17:57 02/03/2010

Nợ xấu ngân hàng sẽ phản ánh chính xác hơn

Thùy Duyên

Đây là một mục đích để Ngân hàng Nhà nước xây dựng văn bản mới quy định về việc phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng

Hiện nhiều tổ chức tín dụng chưa có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để hỗ trợ việc phân loại nợ và quản lý chất lượng tín dụng.
Hiện nhiều tổ chức tín dụng chưa có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để hỗ trợ việc phân loại nợ và quản lý chất lượng tín dụng.
Đây là một mục đích để Ngân hàng Nhà nước xây dựng và chuẩn bị ban hành văn bản mới quy định về việc phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng.

Văn bản mới mà Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo được xây dựng dưới hình thức thông tư, nhằm thay thế cho Quyết định 493 và Quyết định 18 hiện đang áp dụng.

Theo ban soạn thảo, sau một thời gian thực hiện, Quyết định 493 và Quyết định 18 đã bộc lộ một số những nhược điểm cơ bản cần được chỉnh sửa. Hai văn bản này chưa phân loại nợ, trích lập dự phòng đầy đủ với các khoản mục Tài sản “Có” có phát sinh rủi ro tín dụng; hầu hết các tổ chức tín dụng thực hiện phân loại nợ theo quy định tại Điều 6 Quyết định 493 đều có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng chưa có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để hỗ trợ việc phân loại nợ và quản lý chất lượng tín dụng. Điều này cho thấy kết quả phân loại nợ chưa phản ánh đúng chất lượng nợ của các tổ chức đó.

Mặt khác, hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ quy định tại Quyết định 493 mới chung chung, không cụ thể, do đó các tổ chức tín dụng khi xây dựng gặp nhiều khó khăn; mức độ hoàn thành và chất lượng của hệ thống xếp hạng chưa tốt.

Thời gian qua đã có một số tổ chức tín dụng xây dựng được hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ; có 3 tổ chức đã trình và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho thực hiện phân loại nợ theo quy định tại Điều 7 Quyết định 493. Tuy nhiên, do không có quy định cụ thể đối với hệ thống này nên tổ chức tín dụng nói chung và một số trường hợp đã xây dựng hệ thống này chưa đánh giá và khai thác hết vai trò, lợi ích của việc xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ trong việc quản lý chất lượng tín dụng, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro.

Theo ban soạn thảo, do các tổ chức tín dụng tự xây dựng theo một phương pháp riêng đã tạo nên sự không thống nhất giữa các tổ chức tín dụng trong việc quản lý chất lượng tín dụng, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; đồng thời việc quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước đối với việc các tổ chức tín dụng phân loại nợ theo Điều 7 Quyết định 493 gặp nhiều khó khăn, không thống nhất.

Với những hạn chế trên, Ban soạn thảo cho rằng việc ban hành một văn bản mới thay thế Quyết định 492 và Quyết định 18 là cần thiết. Văn bản mới này sẽ thống nhất phương pháp, nội dung quản lý chất lượng tín dụng, phân loại nợ, trích lập, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong toàn hệ thống tổ chức tín dụng trên cơ sở đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng.

Ban soạn thảo khẳng định, thông tư này được xây dựng trên cơ sở tiếp thu, áp dụng những kinh nghiệm tốt nhất của các nước, phù hợp điều kiện Việt Nam; cũng như phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng, nợ xấu của từng tổ chức tín dụng và của cả hệ thống tổ chức tín dụng để có chính sách, cơ chế quản lý phù hợp.

Cụ thể, dự thảo thông tư đưa ra quy định thống nhất một phương pháp đánh giá chất lượng tín dụng (trừ các quỹ tín dụng nhân dân) trên cơ sở kết hợp đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng theo hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và đánh giá thực tế tại các thời điểm đánh giá, phân loại.

Thông tư sẽ hướng dẫn cụ thể các bước quy trình đánh giá, xếp hạng khách hàng để thống nhất thực hiện, trong đó quy định một số chỉ tiêu với các trọng số đánh giá cụ thể để phục vụ cho công tác quản lý. Các chỉ tiêu và trọng số đánh giá được xác định dựa trên kết quả thống kê, khảo sát số liệu của một số tổ chức tín dụng đưa vào chạy mô hình toán để xác định.

Trên cơ sở hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, dự thảo đưa ra yêu cầu tổ chức tín dụng xây dựng quy định nội bộ về quản lý chất lượng tín dụng, chính sách tín dụng để quản lý chất lượng tín dụng trong suốt quá trình từ khi thẩm định, xét duyệt, cấp tín dụng đến khâu kiểm tra, kiểm soát trong quá trình giải ngân, sau khi cấp tín dụng cũng như việc quản lý tài sản bảo đảm; chính sách dự phòng rủi ro để quản lý quá trình phân loại nợ, trích lập, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và việc phát mại tài sản bảo đảm; việc phân cấp, ủy quyền và xác định quyền hạn, trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân có liên quan trong suốt các quá trình này.

Ngoài ra, định hướng xây dựng thông tư trên là đảm bảo ở mức tối đa khách hàng giống nhau phải được quản lý giống nhau, từ thẩm định, xét duyệt, cấp tín dụng, hồ sơ tín dụng đến quy trình đánh giá, xếp hạng, phân loại nợ, trích lập dự phòng, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; giữa các tổ chức tín dụng đều thống nhất việc đánh giá, xếp hạng, phân loại nợ, trích dự phòng, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.