10:40 27/08/2018

Nợ khó đòi các loại bảo hiểm đạt hơn 1.700 tỷ đồng

Dũng Hiếu

Chỉ tính đến cuối năm 2017 vừa qua, tính chung, hiện có đến 102.900 đơn vị đang nợ bảo hiểm xã hội của 2,6 triệu lao động, tương đương với số tiền 14.700 tỷ đồng

Quyết tâm xử lý nợ các loại bảo hiểm.
Quyết tâm xử lý nợ các loại bảo hiểm.

Nói về nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tại buổi tọa đàm "Kết quả thực hiện và những định hướng cải cách chính sách bảo hiểm xã hội" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết, nợ khó đòi đã lên đến 1.700 tỷ đồng, thế nhưng xử phạt vẫn mờ nhạt.

Theo ông Sinh, về mặt pháp luật, tính tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội chưa nghiêm, kể cả đơn vị sử dụng lao động lẫn người lao động cũng có ý tưởng trốn tránh pháp luật.

"Thời gian qua, chúng ta đã có chế tài đối với đơn vị sử dụng lao động nhưng chưa có biện pháp, chế tài đối với người lao động. Đối với những đối tượng vi phạm pháp luật thì biện pháp xử phạt lại mờ nhạt và triển khai chậm", ông Sinh nói.

Không phải ngẫu nhiên, suốt nhiều năm qua, cơ quan Bảo hiểm Xã hội bảo hiểm xã hội Việt Nam đã liên tục thông tin về hiện tượng vô số doanh nghiệp trên cả nước đã cố tình trây ỳ, không đóng nộp, nợ tiền bảo hiểm xã hội, dù đã thu đủ của người lao động. Chỉ tính đến cuối năm 2017 vừa qua, tính chung, hiện có đến 102.900 đơn vị đang nợ bảo hiểm xã hội của 2,6 triệu lao động, tương đương với số tiền 14.700 tỷ đồng.

Cơ quan bảo hiểm xã hội đã khởi kiện 8.800 vụ với số tiền khoảng 6 nghìn tỷ đồng. Tòa án các cấp đã xử 3.986 vụ, tương đương với 16% tổng số nợ, số vụ... Song, con số 16% bị khởi kiện xem ra vẫn chưa tác dụng bao nhiêu để các doanh nghiệp tuân thủ luật pháp. Còn tính đến hết tháng 7/2018, số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không phải tính lãi khoảng 7.200 tỷ đồng, chiếm 3,6% số phải thu.

Tp.HCM là một trong những thành phố có số nợ khá lớn. đến tháng 6-2018, thành phố có hơn 12.440 doanh nghiệp nợ bải hiểm xã hội với số tiền nợ hơn 2.700 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong tổng số 2.700 tỷ đồng mà các doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp có 387 tỷ đồng là khoản nợ không thể đòi. Đây là số nợ từ 1.570 doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích…

Còn tại Hà Nội, bảo hiểm xã hội Hà Nội, số doanh nghiệp trên đang nợ hơn 1.430 tỉ đồng. Theo lãnh đạo bảo hiểm xã hội Hà Nội, việc nợ đọng tiền đóng bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi hợp pháp của người lao động, như: Quyền lợi hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản, chốt sổ bảo hiểm xã hội để nghỉ hưu, chuyển cơ quan khác.. Trước khi công bố danh sách các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội Hà Nội đã nhiều lần thông báo tới các đơn vị về số nợ.

Tuy nhiên việc thanh toán nợ vẫn không tiến triển. Được biết với những doanh nghiệp cố tình chiếm dụng số tiền bảo hiểm xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội Hà Nội sẽ phối hợp với Công an thành phố tập hợp hồ sơ, tài liệu để xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự. Dự kiến trong tháng 8, bảo hiểm xã hội Hà Nội sẽ chính thức chuyển hồ sơ 1 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội cho cơ quan công an để xử lý theo trình tự trên

Nói về tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, ông Mai Đức Thắng, Phó Trưởng ban Thu (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) đã hơn một lần đều cho rằng, tình trạng này vẫn diễn ra trên khắp cả nước. Để bảo đảm quyền lợi của người lao động, bảo hiểm xã hội Việt Nam thường xuyên tiến hành kiểm tra, thanh tra liên ngành và thanh tra chuyên ngành.

"Chúng tôi sẽ quyết liệt thanh tra những doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên. Đối với những doanh nghiệp nào nợ trên 6 tháng, chúng tôi sẽ tiến hành thanh tra đột xuất," ông Thắng nhấn mạnh.

Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho rằng, các biện pháp đôn đốc đóng, thanh tra, xử lý hình sự việc trốn đóng bảo hiểm xã hội đã có hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp đã tự giác nộp khoản nợ bảo hiểm xã hội ngay khi bị thanh tra, nhắc nhở. Như vừa qua, bảo hiểm xã hội Việt Nam thông báo thanh tra 4 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội lớn của tỉnh Ninh Bình, ngay sau thông báo thanh tra đã có 3 doanh nghiệp tự động nộp đầy đủ số tiền nợ, một doanh nghiệp do khó khăn nhưng cũng xây dựng lộ trình và cam kết trả dần. Từ kết quả đó, ông Thắng tính toán, năm nay việc thu hồi nợ bảo hiểm xã hội có thể sẽ đạt và vượt mục tiêu từ 1-2%.

Cùng với thanh kiểm tra thì việc rà soát, bổ sung và chuẩn hóa dữ liệu người tham gia bảo hiểm xã hội trong phần mềm quản lý cũng đang được bảo hiểm xã hội Việt Nam đẩy mạnh. Với mục tiêu tới mục tiêu năm 2020, thực hiện quản lý sổ bảo hiểm xã hội điện tử.

Với hình thức này, người lao động sẽ dễ dàng quản lý, tra cứu được quá trình đóng bảo hiểm xã hội của mình, rút ngắn hơn nữa quy trình, thủ tục trong giải quyết các chế độ cho người tham gia. Đồng thời, việc công khai các số liệu đóng bảo hiểm xã hội cũng giúp người lao động nắm bắt, xử lý tình trạng doanh nghiệp trốn, nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Với quy định khởi tố hình sự việc trốn đóng bảo hiểm xã hội, từ đầu năm tới nay, nhiều địa phương trên cả nước, cơ quan bảo hiểm xã hội đều tỏ rõ quyết tâm xử lý nợ các loại bảo hiểm. Tuy vậy, theo ông Thắng, việc chuyển hồ sơ xử lý hình sự doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội cũng có hệ luy là đẩy người lao động vào nguy cơ mất việc làm vì chủ doanh nghiệp bị khởi tố.

Do đó, trong quá trình thanh kiểm tra doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng cân nhắc, chỉ doanh nghiệp nào vẫn làm ăn tốt mà cố tình chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội mới chuyển hồ sơ cơ quan điều tra khởi tố hình sự. Ngoài ra, theo ông Thắng, trong quá trình cơ quan điều tra thụ lý vụ việc, nếu doanh nghiệp khắc phục hậu quả, trả nợ bảo hiểm xã hội, cơ quan điều tra có thể thay đổi lại quyết định khởi tố.