09:26 10/06/2008

“Niềm tin, điều quan trọng nhất”

Mạnh Chung

“Hiện tại, điều quan trọng nhất với kinh tế Việt Nam không phải là những chỉ số vĩ mô mà là niềm tin”

"Hiện kinh tế Việt Nam đang là “tâm điểm chú ý” khá cao của khu vực và thế giới."
"Hiện kinh tế Việt Nam đang là “tâm điểm chú ý” khá cao của khu vực và thế giới."
“Hiện tại, điều quan trọng nhất với kinh tế Việt Nam không phải là những chỉ số vĩ mô mà là niềm tin”.

Ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nói) nhận xét như vậy, khi trao đổi với VnEconomy xung quanh các diễn biến của kinh tế Việt Nam trong thời gian qua.

Ông Thành nói:

- Hiện kinh tế Việt Nam đang là “tâm điểm chú ý” khá cao của khu vực và thế giới. Có ba kiểu đánh giá chính.

Thứ nhất, Việt Nam đã khủng hoảng: hoặc là khủng hoảng cán cân thanh toán, hoặc là khủng hoảng tiền tệ do việc phá giá đồng tiền, như một số luồng phản ánh cách đây một vài tuần.

Thứ hai, là kiểu đánh giá cho rằng, mặc dù tình hình kinh tế Việt Nam khá nghiêm trọng nhưng không đến mức xấu như thế, việc Việt Nam rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn hoặc trở nên tốt đẹp hơn sẽ phụ thuộc vào phản ứng đối với chính sách.

Thứ ba là kiểu đánh giá tương đối chính thống, đó là ở các báo cáo của Chính phủ hoặc lời nói của những người lãnh đạo, thấy rằng chúng ta vẫn đang ở thời kỳ có nhiều cơ hội, dài hạn, tăng trưởng vẫn rất tốt và khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời, chỉ cần có chính sách điều tiết, khắc phục. Chúng ta vẫn có những khả năng rất cao để có thể vượt qua được.

Các đánh giá này có điểm giống nhau ở chỗ Việt Nam đang có những khó khăn nhất định, nhưng khác nhau về mức độ nghiêm trọng.

Vậy quan điểm của ông thì sao?

Tôi nghĩ tình hình kinh tế, nhất là lạm phát tương đối là mối lo ngại. Nhưng tôi vẫn lạc quan tin rằng, khả năng chúng ta vượt qua khó khăn này cao hơn là khả năng không vượt được qua.

Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào những phản ứng chính sách. Thực tế, tiềm năng tăng trưởng của chúng ta rất tốt và ngay trong ngắn hạn, xuất khẩu, FDI đều tăng, tăng trưởng 7% trong sáu tháng dù thấp nhưng không phải là tồi. Rõ ràng đó vẫn là cơ sở của niềm tin dài hạn.

Còn cái nghiêm trọng nhất hiện nay không hẳn là những chỉ số kinh tế vĩ mô, không phải là những con số thống kê rồi gắn với cán cân thanh toán quốc tế, vào đầu tư của các tập đoàn Nhà nước, về ngân sách, lạm phát. Cái nghiêm trọng nhất hiện nay là, chúng ta đang ở giai đoạn mà niềm tin của chúng ta tạm gọi là không ổn định.

Vì sao ông lại đặt vấn đề như vậy?

Bởi nếu không có niềm tin, những chính sách vĩ mô của Nhà nước rất khó nhất quán đi vào thực hiện. Và như vậy sẽ rất khó phát huy tác dụng.

Bởi tất cả những phản ứng của người dân, của doanh nghiệp, các nhà đầu tư đều là phản ứng cho tương lai, dù là tương lai gần. Nếu không có kỳ vọng vào tương lai, người ta sẽ ít quan tâm đến đầu tư sản xuất, kinh doanh lâu dài mà chỉ chăm chăm lo đến những lợi ích trước mắt, đến giá trị tài sản của mình, dẫn đến việc đua nhau đầu cơ vào những nơi có lợi nhuận.

