22:47 23/01/2007

Niêm yết ở nước ngoài: “Liệu cơm gắp mắm”

Minh Đức

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm, còn nhiều lợi ích phải cân nhắc trước khi đưa cổ phiếu niêm yết tại các sàn ở nước ngoài

Sàn Nasdaq tại Mỹ, chuyên giao dịch cổ phiếu công nghệ cao - Ảnh: Reuters.
Sàn Nasdaq tại Mỹ, chuyên giao dịch cổ phiếu công nghệ cao - Ảnh: Reuters.

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm, còn nhiều lợi ích phải cân nhắc trước khi đưa cổ phiếu niêm yết tại các sàn ở nước ngoài.

Hướng niêm yết cổ phiếu tại thị trường quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam trở thành một chủ đề chính của hội nghị phát triển thị trường vốn diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày vừa qua (22 và 23/1).

Chủ đề này mang tính thời sự cao khi mà ngay đầu năm nay một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã đánh tiếng là sẽ có tên tại một số sàn giao dịch danh tiếng trên thế giới trong một tương lai rất gần.

Những cái tên như ACB, Sacombank và gần đây là BIDV, Vinamilk và FPT cũng lần lượt được nhắc đến trong hướng đi này. Không bất ngờ và hoài nghi khi đây là những tên tuổi lớn của Việt Nam, nguồn của những mặt hàng đã và dự kiến sẽ được đánh giá là tốt tại thị trường trong nước.

Hướng đi trên không còn bó hẹp trong khuôn khổ của những dự báo và bàn luận. Ngay đầu năm này, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Tổng công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk), cũng đã đăng đàn khẳng định việc hướng ngoại sẽ được đại hội cổ đông xem xét và thông qua. Ông Trần Bắc Hà, Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển BIDV, cũng tuyên bố tại hội nghị đầu năm ngành chứng khoán rằng sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn Singapore ngay sau khi cổ phần hóa.

Nhưng, cũng như những bình luận trước đây, vấn đề được đặt ra trong khuôn khổ một chủ đề của hội nghị nói trên lại cho thấy có quá nhiều khó khăn thay vì thuận lợi và lợi ích.

Ông Lê Hải Trà, Phó giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, cho rằng đây thực sự là một hướng đi khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp. Không nói đến chuyện chuẩn bị các bước hành chính và kỹ thuật, chỉ riêng phí niêm yết cũng như nguồn tài chính duy trì sự hiện diện thương mại cũng đã rất tốn kiếm.

Một số ý kiến khác cùng hướng với quan điểm của ông Trà cũng đưa ra cân nhắc là với chi phí lớn thì có nhất thiết niêm yết ở nước ngoài; nguồn vốn huy động được, lợi ích thu được có quá vượt trội để doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận khoản chi phí đó?

Về mức chi phí trên, bà Jane Zhu, Trưởng ban châu Á - Thái Bình Dương, Sở Giao dịch Chứng khoán London (Anh), cho biết là khoảng 30.000 USD/năm phí niêm yết. Tính ra chỉ khoảng 500 triệu đồng Việt Nam, một mức mà nhiều doanh nghiệp trong nước có thể chịu được. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong nhiều chi phí khác phải chuẩn bị.

“Nhưng chi phí không quá quan trọng, vấn đề là doanh nghiệp phải xác định rõ mục đích của mình, hiệu quả của kế hoạch này và một điều nữa không kém quan trọng là phải tìm hiểu kỹ thị trường mà mình tiếp cận cũng như những tiêu chuẩn của thị trường đó”, bà Jane Zhu nói.

Như tại sàn London, trước khi niêm yết, doanh nghiệp phải chuẩn bị kỹ hồ sơ, tài liệu về hoạt động của mình 3 năm trước đó, phải có lượng hàng ít nhất 25% vốn được bán rộng rãi cho công chúng của thị trường này, ngoài ra còn là những yêu cầu mang tính kỹ thuật khác…

Hoặc tại sàn Singapore, để niêm yết, doanh nghiệp phải có ít nhất 1.000 cổ đông, có tổng lợi nhuận sau thuế trong 3 năm gần nhất từ 7,5 triệu USD trở lên, phải có kiểm toán theo tiêu chuẩn của Singapore hoặc Mỹ…

Còn như tại sàn Hồng Kông, bà Christine Lie, Phó chủ tịch Sở Giao dịch, cho biết các tiêu chuẩn về tài chính, lợi nhuận đối với doanh nghiệp niêm yết không phải là quá khó khăn. Nhưng, đã lên sàn này thì doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức.

“Đó là doanh nghiệp phải làm sao cho công chúng đầu tư biết đến mình là ai, chứng minh được khả năng, sự hấp dẫn của mình để thuyết phục được họ. Và nữa, việc công bố thông tin, công khai, minh bạch là điều rất quan trọng. Nếu chưa chuẩn bị tốt, chưa sẵn sàng với những yêu cầu đó thì tốt nhất là doanh nghiệp chưa vội niêm yết”, bà Christine Lie đưa ra lời khuyên.

Rõ ràng lời khuyên của bà Christine Lie thực sự có ý nghĩa trong hạn chế và sức ỳ của nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay: Công bố thông tin một cách công khai, minh bạch và kịp thời vẫn còn là một yêu cầu quá lớn ngay ở thị trường trong nước.

Với khuôn khổ chủ đề của một cuộc tọa đàm ngắn, các chuyên gia không thể đề cập hết những yêu cầu, khó khăn và thuận lợi đối với doanh nghiệp Việt Nam khi niêm yết ở nước ngoài. Nhưng, có một thông điệp chung được giới quan sát đồng tình qua cuộc tọa đàm này là: thị trường nước ngoài chỉ là một kênh hỗ trợ, thị trường trong nước vẫn là “mặt trận” chính; doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ khả năng, lợi ích của mình để “liệu cơm gắp mắm” trên đường hướng ngoại.

* Trao đổi với VnEconomy về việc xây dựng hành lanh pháp lý cho doanh nghiệp niêm yết ở nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng quan điểm của Bộ là ủng hộ doanh nghiệp đi theo hướng này; hành lang pháp lý và các văn bản hướng dẫn cũng sẽ nhanh chóng được xây dựng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm nắm bắt cơ hội, nhất là khi bối cảnh trong và ngoài nước đều đang khá thuận lợi.