06:30 13/10/2020

Nợ công năm 2020 có thể lên 56,8% GDP

Bạch Huệ

Năm 2020, trong bối cảnh tác động sâu rộng và toàn diện của đại dịch Covid-19, thâm hụt ngân sách nhà nước ước khoảng 4,99% GDP, nợ công khoảng 56,8% GDP

Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến thâm hụt ngân sách ngày càng lớn.
Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến thâm hụt ngân sách ngày càng lớn.

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, dịch bệnh covid-19 đã tác động lớn đến tình hình nợ công và thu chi ngân sách của nước ta.

Thu giảm mạnh vì đại dịch covid-19

Cụ thể, dự toán thu ngân sách năm 2020 là  1.512,3 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế thực hiện 9 tháng năm 2020, tổng thu ngân sách đạt 975,3 nghìn tỷ đồng, bằng 64,5% dự toán, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2019. 

"Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tâm lý tiêu dùng của xã hội, từ đó tác động đến số thu ngân sách năm 2020. Ước cả năm 2020, thu cân đối ngân sách đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng, giảm 189,2 nghìn tỷ đồng (-12,5%) so dự toán; trong đó, thu ngân sách trung ương giảm dự toán khoảng 126,5 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách địa phương về tổng thể hụt khoảng 62,7 nghìn tỷ đồng so dự toán, không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết thì hụt khoảng 95 nghìn tỷ đồng", báo cáo nêu. 

Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách ưu đãi về miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

Chi ngân sách tăng mạnh, gần 17.500 tỷ cho chống dịch

Dự toán chi ngân sách năm 2020 là 1.747,1 nghìn tỷ đồng; thực hiện 9 tháng ước đạt 1.113,7 nghìn tỷ đồng, bằng 63,7% dự toán, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó: chi đầu tư phát triển đạt gần 269,2 nghìn tỷ đồng, bằng 57,2% dự toán; chi trả nợ lãi đạt gần 80,7 nghìn tỷ đồng, bằng 68,3% dự toán, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2019; chi thường xuyên đạt 756,9 nghìn tỷ đồng, bằng 71,6% dự toán, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019. 

Đến ngày 23/9/2020, ngân sách đã chi khoảng 17,49 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó: 4,92 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chế độ đặc thù trong phòng chống dịch Covid-19; 12,57 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho 12,65 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch.

Dự toán bội chi ngân sách năm 2020 là 234,8 nghìn tỷ đồng, bằng 3,44% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương là 217,8 nghìn tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương là 17 nghìn tỷ đồng. 

Đối với ngân sách trung ương, sau khi sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 chuyển sang khoảng 14,3 nghìn tỷ đồng, thực hiện các giải pháp tiết kiệm, cắt giảm các nhiệm vụ chi khoảng 17,2 nghìn tỷ đồng để đảm bảo cân đối, thì dự kiến bội chi ngân sách trung ương tăng khoảng 95 nghìn tỷ đồng so dự toán.

Đối với ngân sách địa phương, các địa phương chủ động sử dụng các nguồn dự phòng, dự trữ, tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư và các nguồn lực hợp pháp khác (tổng cộng khoảng 39,4 nghìn tỷ đồng) để đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng, trong đó có phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai và các nhiệm vụ cấp bách khác. Đồng thời, tiến độ triển khai một số khoản vay ODA ở các địa phương còn chậm, nên về tổng thể bội chi ngân sách địa phương ước thực hiện năm 2020 khoảng 5 nghìn tỷ đồng, giảm 12 nghìn tỷ đồng so dự toán. 

Tổng hợp chung, thâm hụt ngân sách cả năm 2020 ước khoảng 319,4 nghìn tỷ đồng, bằng 4,99% GDP.

Nợ công năm 2020 có thể lên 56,8% GDP

Chính phủ dự kiến đến ngày 31/12/2020, so với GDP ước thực hiện, dư nợ công bằng khoảng 56,8%, dư nợ Chính phủ bằng khoảng 50,8%. Việc thực hiện kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ cho cân đối ngân sách được điều hành, quản lý trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định.

"Đối với năm 2020, trong bối cảnh tác động sâu rộng và toàn diện của đại dịch Covid-19, bội chi ngân sách nhà nước ước khoảng 4,99% GDP, nợ công khoảng 56,8% GDP, nợ Chính phủ khoảng 50,8% GDP", báo cáo nêu. 

Năm 2019, theo báo, ước nợ công của nước ta đạt 55% GDP, nợ Chính phủ đạt 48%GDP, nợ nước ngoài của quốc gia đạt 47,1%GDP.  So với năm 2019, con số bội chi ngân sách, nợ công và nợ Chính phủ/GDP có xu hướng tăng lên. 

Đồng thời, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm giai đoạn 2021 – 2025, trong đó bao gồm việc xác định các mức trần và ngưỡng an toàn nợ công giai đoạn 05 năm 2021 – 2025 theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định.