07:08 15/08/2011

Nở rộ dịch vụ ngân hàng online

Thu Hoài

Nhiều ngân hàng đang nỗ lực triển khai các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng Internet để gia tăng tiện ích cho khách hàng

Có thể nói các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là những khách hàng đầu tiên hưởng ứng các tiện ích nổi trội của Internet Banking trong việc trả lương cho nhân viên.
Có thể nói các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là những khách hàng đầu tiên hưởng ứng các tiện ích nổi trội của Internet Banking trong việc trả lương cho nhân viên.
Nhiều ngân hàng đang nỗ lực triển khai các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng Internet để gia tăng tiện ích cho khách hàng.

Nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hiện một số ngân hàng mới sử dụng dịch vụ này như một công cụ marketing, thay vì một công cụ làm gia tăng lợi ích sử dụng cho khách hàng.

Hiện dịch vụ ngân hàng trực tuyến (Internet Banking) không còn “độc quyền” bởi một vài tên tuổi lớn như Vietcombank hay Techcombank mà nhiều ngân hàng, kể cả mới thành lập như BaoVietBank, LienVietBank, TienPhongBank… cũng khá mạnh dạn trong những tuyên bố về dịch vụ ngân hàng hiện đại của mình. Sự bùng nổ đó đã nhận được sự hưởng ứng khá tích cực từ khách hàng. Tuy nhiên, việc phát triển và ứng dụng Internet Banking để cung cấp nhiều tiện ích đa dạng cho khách hàng còn nhiều khác biệt, tùy thuộc vào chiến lược phát triển cũng như tiềm lực của mỗi ngân hàng.

Có thể nói các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là những khách hàng đầu tiên hưởng ứng các tiện ích nổi trội của Internet Banking trong việc trả lương cho nhân viên. Với dịch vụ này, bộ phận tài vụ của doanh nghiệp không còn phải kiểm đếm, lập danh sách chi trả cho hàng nghìnn người. Việc trả lương qua tài khoản đã giúp phòng chị giảm được 60% khối lượng công việc, hơn thế lại tránh được các sai sót không đáng có.

“Tiền lương công ty chuyển khoản, tôi để dành một ít và gửi ngay vào tài khoản tiết kiệm online. Lãi suất chỉ thấp hơn một chút, khoảng 0,1-0,2%, không đáng kể so với việc tôi phải ra ngân hàng để gửi hàng tháng. Bây giờ chỉ cần chiếc máy tính nối mạng là có thể thực hiện được rất nhiều việc, từ việc theo dõi chi tiêu, gửi tiết kiệm, thanh toán tiền điện, nước, vé máy bay đến việc chuyển khoản tiền cho người thân, chẳng phải đi đâu cả”, chị Trâm, chuyên viên của một công ty truyền thông tại Hà Nội, chia sẻ.

Các giao dịch ngân hàng điện tử rất đa dạng. Tuy nhiên, khách hàng sử dụng được đến đâu còn tùy thuộc vào sự đầu tư của mỗi ngân hàng vào dịch vụ này. Đây là lý do tại sao rất nhiều ngân hàng quảng bá về dịch vụ ngân hàng điện tử, nhưng mức độ ứng dụng lại rất khác nhau.

Hiện nay, đại đa số các ngân hàng tại Việt Nam đều công bố có dịch vụ Internet Banking. Theo ông Đào Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietcombank, điều này cũng dễ hiểu bởi trong vài năm qua, hầu hết các ngân hàng đã đầu tư và triển khai hệ thống phần mềm ngân hàng lõi (corebanking) và nhiều giải pháp công nghệ liên quan tới sản phẩm.

Nhưng trên thực tế, nhiều ngân hàng chưa tận dụng hết khả năng của công nghệ, hoặc cùng trên một nền tảng công nghệ nhưng chất lượng dịch vụ lại rất khác nhau. Chẳng hạn cùng trên hệ thống corebanking của hãng Temenos (Thụy Sỹ) nhưng có ngân hàng chỉ mới cho phép khách hàng tra cứu thông tin về tài khoản, có ngân hàng đã triển khai được dịch vụ chuyển tiền điện tử qua Internet, qua điện thoại di động… Hoặc cùng trong một dịch vụ chuyển tiền qua Internet, có nơi chỉ chuyển tiền trong hệ thống nhưng có nơi cho phép khách hàng được chuyển tiền ngoài hệ thống. Tức là mức độ ứng dụng và triển khai thành sản phẩm cụ thể rất khác nhau.

Theo giải thích của ông Tuấn, vấn đề nằm ở tầm nhìn và chiến lược phát triển của mỗi ngân hàng và khả năng tổ chức thực hiện, phát huy những thế mạnh của công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích mới cho khách hàng.

“Với tiềm lực tài chính đã khá tốt của các ngân hàng lớn tại Việt Nam, việc mua một hệ thống công nghệ vài triệu USD không khó. Cái khó là tổ chức triển khai, con người để triển khai, chiến lược đầu tư cho dịch vụ. Chẳng hạn, đối với dịch vụ chuyển tiền online, mặc dù triển khai từ năm 2009, nhưng cũng phải điều chỉnh rất nhiều Vietcombank mới có thể đưa ứng dụng chuyển tiền ngoài hệ thống vào Internet Banking vào tháng 7/2011”.

Cùng quan điểm này, ông Phùng Quang Hưng, Giám đốc Khối vận hành và công nghệ của Techcombank, nêu quan điểm: để phát triển Internet Banking cần phải có sự quyết tâm cao từ tầm nhìn của ngân hàng vì cần phải có sự đầu tư đồng bộ.

Lấy ví dụ từ chính ngân hàng mình, ông Hưng cho biết, từ năm 2003, Techcombank là một trong những ngân hàng tiên phong triển khai dịch vụ Internet Banking. Trong quá trình triển khai, ngân hàng này đã liên tục đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ. Hiện ngân hàng trực tuyến của Techcombank cung cấp cho khách hàng nhiều sản phẩm, dịch vụ như gửi tiết kiệm online, chuyển tiền trong và ngoài hệ thống, thanh toán tiền điện, nước, vé máy bay, học phí… Đây cũng là ngân hàng đầu tiên sử dụng phương thức xác thực bằng thiết bị token key tại Việt Nam để nâng cao chất lượng bảo mật, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.

“Trong khi vận hành Internet Banking, thỉnh thoảng có thể gặp phải những trục trặc do lỗi đường truyền bên viễn thông cung cấp hoặc khi hệ thống đang được nâng cấp. Điều quan trọng là khi xảy ra những trục trặc ngoài ý muốn thì yêu cầu khắc phục lỗi phải rất nhanh mới có thể nhận được sự thông cảm từ khách hàng", ông Hưng nói.