15:31 28/08/2008

Những phụ nữ quyền lực nhất thế giới

Mai Vân

Tạp chí Forbes của Mỹ vừa công bố danh sách hàng năm những phụ nữ quyền lực nhất thế giới

Đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Tạp chí Forbes của Mỹ vừa công bố danh sách hàng năm những phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

Đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel được chọn là người đứng đầu danh sách này.

Đứng ở vị trí thứ hai trong danh sách, sau bà Merkel, là bà Sheila Bair, Chủ tịch của Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC). Dưới sự lãnh đạo của bà Bair, FDIC đang nỗ lực giải quyết nhiều vụ ngân hàng phá sản do khủng hoảng tín dụng ở Mỹ. FDIC là một cơ quan của Chính phủ Mỹ, bảo hiểm cho 8.451 ngân hàng thương mại ở Mỹ với tổng tài sản là 13.300 tỷ USD.

Ở vị trí thứ ba của danh sách năm nay là bà Indra Nooy, Chủ tịch CEO của hãng giải khát Pepsi. Bà là nữ doanh nhân có vị trí cao nhất trong danh sách năm nay, nhờ những nỗ lực của bà trong việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Pepsi trên toàn cầu trong bối cảnh người tiêu dùng Mỹ giảm bớt sự yêu thích đối với các sản phẩm nước soda và khoai tây chiên.

Đứng ở vị trí thứ 4, 5 và 6 của danh sách lần lượt là ba nữ doanh nhân khác. Đó là bà Angela Braly - người đứng đầu hãng bảo hiểm WellPoint của Mỹ, bà Cynthia Carroll - CEO của hãng khai mỏ Anglo-American, và bà Irene Rosenfeld - CEO của hãng thực phẩm Kraft.

Một số gương mặt phải kể đến khác trong top 10 là Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice, người đứng ở vị trí thứ 7 và bà Ho Ching ở vị trí thứ 8.

Trong những tháng cuối nhiệm kỳ của mình, bà Rice đang phải đối mặt với nhiều vấn đề ngoại giao lớn của nước Mỹ, đó là tình hình bất ổn ở Pakistan, căng thẳng leo thang trong quan hệ Nga-Mỹ và vấn đề hòa bình ở Trung Đông.

Về phần mình, bà Ho Ching - phu nhân Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long - là CEO quỹ đầu tư Temasek Holdings của Chính phủ nước này với số vốn lên tới hơn 100 tỷ USD.

Hai nhân vật còn lại trong top 10 là CEO bà Anne Lauvergeon, CEO của tập đoàn Areva của Pháp và một công dân Mỹ có tên Anne Mulcahy, vị Chủ tịch nữ đầu tiên của tập đoàn công nghệ in khổng lồ Xerox.

Theo các tác giả thực hiện bản danh sách, mức độ quyền lực của các phụ nữ được xếp hạng căn cứ trên hai yếu tố. Thứ nhất là hình ảnh của người phụ nữ đó trong công chúng, được tính bằng mức độ xuất hiện của người đó trên báo chí. Và thứ hai là sức mạnh về tài chính của người phụ nữ đó, tính bằng vị trí công tác và những thành công đã có trong công việc, cũng như số tài sản mà người đó kiểm soát.

Gộp chung, 100 phụ nữ trong danh sách năm nay kiểm soát lượng tài sản lên tới 26.000 tỷ USD. Mặc dù vậy, phụ nữ nói chung vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ ở các vị trí công tác cao. Lấy nước Mỹ làm ví dụ. Theo công ty nghiên cứu Catalyst, mặc dù nữ giới chiếm khoảng 46% lực lượng lao động ở nước này, nhưng chỉ chiếm 15% trong số các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp. Chưa đầy 3% trong số các doanh nghiệp lớn nhất ở Mỹ có CEO là nữ.

Thêm vào đó, tình hình kinh tế thế giới u ám cũng đã khiến không ít phụ nữ ở vị trí cao phải mất việc. Trong đó không thể không kể tới cựu CEO Patricia Russo của hãng viễn thông Alcatel Lucent và Zoe Cruz, cựu Chủ tịch của tập đoàn ngân hàng Morgan Stanley - người từng được mệnh danh là “Nữ hoàng Phố Wall”.

Đứng ở vị trí thứ 28 trong bảng danh sách, Thượng nghị sỹ Hillary Clinton của Mỹ, người vừa thất bại cách đây chưa lâu trong cuộc đua vào Nhà Trắng, là người phụ nữ có mức độ xuất hiện trước công chúng nhiều nhất.

Trong số 100 phụ nữ của danh sách năm nay, có 54 nữ doanh nhân, 23 nữ chính trị gia, còn lại là những nhân vật làm việc trong các lĩnh vực khác. 1/3 bản danh sách năm nay là những người mặt mới. Những quốc gia có nhiều gương mặt nhất trong danh sách là Anh (5 người), Trung Quốc (4 người), Pháp, Ấn Độ và Hà Lan (mỗi nước 3 người).

(Theo Forbes)