16:45 31/03/2009

Những quả bong bóng ngân sách

Những quả bong bóng này được hình thành với mục tiêu tiếp “sức sống mới” cho những nền kinh tế đang xì hơi

Minh họa: Khều.
Minh họa: Khều.
Sau những quả bong bóng giá cả trên thị trường tài chính, nhà đất và hàng hóa, trên thế giới đang hình thành một nguy cơ mới: những quả bong bóng ngân sách.

Những quả bong bóng này được hình thành với mục tiêu tiếp “sức sống mới” cho những nền kinh tế đang xì hơi, nhưng điều này cũng có thể dẫn đến những trở ngại rất lớn cho tăng trưởng bền vững nhiều năm sau.

Chi tiêu quá nhiều, vay nợ quá nhiều

Nhìn vào bảng dự kiến thâm hụt ngân sách 2009 mà tờ Economist đưa ra, dễ thấy đa số các quốc gia đều được dự đoán sẽ lâm vào tình trạng thâm hụt ngân sách khá lớn: rất nhiều nước đều có mức thâm hụt ngân sách so với GDP trên 5%, trong đó có những nước “cá biệt” như Mỹ và Anh được dự đoán có mức thâm hụt trên 10% GDP.

Để thấy rõ ràng hơn mức đáng lo ngại của những con số này, chỉ cần nhìn vào con số tuyệt đối của Mỹ. Quốc hội Mỹ ước tính mức thâm hụt của chính phủ trong năm 2009 sẽ là 1.800 tỉ Đô la và với kế hoạch ngân sách hiện tại của tổng thống Obama, có thể tổng thâm hụt từ 2010-2019 sẽ lên đến 9.300 tỉ Đô la.

Một trong những nguyên nhân khiến tình hình thâm hụt ngân sách của các chính phủ trở nên trầm trọng là vì những gói kích thích kinh tế để đưa các quốc gia vượt ra khỏi khủng hoảng. Những mức chi tiêu ngân sách khổng lồ như vậy, một phần sẽ dùng cho kích thích giáo dục, y tế, giảm khí thải như ở Mỹ, hay gần đây ở Trung Quốc cùng vài nước khác là đổi mục tiêu chi tiêu kích cầu từ hạ tầng “cứng” sang các khoản mục y tế, giáo dục, đổi mới công nghệ, thì thật ra chúng cũng mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế.

Nhưng câu hỏi sẽ là tiền lấy ở đâu ra? Câu trả lời nằm ở chỗ hoặc là tăng thuế hoặc là vay nợ (một cách khác nữa là ngân hàng trung ương (ngân hàng trung ương) in tiền cho chính phủ mượn, cũng là một dạng vay nợ lẫn nhau trong bộ máy điều hành).

Đơn giản là vì những nguồn thu khác (ví dụ từ những công ty quốc doanh thuộc chính phủ) trong bối cảnh khủng hoảng sẽ rất hạn chế. Và như một thượng nghị sĩ Mỹ nhận xét, Chính phủ Mỹ đang vay mượn, chi tiêu và đánh thuế quá nhiều. Trường hợp của Mỹ không phải là trường hợp duy nhất, mà cũng là tình hình chung của nhiều nước.

... và thu thuế quá nhiều, lạm phát quá cao...

Nguy cơ thật sự sẽ đến: bong bóng ngân sách càng phình to sẽ buộc phải tiếp tục vay nợ và in tiền, dẫn đến cả bảng cân đối tài sản của ngân hàng trung ương cũng phình to (một điều đang diễn ra ở nhiều nước), và nợ vay nước ngoài cũng phình to.

Kết quả là, để điều chỉnh những quả bong bóng tài chính tư nhân thì những quả bong bóng tài chính chính phủ (ngân sách, tiền của ngân hàng trung ương bơm vào nền kinh tế, nợ nước ngoài) phình to. Rủi ro thấp nhất là lạm phát, nội tệ mất giá; cao nhất là khủng hoảng nợ.

Dù là sử dụng giải pháp nào, cũng có thể dự đoán sau khủng hoảng, các chính phủ sẽ cần gia tăng thu thuế để cố gắng đưa ngân sách về cân bằng. Thật ra khi kinh tế hồi phục có thể các chính phủ sẽ thu được nhiều thuế hơn mà không cần phải tận thu thuế. Nhưng nếu tốc độ hồi phục không đủ nhanh, các chính phủ đứng trước sức ép trả nợ lớn sẽ phải tìm mọi cách tận thu. Vì vậy, chi tiêu quá nhiều để kích thích kinh tế, và vay nợ quá nhiều, sẽ dẫn đến thu thuế quá nhiều trong tương lai.

Với tình huống sử dụng giải pháp in tiền để tài trợ cho chi tiêu, chính phủ sẽ đứng trước một rủi ro khác: lạm phát cao. Tung một lượng lớn tiền vào nền kinh tế, với mục tiêu kích thích kinh tế, sẽ làm gia tăng rủi ro lạm phát. Có ý kiến cho rằng lạm phát sẽ chỉ tăng khi tổng cầu của nền kinh tế tăng lên trở lại (nghĩa là chỉ khi kinh tế hồi phục), và miễn là lúc đó có nhiều giải pháp để thắt chặt tiền tệ trở lại, sẽ không gây lạm phát quá cao, mà chỉ tạo ra lạm phát tích cực.

Nhưng điều đáng quan ngại sẽ là kỷ luật chi tiêu của chính phủ có thể sẽ không thể được duy trì, thâm hụt ngân sách vẫn lớn. Người ta đã quen chi mạnh tay thì không dừng tay lại được, nhất là khi kinh tế đã hồi phục. Kết quả là ngân sách sẽ ngày càng khó cân bằng và sẽ ngày càng khó bù đắp.

Tự vay tiền của chính mình, rồi đi vay thêm tiền người khác, để kích thích kinh tế vượt qua khủng hoảng, là một giải pháp mà nhiều nước áp dụng trong thời điểm này. Việt Nam cũng đang áp dụng việc phát hành trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ - một điều cũng nằm trong xu thế giống các nước - để đảm bảo cho các mục tiêu kinh tế. Nhưng vấn đề là chúng ta có thể tự tạo ra kỷ luật cho chính mình hay không, nghĩa là khi ra khỏi khủng hoảng phải ngay lập tức siết lại chi tiêu, cân bằng tài chính quốc gia?

Cùng chấp nhận bội chi ngân sách để vượt khủng hoảng, nhưng ai chi tiêu khôn ngoan hơn, và thành công trong việc giảm bội chi sau khủng hoảng thì đó sẽ là nước ít bị hiệu ứng phụ và vượt qua khủng hoảng với chi phí thấp.

Ai không thành công, tiếp tục vay nợ nhiều để chạy đua tăng trưởng, sẽ tự mình đi vào khủng hoảng mới.

HTML clipboard
Quốc gia Ước tính mức cân bằng ngân sách 2009 (% trên GDP)
Mỹ -13,7
Nhật -5,6
Trung Quốc -3,6
Anh -11,3
Khu vực sử dụng đồng Euro -4,6
Nga -6,1
Ấn Độ -7,2
Singapore -4,1
Thái Lan -4,7
Việt Nam -7,03 đến -11,31(*)
(*) Số liệu theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (CEPR); Các số liệu khác là số liệu ước tính của EIU hoặc do tạp chí Economist phỏng vấn các chuyên gia

* Tác giả bài viết là nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Manchester, Anh

Hồ Quốc Tuấn (TBKTSG)