06:57 16/11/2015

Nợ có khả năng mất vốn của BIDV tăng vọt

Hải Vân

Chiếm phân nửa trong gần 12 nghìn tỷ đồng nợ xấu của BIDV là nợ có khả năng mất vốn

Đến 30/9/2015, tỷ lệ nợ xấu của BIDV chỉ tăng nhẹ lên 2,16%, nhưng quy 
mô con số giá trị tuyệt đối về nợ xấu tăng rất mạnh so với thời điểm 
31/12/2014, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn.
Đến 30/9/2015, tỷ lệ nợ xấu của BIDV chỉ tăng nhẹ lên 2,16%, nhưng quy mô con số giá trị tuyệt đối về nợ xấu tăng rất mạnh so với thời điểm 31/12/2014, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2015 vừa công bố, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đứng thứ hai hệ thống về con số lợi nhuận, nhưng lượng nợ xấu có khả năng mất vốn cũng tăng vọt.

Cụ thể, quý 3/2015, BIDV đạt lợi nhuận trước thuế 2.417,7 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 5.535 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là quy mô lớn thứ hai trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, xét theo giá trị tuyệt đối.

Báo cáo tài chính chú thích, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2015 tăng so với cùng kỳ năm trước là do một số hoạt động trong quý 3/2015 có thu nhập ròng tốt hơn so với cùng kỳ năm trước đã có tác động tích cực đến lợi nhuận ngân hàng.

Mặt khác, tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm nay của BIDV ở mức rất cao so với nhiều thành viên khác, lên tới 23,47% so với cuối 2014, góp phần tạo quy mô lợi nhuận nói trên.

Cũng chính quy mô tổng dư nợ mở rộng mạnh như trên góp phần giảm bớt tốc độ tăng nợ xấu tại ngân hàng này.

Đến 30/9/2015, tỷ lệ nợ xấu của BIDV chỉ tăng nhẹ lên 2,16%, nhưng quy mô con số giá trị tuyệt đối về nợ xấu tăng rất mạnh so với thời điểm 31/12/2014, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5).

Cụ thể, tổng quy mô nợ xấu của ngân hàng này (từ nhóm 3 đến nhóm 5) đã lên đến 11,9 nghìn tỷ đồng, trong khi tại 31/12/2014 ở mức hơn 9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn đến 30/9/2015 đã lên tới 5.631 tỷ đồng, tăng vọt so với mức 3.266,8 tỷ đồng (tăng tới 72,3%).

Liên quan đến nợ và phân loại nợ, báo cáo tài chính của BIDV cũng chú giải thêm: các khoản cho vay một số công ty thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và một số đơn vị thành viên và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) được phân loại và trích lập dự phòng theo văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước về việc xem xét khoanh và cơ cấu lại các khoản nợ cũ của Vinashin và Vinalines.

“Theo đó, ngân hàng trích lập dự phòng cụ thể theo khả năng tài chính của ngân hàng”, báo cáo viết.

Ngoài ra, theo một số thông tin dẫn nguồn tổng kết từ Ngân hàng Nhà nước đưa ra gần đây, BIDV được xếp là ngân hàng thương mại có quy mô bán lại nợ xấu nhiều nhất cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), với hơn 11.000 tỷ đồng đã bán lại thời gian qua.

Về quy mô, tính đến 30/9/2015, BIDV có tổng tài sản đạt tới hơn 786 nghìn tỷ đồng, tăng tới 20,8% so với cuối năm 2014.