09:48 07/11/2007

Những rào cản cuối cùng trong Đề án tăng học phí

Dũng Hiếu

Đề án tăng học phí của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được ra mắt trong thời gian tới kèm theo sự ra mắt của Đề án tăng lương cho giáo viên

Cái khó nhất trong Đề án tăng học phí chính là làm sao huy động thêm sức đóng góp của xã hội đối với giáo dục thông qua con đường học phí nhưng không làm cho người nghèo phải bỏ học.
Cái khó nhất trong Đề án tăng học phí chính là làm sao huy động thêm sức đóng góp của xã hội đối với giáo dục thông qua con đường học phí nhưng không làm cho người nghèo phải bỏ học.
Đề án tăng học phí của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được ra mắt trong thời gian tới kèm theo sự ra mắt của Đề án tăng lương cho giáo viên. Nếu như Đề án tăng lương cho giáo viên không mấy được chú ý tới thì ngược lại, Đề án tăng học phí đang làm dư luận “nín thở” trong chờ đợi.

Hiện vẫn còn 4 vấn đề lớn gây tranh cãi: tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại “đòi” tăng học phí trong khi một số quốc gia khác đã thực hiện chế độ miễn học phí? Tại sao Bộ đòi “tăng” học phí khi chi ngân sách cho giáo dục năm nào cũng tăng? Tại sao bậc học mầm non vẫn phải đóng học phí? Nếu người có thu nhập thấp đóng thấp và người có thu nhập cao đóng cao thì làm sao có sự công bằng?

Chuyển trọng tâm đầu tư thay vì rải đều

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, mặc dù, về lý thuyết, về tình cảm chúng ta muốn phổ cập tất cả các bậc học nhưng thực tế chỉ làm được từng bậc học theo từng giai đoạn phù hợp với khả năng kinh tế của đất nước. Dưới bậc tiểu học vẫn còn bậc mầm non nhưng tại sao chỉ miễn phí cho bậc tiểu học?

Hãy tính toán việc chia “chiếc bánh” ngân sách giáo dục: Ngân sách đại học chiếm khoảng 16,2%, giáo dục tiểu học 27,4%, giáo dục THCS và THPT 50,9%. Như vậy ở các bậc học này đã “ngốn” hết gần 100% ngân sách. Muốn phổ cập bậc mầm non, theo tính toán cũng cần phải có thêm 20-25% ngân sách giáo dục nữa nếu không muốn... “âm tiền”.

Bởi vậy Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sau khi đã xem xét cặn kẽ số liệu chỉ có thể tuyên bố được rằng: Cố gắng phổ cập mẫu giáo 5 tuổi. Bậc học mầm non hiện chiếm 4,5% ngân sách giáo dục (bằng 1/6 chi cho tiểu học) nhưng do điều kiện khó khăn nên cũng không thể tăng được. Từ trước đến nay, nhà nước chi cho giáo dục mầm non từ 1 tuổi đến 5 tuổi, mỗi lứa tuổi chi một ít nhưng không đáp ứng được yêu cầu.

Trong bối cảnh thiếu kinh phí cho giáo dục mầm non như vậy, lứa tuổi 5 tuổi là quan trọng nhất để chuẩn bị cho các em đi học lớp 1, nhất là đối với con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Vì vậy, phải chuyển trọng tâm đầu tư, thay vì dùng tiền nhà nước rải đều từ 1-5 tuổi thì tập trung cho trẻ 5 tuổi, đảm bảo tất cả trẻ 5 tuổi được đi học, tuy có đóng học phí nhưng vùng nào quá khó khăn thì được miễn. Sau này, khi kinh tế đất nước phát triển hơn, sẽ phổ cập tiếp trẻ 4 tuổi, 3 tuổi.

Về vấn đề chi ngân sách cho giáo dục năm nào cũng tăng nhưng ngành vẫn nhất định đòi tăng học phí? Chi cho giáo dục ở Mỹ thấp hơn Việt Nam nhưng chất lượng giáo dục của họ vẫn hơn? Nếu Mỹ chi cho giáo dục chiếm khoảng 7,2% GDP thì Việt Nam chiếm tới 8,3%. Song, nếu xem xét một cách “sòng phẳng” thì tổng GDP của Mỹ là khoảng 34 nghìn tỷ USD (?) trong khi Việt Nam chỉ là khoảng 40 tỷ USD (?). 8,3% của 40 tỷ đương nhiên là một con số quá nhỏ nhoi so với 7,2% của 34 nghìn tỷ.

Học phí cần tuân thủ 4 nguyên tắc

Cái khó nhất trong Đề án tăng học phí chính là làm sao huy động thêm sức đóng góp của xã hội đối với giáo dục thông qua con đường học phí nhưng không làm cho người nghèo phải bỏ học. Làm sao có thể hài hoà được việc có nhiều mức “giá” đào tạo khác nhau nhưng chất lượng sản phẩm không quá khác nhau và làm thế nào để đảm bảo được hộ nghèo sẽ thực sự nghèo chứ không phải mượn danh nghèo để trốn... học phí? Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, học phí trong bối cảnh xã hội hóa, cần tuân thủ 4 nguyên tắc.

Thứ nhất, xã hội hóa phải làm cho tổng đầu tư cho giáo dục tăng hơn trước, trong đó, tăng đầu tư của Nhà nước rất quan trọng. Thứ hai, xã hội hóa giáo dục nhưng số người đi học phải tăng thêm. Thứ ba, xã hội hóa phải tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục. Thứ tư, đảm bảo công bằng tốt hơn.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân học phí phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Tức là người có thu nhập thấp sẽ đóng ít, thu nhập cao hơn cũng đóng cùng một tỷ lệ nhưng giá trị tuyệt đối lớn hơn so với người có thu nhập thấp. Ở vùng có mức sống cao, học phí cao hơn, vùng có mức sống thấp thì thấp hơn.

Điều này sẽ khắc phục được 2 trở ngại của khung học phí cũ. Thứ nhất là một số gia đình nghèo nên dù học phí sẽ đóng nằm trong khung cũng vẫn gặp khó khăn. Thứ hai là những người có thu nhập cao hơn, muốn đóng tiền nhiều hơn để con họ được học trong điều kiện tốt hơn thì cũng không đóng được vì vượt khung, trường không dám thu.

Dự kiến sẽ có khoảng 20% người dân trong một địa phương có nhu cầu được miễn, giảm học phí. Ở những địa phương có thu nhập cao, nhà nước có thể giảm đầu tư, mức hỗ trợ giảm đi để tăng chi cho những địa phương nghèo. Ở những địa phương đó, người dân phải đóng ít tiền hơn hoặc thậm chí không đóng tiền học nhưng vẫn được hưởng nền giáo dục cao hơn mức họ đóng góp. Nhà nước phải hỗ trợ nhiều hơn cho các địa phương nghèo.