Gần đây có một số báo cáo của các tổ chức nước ngoài có những nhận định bi quan về tình hình kinh tế Việt Nam, và cho rằng kinh tế Việt Nam đang rơi vào khủng hoảng. Ông nghĩ sao về điều này?

Ở đây, chúng ta nên trân trọng mọi ý kiến, mọi thông tin. Như nhận định của Ngân hàng Thế giới thì có thể xem đấy là ý kiến trung tính. Còn như nhận định của Morgan Stanley và một số tổ chức khác trước đó, thì họ là doanh nghiệp, là nhà đầu tư, mà mỗi doanh nghiệp, nhà đầu tư đều có những quan điểm khác nhau. Chúng ta cũng cứ trân trọng những thông tin họ đưa ra để mình tham khảo, điều đó không hẳn không có ích.

Tuy nhiên, trước mỗi một thông tin đều có những mục đích khác nhau, nên mình phải có thái độ khách quan và bình tĩnh. Chúng ta không nên thụ động trước thông tin mà phải làm chủ thông tin.

Như ông nói, điều quan trọng nhất là chúng ta phải giữ được niềm tin. Vậy lúc này chúng ta nên làm gì để giữ được điều đó?

Theo tôi, hữu hiệu nhất là cách thực hiện nhóm giải pháp mà Chính phủ đề ra. Nhóm giải pháp đó rất đầy đủ, bao gồm tất cả chính sách tài khoá, tiền tệ, hỗ trợ người nghèo, cắt giảm đầu tư công...

Nhưng cái quan trọng nhất hiện tại là làm sao bằng hành động thực tế một cách mạnh bạo, kiên quyết và triệt để. Mà thời gian qua, những chính sách đó hành động còn thiều triệt để, thiếu kiên quyết, thiếu một cái tổ hợp, ví dụ như về chính sách tiền tệ, tài khóa, đầu tư công, tỷ giá…

Hành động bằng thực tế để dần dần đưa lại niềm tin cho mọi người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư rằng Việt Nam dần dần sẽ kiểm soát được tình hình, sẽ ổn định được kinh tế vĩ mô. Đó là kịch bản đẹp nhất.

Để làm được điều này, theo tôi, cái thứ nhất là cam kết của Chính phủ phải mạnh. Điều này thì từ tháng 3/2008, Chính phủ đã có những thay đổi rất rõ rệt, khi cam kết mạnh mẽ rằng mục tiêu số một là ổn định kinh tế vĩ mô, giảm dần tốc độ tăng giá.

Thứ hai, Chính phủ phải chủ động, minh bạch và giải trình rõ ràng mọi thông tin liên quan đến chính sách kinh tế. Vừa qua có những cơn sốt, tuy cách làm cũng có những minh bạch hơn nhưng cơ bản là chúng ta vẫn còn thụ động.

Những chính sách Chính phủ đưa ra nên được giải trình một cách cụ thể là tại sao lại làm như thế. Vì trong thời điểm này bất kỳ chính sách vĩ mô nào, nếu không được nhất quán rất có thể sinh ra những phản ứng, hiệu ứng phụ không như mong đợi.

Cái thứ ba, về mặt chính sách phải thực hiện triệt để hơn, điều này đặc biệt liên quan đến chính sách tài khóa và đầu tư công.

Và cuối cùng, cái khó là qui mô, mức độ, sự phối hợp đến mức nào? Đòi hỏi chúng ta phải rất chuyên nghiệp về kỹ năng. Điều đó có nghĩa là vấn đề phải tập hợp trí tuệ để chọn được những chính sách, thời điểm tốt nhất.

Nếu kết hợp toàn diện được bốn điều này, tôi tin Việt Nam có thể vượt qua được những khó khăn, thách thức hiện nay. Và như thế, khi tâm lý ổn định, niềm tin sẽ trở lại.