14:49 28/03/2007

Nỗ lực giảm độc quyền

Thành Nam

Đến năm 2010, sẽ chỉ còn khoảng 500 doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực an sinh, quốc phòng và công ích

Dịch vụ viễn thông di động đã không còn sự độc quyền của các doanh nghiệp Nhà nước trên thị trường - Ảnh: Việt Tuấn.
Dịch vụ viễn thông di động đã không còn sự độc quyền của các doanh nghiệp Nhà nước trên thị trường - Ảnh: Việt Tuấn.
Việt Nam đang tiến hành hàng loạt chính sách cổ phần hóa cũng như đổi mới doanh nghiệp Nhà nước nhằm nỗ lực giảm độc quyền và sự thống lĩnh của khối doanh nghiệp này.

Về mặt pháp lý, Luật Cạnh tranh đã được Quốc hội thông qua vào năm 2004 và có hiệu lực từ tháng 7/2005 nhằm tạo lập và duy trì môi trường kinh doanh bình đằng giữa các đơn vị đang hoạt động tại Việt Nam, cũng như kiểm soát sự độc quyền, chống lại vị trí thống lĩnh và bảo vệ người tiêu dùng.

Vị trí thống lĩnh thị trường được hiểu trong Luật Cạnh tranh là có thị phần từ 30% trở lên hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể và dẫn tới các hành vi lạm dụng vị trí thống trị. Còn vị trí độc quyền là không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa và dịch vụ trên thị tường liên quan nên dẫn tới các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền.

Và để giảm độc quyền và sự thống lĩnh theo quy định của Luật Cạnh tranh được áp dụng cho cả các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền của Nhà nước, hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước đã thực hiện chính sách cổ phần hóa và đổi mới doanh nghiệp.

Cụ thể, Chính phủ đã và đang thực hiện việc giảm bớt lĩnh vực, ngành nghề doanh nghiệp mà Nhà nước giữ 100% vốn. Trước đây, theo Quyết định 58/2002/QĐ-TTg (ngày 26/4/2002), Nhà nước nắm giữ 100% vốn trong 60 ngành, lĩnh vực đối với các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kinh và hoạt động công ích. Song đến Quyết định 155/2004/QĐ-TTg ngày 24/8/2004, theo các tiêu chí mới, Nhà nước chỉ còn giữ 100% vốn đối với những công ty hoạt động trong 30 ngành, lĩnh vực.

Và đến nay, Nhà nước chỉ còn giữ 100% vốn trong 19 ngành, lĩnh vực, khi theo Quyết định 38/QĐ-TTg ngày 20/3/2007 mới đây, Chính phủ phân loại doanh nghiệp Nhà nước chỉ căn cứ trên 2 tiêu chí: ngành và lĩnh vực hoạt động. Những ngành, lĩnh vực Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là sản xuất, cung ứng vật liệu nổ, hóa chất độc, chất phóng xạ; sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài, trang bị chuyên dùng cho an ninh,…

Bên cạnh đó, 104 đề án sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước đã được Thủ tướng phê duyệt giai đoạn 2001 - 2005, trong đó số lượng doanh nghiệp Nhà nước giữ 100% vốn là 2.300, số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa là 2.045.

Ngoài ra, 84 đề án sắp xếp của các bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc được Thủ tướng phê duyệt bổ sung, trong đó số lượng doanh nghiệp Nhà nước giữa 100% vốn là 1.900 và số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa là 535.

Và giai đoạn 2007 - 2010, có 71 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được Thủ tướng phê duyệt nằm trong diện phải thực hiện cổ phần hóa hoạt động trong các ngành, lĩnh vực như hàng không, hóa chất, xi măng, bia-rượu-nước giải khát, xây dựng, hạ tầng đô thị, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng,…

Không những thế, Chính phủ còn thực hiện xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp, điển hình là trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và trong lĩnh vực điện lực, nhằm thực hiện độc quyền Nhà nước trong lĩnh vực cần thiết chứ không biến độc quyền của Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp.

Ngoài ra, các nhóm công ty (tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - công ty con) khi được Chính phủ cho phép hình thành thì cũng được thực hiện kinh doanh đa ngành, để tránh tình trạng những đơn vị này thống lĩnh thị trường nếu chỉ kinh doanh một ngành nghề.

Có thể nói, Việt Nam đang nỗ lực giảm độc quyền trong hoạt động kinh doanh trên thị trường của các doanh nghiệp của Nhà nước để phù hợp với những quy định mới và nhất là trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Và theo tiêu chí phân loại của Nghị định 38/NĐ-CP, đến năm 2010 sẽ chỉ còn khoảng 500 doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực an sinh, quốc phòng và công ích.