo.

QE2 sắp đặt dấu chấm hết

Hôm 27/4, Ủy ban Thị trường mở Liên bang thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục từ 0-0.25% và cho biết chương trình mua 600 tỷ USD trái phiếu (QE2) sẽ kết thúc đúng như dự kiến vào ngày 30/6/2011. Biện giải cho quyết định này, FED cho rằng lạm phát đã bắt đầu gia tăng, đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ diễn ra với “tốc độ vừa phải”.

Tuy nhiên, FED vẫn cho rằng đà gia tăng của lạm phát chỉ là tạm thời và thị trường việc làm vẫn là một lĩnh vực đáng lo ngại hơn cả. Với quyết định trên của FED đã không chỉ kết thúc sự trông chờ của thị trường tài chính quốc tế, mà còn tạo ra một cơn “sốc” gây lo ngại cho dư luận quốc tế.

Kinh tế Mỹ giảm tốc

Có quá nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đang giảm tốc. Sau 9 tháng tăng liên tiếp, sản lượng chế tạo giảm 0,4% trong tháng 4 do sự gián đoạn nguồn cung linh kiện từ Nhật Bản tác động đến hoạt động sản xuất ôtô. Sản lượng công nghiệp nói chung vẫn ổn định, trong khi nếu không tính đến sản lượng ôtô và linh kiện, sản lượng chế tạo tăng 0,2%.

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Thương mại, lượng nhà xây mới giảm 10,6% trong tháng 4, xuống 523.000 căn, do lượng nhà ở trên thị trường quá nhiều đã không khuyến khích các dự án mới.

Thất nghiệp vẫn tăng

Trong tháng 4 vừa qua, thị trường lao động Mỹ đã đón nhận thêm 244.000 việc làm mới, cao hơn dự đoán của giới chuyên gia trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 8,8% lên 9%. Tương tự như các tháng trước, thị trường việc làm tại Mỹ được cải thiện chủ yếu dựa vào sự phục hồi của khối tư nhân với 268.000 việc làm tạo ra trong tháng 4 và 231.000 việc làm trong tháng 3.

Trong khi đó, tại khối nhà nước, chính quyền liên bang và địa phương tiếp tục vật lộn với bài toán ngân sách hạn chế và thâm hụt cao, buộc phải cắt giảm 24.000 việc làm trong tháng vừa rồi.

Dù cao hơn mức dự đoán, các số liệu lao động mới công bố vẫn cho thấy kinh tế Mỹ còn một chặng đường đầy khó khăn phía trước. Các chuyên gia cho rằng nếu thị trường lao động không được cải thiện mạnh mẽ hơn nữa, nền kinh tế khó có khả năng đạt được tăng trưởng bền vững.

Đến Mỹ cũng vỡ nợ

Bộ Tài chính Mỹ đã buộc phải tiến hành các biện pháp cứng rắn để tránh nguy cơ vỡ nợ, kể cả việc tạm ngừng chi trả cho các quỹ hưu trí của công chức liên bang, sau khi nợ của chính phủ nước này đã chạm tới giới hạn cho phép là 14.294 tỷ USD vào ngày 16/5. Trong thư gửi Quốc hội thông báo mức nợ của chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã yêu cầu cơ quan lập pháp nhanh chóng nâng mức trần nợ công.

Mức trần nợ công của Chính phủ Mỹ được xác định lần đầu tiên vào năm 1917 ở mức 11,5 tỷ USD. Năm 1940, mức này tăng lên 43 tỷ USD. Đến năm 2011, mức nợ công đã tăng gấp khoảng 300 lần, đồng nghĩa với việc trong 1 USD Chính phủ Mỹ chi tiêu có đến 42 cent là tiền đi vay. Vì vậy, khi nợ công của Mỹ chạm đến mức trần 14.294 tỷ USD mà Quốc hội không thể nâng mức này lên, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ bị vỡ nợ.

Lạm phát leo thang

Theo công bố hôm 17/5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Anh nhảy vọt từ mức 4% trong tháng 3 lên 4,5% trong tháng 4, mức cao nhất từ tháng 10/2008. Số liệu này buộc Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Mervyn King phải giải thích công khai rằng tại sao các quan chức lại chưa nâng lãi suất. Mức lạm phát tháng 4 cũng cao hơn dự báo 4,1% của các nhà kinh tế.

Nguyên nhân là do đà tăng mạnh của chi phí vận tải, đặc biệt là giá vé đường không và đường biển, cũng như sự gia tăng của giá rượu và thuốc lá. Lạm phát tại Anh là mắt xích mới nhất trong xâu chuỗi lạm phát toàn cầu đang tăng nóng và chưa ngừng nghỉ.

Thiên tai dịch họa

Trong năm 2010, thế giới chứng kiến những thảm họa thiên tai, với mức độ tàn phá, thiệt hại chưa từng có, gây khủng hoảng về kinh tế và xã hội, trở thành gánh nặng cho nhiều quốc gia.

Có thể nhắc tới thảm họa núi lửa phun ở Iceland, Indonesia; động đất ở Haiti, Chile và Trung Quốc; cháy rừng ở Nga; lũ lụt ở Pakistan; hạn hán nghiêm trọng tại lưu vực sông Mê Kông... Ðầu năm 2011, có trận động đất tại New Zealand và gần đây nhất là thảm họa kép động đất, sóng thần ở Nhật Bản. Những ngày gần đây tình trạng bão lũ bất thường đang diễn ra ở nhiều quốc gia, như Trung Quốc, Philippines; hay mưa bão kèm lốc xoáy và gây ngập lụt tại nhiều bang của Mỹ...

