18:27 15/12/2011

Những nước nào thiệt nhiều nhất khi giá vàng lao dốc?

Kiều Oanh

So với ngưỡng kỷ lục mọi thời đại trên 1.900 USD/oz thiết lập hồi tháng 9, giá vàng hiện đã “bốc hơi” khoảng 17%

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Washington. Mỹ, quốc gia phát hành đồng USD, thường xuyên là nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới.
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Washington. Mỹ, quốc gia phát hành đồng USD, thường xuyên là nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới.
Giá vàng thế giới liên tục lao dốc mạnh trong mấy ngày gần đây, giảm sâu dưới ngưỡng 1.600 USD/oz. So với ngưỡng kỷ lục mọi thời đại trên 1.900 USD/oz thiết lập hồi tháng 9, giá vàng hiện đã “bốc hơi” khoảng 17%.

Theo trang Business Insider, vào thập niên 1990, khi giá vàng sụt xuống mức 252 USD/oz, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã ồ ạt bán tháo vàng. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khi đó đã thay mặt 15 ngân hàng trung ương trong khu vực cam kết đặt ra một mức trần đối với lượng vàng bán ra hàng năm nhằm chặn đà lao dốc của giá kim loại này.

Tuy nhiên, năm nay, các ngân hàng trung ương đã chuyển sang mua ròng vàng. Trong quý 3 vừa qua, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã mua ròng 148,4 tấn vàng, mạnh nhất trong vòng 4 thập kỷ trở lại đây.

Đợt giảm giá mạnh đang diễn ra của vàng kéo giá trị kho vàng dự trữ của nhiều quốc gia trượt mạnh theo. Dựa trên số liệu mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), Business Insider đã điểm qua 10 nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là những quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất trong đợt lao dốc mạnh đang diễn ra của giá vàng.

10. Ấn Độ

Khối lượng vàng dự trữ chính thức: 557,7 tấn
Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối quốc gia: 9%

Tính đến đầu tháng 12 này, kho vàng dự trữ của Ấn Độ có tổng trị giá 28,05 tỷ USD. Ấn Độ hiện là nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, nhưng dự trữ vàng quốc gia của nước này còn thua nhiều nền kinh tế lớn khác. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) mua vàng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và xem vàng là một loại tài sản đầu tư an toàn, nhưng rất kín tiếng về các kế hoạch mua vàng.

9. Hà Lan

Khối lượng vàng dự trữ chính thức: 612,5 tấn
Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối quốc gia: 61%

Trong thời gian 1991-2011, Ngân hàng Trung ương Hà Lan (DNB) bán 1.100 tấn vàng. Tuy nhiên, DNB cho biết đã đã ngừng cho vay vàng từ năm 2008, và chuyển sang xem vàng là “tài sản dự trữ cuối cùng và là điểm tựa niềm tin ở những thời điểm khủng hoảng tài chính. DNB còn giữ vàng với mục đích đa dạng hóa dự trữ ngoại hối. Ông Nout Wellink, Chủ tịch DNB từng tuyên bố rằng, ngân hàng này không có ý định bán vàng.

8. Nhật Bản

Khối lượng vàng dự trữ chính thức: 765,2 tấn
Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối quốc gia: 3,3%

Đầu năm nay, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) bán vàng để bơm 20 nghìn tỷ Yên vào nền kinh tế nhằm trấn an giới đầu tư sau thảm họa kép động đất-sóng thần-hạt nhân. Theo dự báo, lượng vàng xuất khẩu khỏi Nhật Bản trong năm nay, bao gồm cả lượng xuất đi từ khu vực tư nhân, có thể lên tới 100 tấn.

7. Nga

Khối lượng vàng dự trữ chính thức: 851,5 tấn
Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối quốc gia: 8,6%

Trong quý 3 vừa rồi, Ngân hàng Trung ương Nga mua 15 tấn vàng, một phần trong kế hoạch dài hạn về tích trữ vàng của nước này. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Nga tới nay chỉ mua vàng tại thị trường trong nước.

6. Thụy Sỹ

Khối lượng vàng dự trữ chính thức: 1.040,1 tấn
Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối quốc gia: 14,3%

Từ năm 2000-2005, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) bán ra 1.300 tấn vàng. Một phần của đợt bán vàng khi đó có liên quan tới sự ra đời của đồng Euro. Vào năm 2010, dự trữ vàng chiếm 1/4 tổng dự trữ ngoại hối của Thụy Sỹ, nhưng năm nay tỷ lệ này đã giảm xuống, sau những đợt can thiệp mạnh của SNB vào thị trường ngoại hối nhằm hạ nhiệt tỷ giá đồng nội tệ.

5. Trung Quốc

Khối lượng vàng dự trữ chính thức: 1.054,1 tấn
Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối quốc gia: 1,7%

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đang tìm cách mua thêm vàng nhằm bảo vệ dự trữ ngoại hối trước tình trạng bong bong tài sản, lạm phát và biến động tỷ giá các đồng tiền như Euro và Dollar. PBoC gom mua vàng tại thị trường nội địa, nhưng thường không chuyển trực tiếp ngay vào dự trữ ngoại hối.

4. Pháp

Khối lượng vàng dự trữ chính thức: 2.435,4 tấn
Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối quốc gia: 71%

Pháp hiện vẫn đang nằm trong hiệp ước hạn chế bán vàng cùng các ngân hàng trung ương khác ở châu Âu. Theo hiệp ước mới được ký kết hồi năm 2009, 19 quốc gia tham gia bán 10 tấn vàng trong thời gian từ tháng 9/2009-9/2010.

3. Italy

Khối lượng vàng dự trữ chính thức: 2.451,8 tấn
Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối quốc gia: 72,2%

Giá trị kho vàng dự trữ của Italy chỉ bằng 1/10 gói giải cứu tài chính ước tính dành cho Rome trong trường hợp nước này bị đẩy tới bờ vực vỡ nợ công. Đầu năm nay, các ngân hàng của Italy hy vọng bán được vàng cho Ngân hàng Trung ương nước này để có tiền mặt phục vụ cho mục đích tăng vốn.

2. Đức

Khối lượng vàng dự trữ chính thức: 3.401 tấn
Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối quốc gia: 72,6%

IMF cho hay, Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) mới đây đã bán cho Bộ Tài chính nước này 150.000 ounce vàng để in tiền xu cho mục đích kỷ niệm. Cách đây ít lâu, xuất hiện tin đồn châu Âu sẽ dùng dự trữ vàng của các nước trong Eurozone để tăng quy mô cho Quỹ bình ổn tài chính khu vực (EFSF), nhưng Đức đã phủ nhận thông tin này.

1. Mỹ

Khối lượng vàng dự trữ chính thức: 8.133,5 tấn

Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối quốc gia: 75,5%

Lo ngại sự mất giá của USD, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới chuyển sang tăng cường nắm giữ vàng. Mỹ, quốc gia phát hành đồng USD, thường xuyên là nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới.