09:46 26/11/2009

Nhượng quyền thương mại gia tăng tính hấp dẫn

Hồng Thoan

Hoạt động nhượng quyền thương mại chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như đồ ăn nhanh, nhà hàng, thực phẩm, thời trang

Một quán cà phê Trung Nguyên.
Một quán cà phê Trung Nguyên.
Cùng với sự phát triển của các hệ thống nhượng quyền quốc tế nổi tiếng tại Việt Nam như Jollibee, KFC, hệ thống siêu thị Parkson, Hard Rock Café, Chilli’s, The Body Shop... thì sự xuất hiện các hệ thống nhượng quyền của Việt Nam như cà phê Trung Nguyên, Phở 24, Qualitea, Bakery Kinh Đô... và đặc biệt có những thương hiệu Việt Nam tích cực nhượng quyền ra nước ngoài, làm cho bức tranh thị trường Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn.

Ông Phạm Đình Thưởng, Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2009, Bộ Công Thương đã nhận được đăng ký hoạt động nhượng quyền tại Việt Nam của 39 thương hiệu nước ngoài. Đó hầu hết đều là thương hiệu của các doanh nghiệp lớn đến từ các nước phát triển như Anh, Mỹ, Canada, Thụy Sỹ, Italia, Australia...

Tăng trưởng dựa vào lợi thế thương hiệu

Hoạt động nhượng quyền chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như đồ ăn nhanh, nhà hàng, thực phẩm, thời trang, đào tạo, bất động sản, bán lẻ (cửa hàng tiện ích, cửa hàng bán lẻ), cho thuê xe ô tô, kinh doanh dịch vụ internet, dịch vụ đóng gói và vận chuyển đồ đạc...

Cũng trong thời gian này, Bộ Công Thương xác nhận đăng ký cho 3 thương hiệu của Việt Nam nhượng quyền ra nước ngoài, gồm thương hiệu Fashion T&T của doanh nghiệp tư nhân Đức Triều, thương hiệu Phở 24 của Công ty Cổ phần Phở Hai mươi bốn và thương hiệu Café Bobby Brewers của Công ty TNHH Vũ Giang.

Và tại thị trường nội địa, có 9 thương hiệu của các doanh nghiệp trong nước đăng ký phát triển nhượng quyền, trong đó tại Hà Nội là 4 thương hiệu và tại Tp.HCM là 8 thương hiệu. Như vậy, hiện tại, Việt Nam có khoảng 90 thương hiệu trong và ngoài nước đã được nhượng quyền thương mại với khoảng hơn 800 cửa hàng nhượng quyền.

Hiện nay cũng đang xuất hiện xu hướng các doanh nghiệp nước ngoài một mặt đăng ký nhượng quyền thương mại vào Việt Nam, mặt khác lại xin thành lập pháp nhân để cung cấp hàng hóa và quản lý các doanh nghiệp nhận quyền thương mại. Hình thức mới này sẽ làm cho việc kinh doanh thương mại mang tính văn minh, hiện đại nhưng sẽ gây áp lực cạnh tranh trực tiếp cho các cửa hàng nhỏ lẻ tại Việt Nam.

Lý giải vì sao nhượng quyền thương mại ở Việt Nam lại phát triển thành làn sóng mới trong vài năm trở lại đây, ông Phạm Đình Thưởng nhấn mạnh, kết quả mà hoạt động nhượng quyền mang lại cho các doanh nghiệp chính là “thành công nhờ thành công”.

Theo một kết quả nghiên cứu, gần 90% công ty kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương mại tiếp tục hoạt động sau 7 năm, trong khi chỉ còn lại khoảng 20% công ty độc lập còn tồn tại, điều này đồng nghĩa với 80% công ty độc lập phải đóng cửa sau 7 năm ra đời.

Còn ông Nguyễn Trí Thanh, Giám đốc điều hành Mạng mua bán & sáp nhập Việt Nam cũng phân tích rõ, nhượng quyền thương mại được coi là một trong những chiến lược của doanh nghiệp để tăng trưởng dựa vào lợi thế thương hiệu và chuẩn hóa mô hình kinh doanh của bên nhượng quyền.

Bên nhận quyền sẽ được kinh doanh, phân phối sản phẩm trong một phạm vi lãnh thổ nhất định, đồng thời, khi tham gia vào hệ thống nhượng quyền, thông thường nhà nhượng quyền sẽ trở thành nhà cung cấp sản phẩm đầu vào cho hoạt động kinh doanh và bên nhận quyền mặc nhiên có được những khách hàng truyền thống của hệ thống.

Hơn nữa, uy tín của một mắt xích trong hệ thống nhượng quyền sẽ quyết định uy tín của cả một hệ thống, đặc biệt là đối với những hệ thống nhượng quyền mới phát triển.

Do vậy, một trong những vấn đề được các nhà nhượng quyền rất quan tâm là hoạt động đào tạo, chuyển giao kinh nghiệm quản lý, điều hành. Điều này giúp tạo nền tảng vững chắc cho nhà nhận quyền tiến hành hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận và giữ được uy tín của thương hiệu sản phẩm.

Thực hiện hợp đồng nhượng quyền, bên nhận quyền sẽ được phép kinh doanh, phân phối hàng hóa, dịch vụ mang thương hiệu, nhãn hiệu, hình thức quảng cáo hay các biểu tượng mang tính thương mại khác, cũng như có quyền tiếp cận các số liệu về hoạt động kinh doanh của hệ thống nhượng quyền, các bí quyết công nghệ tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ tới khách hàng để đạt hiệu quả cao nhất.

Trong khi một số chuyên gia kinh tế nhận định hoạt động nhượng quyền thương mại sẽ bùng nổ tại Việt Nam trong tương lai không xa thì Hiệp hội Kinh doanh nhượng quyền Việt Nam cũng dự báo doanh thu của ngành này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới và có khả năng đạt hơn 36 triệu USD vào năm 2010.

Những rủi ro khi nhận quyền thương mại

Từ thực tiễn triển khai và thực hiện nhượng quyền thương mại, các doanh nghiệp đều chỉ rõ, ưu điểm lớn nhất mà phương thức nhượng quyền thương mại mang lại, đó là người nhận quyền không phải nghiên cứu marketing hay thiết lập mạng lưới mà có thể tham gia ngay vào hệ thống vốn sản xuất, kinh doanh những sản phẩm, dịch vụ vốn đã và đang nổi tiếng.

Do đó, ít gặp rủi ro và giảm được rất nhiều chi phí ban đầu, còn bên nhượng quyền cũng sẽ mở rộng được mạng lưới của mình một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, người nhận quyền hầu như không còn khoảng trống để phát huy những ý tưởng kinh doanh sáng tạo của riêng mình.

Để đảm bảo thành công, các chuyên gia cũng lưu ý rằng, nếu người nhận quyền phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống nhượng quyền thì có thể phải chịu ảnh hưởng từ những rủi ro của hệ thống. Do đó, người nhận quyền phải cân bằng được các hạn chế trong dây chuyền với khả năng điều hành hoạt động kinh doanh tốt.

Bên cạnh đó, một rủi ro trong kinh doanh nhượng quyền là mong đợi của công chúng khi đến sử dụng, mua dịch vụ hay hàng hóa từ một cửa hàng trong hệ thống nhượng quyền thương mại, nếu thái độ phục vụ của một nhân viên ở một cơ sở không tốt có thể dẫn đến những nhận xét tiêu cực của khách hàng đối với bất kỳ cơ sở nào mang cùng thương hiệu.

Hoặc chỉ cần có những tin đồn thất thiệt về một khâu sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới toàn bộ chuỗi cung ứng. Lời khuyên hữu ích được ông Nguyễn Trí Thanh đưa ra là để bảo vệ hệ thống, các nhà nhượng quyền nên áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để đảm bảo  đáp ứng tiêu chuẩn ở các phần tử trong toàn bộ hệ thống.

Một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp thường gặp phải là phát triển và khai thác sở hữu trí tuệ của bên nhượng quyền thương mại. Giải pháp hữu hiệu nhất và mang lại nhiều lợi ích cho bên tiếp nhận chuyển giao chính là chuyển quyền sử dụng cho bên thứ ba mà không chuyển đổi quyền sở hữu, mặc dù về mặt pháp luật, hoạt động này có những vấn đề phức tạp về hợp đồng, thuế, luật chống độc quyền, luật quốc tế, luật dân sự, luật về sở hữu trí tuệ.

Khi đàm phán chính thức về hợp đồng, hai bên nên thảo luận và đề cập đến những vấn đề gồm phạm vi của sự chuyển nhượng, thời hạn và điều khoản gia hạn, những tiêu chí và chỉ tiêu hoạt động, mức phí trả cho công ty cấp giấy phép, vấn đề đảm bảo chất lượng, báo cáo kế toán và kiểm toán, trách nhiệm duy trì và bảo vệ tài sản trí tuệ, cam kết trợ giúp kỹ thuật và các điều khoản liên quan đến vi phạm hợp đồng.