Các nhà khoa học cảnh báo, thiên tai trong năm nay còn tiềm ẩn những diễn biến khó lường.

Nghèo đói và xăng dầu

Giá lương thực và dầu mỏ tăng cao sẽ tác động tới tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực, và có thể đẩy 42 triệu người lâm vào cảnh đói nghèo, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc bộ phận kinh tế vĩ mô và phát triển của Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) cho hay.

Theo kết quả khảo sát về tình hình kinh tế xã hội năm 2011 của ESCAP, nếu giá lương thực tăng 27% và giá dầu mỏ tăng lên 105 USD/thùng, GDP của các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ bị sụt giảm trung bình khoảng 0,47 điểm phần trăm. Giá năng lượng cao cũng đang ảnh hưởng trực tiếp tới các nền kinh tế khác trên thế giới, như Mỹ.

Hôm qua, giá dầu thô quốc tế đã tăng hơn 3%, lên trên 100 USD/thùng.

Nhật Bản tái suy thoái

Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đã sụt giảm nghiêm trọng trong 3 tháng đầu năm nay sau khi trải qua thảm hoạ kép động đất và sóng thần hồi tháng 3 vừa qua. Theo số liệu từ Văn phòng Nội các Nhật Bản, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm tới 3,7% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, hiện tại quốc gia này đang rơi vào suy thoái bởi những tác động nghiêm trọng của trận động đất và sóng thần.

Các chuyên gia phân tích cũng cho biết, tình hình tiêu dùng và xuất khẩu ngày càng diễn biến tồi tệ hơn. Ông Kaoru Yosano, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản hôm 18/5 cho rằng, nền kinh tế Nhật Bản dự báo còn suy yếu hơn nữa trong thời gian tới.

Trung Quốc thắt chặt tín dụng

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã nâng lãi suất cơ bản tới 4 lần từ tháng 10/2010. Lạm phát đến tháng 4/2011 đã dịu bớt, xuống 5,3%, nhưng kinh tế quý 1/2011 vẫn tăng trưởng tới 9,7%. Theo ông Li Daokui, cố vấn của PBoC, Trung Quốc cần tiếp tục nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát vì tình trạng lạm phát cao có thể kéo dài trong các năm tới do giá hàng hóa toàn cầu ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, ông Li cũng thận trọng cho rằng việc nâng lãi suất quá nhanh có thể thu hút thêm dòng vốn nóng vào nước này.

Theo ông Li, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể tăng trưởng 9,3 - 9,4% trong năm 2011 bất chấp động thái thắt chặt chính sách, và sẽ duy trì mức tăng trưởng bình quân 9% trong vòng 5 năm tới.

Bất ổn Trung Đông - Bắc Phi

Ba tháng trước, cả khu vực rộng lớn từng yên lặng trong nhiều thập kỷ bỗng "chuyển mình". Bắt đầu từ Tunisia với sự ra đi của Tổng thống Ben Ali hôm 14/1, tiếp đến là hàng loạt các vụ bạo động mang màu sắc chính trị trong thế giới Arab. Sau 3 tháng, bức tranh chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi đã thay đổi hoàn toàn, và sự yên tĩnh vẫn chưa được khôi phục.

Tình hình bất ổn tại khu vực này đã trở thành nguyên nhân dẫn tới hàng loạt biến động trên các thị trường hàng hóa, đặc biệt là dầu thô. Hàng loạt dự báo "vật đổi sao dời" được đưa ra, nhưng tới nay, sự yên tĩnh vẫn chưa trở lại.

Số phận đồng bạc xanh

Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, đến năm 2025 đồng USD sẽ đánh mất vị trí thống lĩnh trong nền kinh tế toàn cầu, khi đồng Euro và Nhân dân tệ tìm được chỗ đứng bình đẳng trong một hệ thống tiền tệ mới.

"Sự thống trị hiện tại của USD sẽ kết thúc vào một thời điểm nào đó trước năm 2025 và sẽ được thay thế bởi một hệ thống tiền tệ mà ở đó các đồng tiền USD, Euro và Nhân dân tệ đều được coi là đồng tiền quốc tế”, báo cáo của WB nhận định. Báo cáo của WB đã đưa ra 3 kịch bản cho thị trường tiền tệ toàn cầu trong 15 năm tới, và cho rằng, đây là kịch bản có khả năng trở thành hiện thực nhiều nhất.

Nợ công châu Âu

Kết quả một cuộc điều tra của hãng tin Bloomberg được công bố cuối tuần qua cho thấy, 85% số người được hỏi cho rằng Hy Lạp có khả năng là nước đầu tiên thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu bị vỡ nợ, trong khi phần lớn cũng cho rằng kết cục tương tự sẽ xảy đến với Bồ Đào Nha và Ireland. Số người trả lời nghĩ rằng Hy Lạp sẽ vỡ nợ tăng 11 điểm phần trăm so với cuộc điều tra tương tự thực hiện hồi tháng 1/2011 và tăng 12 điểm phần trăm so với hồi tháng 6/2010.

Kết quả này cho thấy, giới đầu tư quốc tế ngày càng tỏ ra lo lắng hơn về tình hình khủng hoảng nợ công tại châu Âu.