11:01 24/12/2010

Nỗi ám ảnh mang tên “smartphone” của nước Mỹ

Vinh Nguyễn

Có vẻ như nước Mỹ đang trở nên dính chặt với smartphone, từ việc lên lịch làm việc cho tới tìm kiếm thông tin

Smartphone đã trở thành vật bất ly thân với nhiều người Mỹ.
Smartphone đã trở thành vật bất ly thân với nhiều người Mỹ.
Có vẻ như nước Mỹ đang trở nên dính chặt với smartphone. Mọi người lệ thuộc vào thiết bị này, từ việc lên lịch làm việc cho tới tìm kiếm thông tin, quản lý mạng xã hội.

Doug Wilson, 28 tuổi, sống ở Arkansas. Anh mang chiếc điện thoại thông minh (smartphone) của anh đi khắp mọi nơi. Vừa thức giấc, anh đã lập tức vồ lấy chiếc iPhone 4 để đọc tin nhắn trên Twitter và Facebook, rồi mới bước xuống giường.

Wilson giữ điện thoại trong tay suốt ngày. Cho vào túi sẽ quá phiền phức và nguy hiểm, bởi lẽ nó có thể khiến anh lỡ mất một khuôn hình, anh nói. Đến lúc tối trời, chiếc điện thoại này lại càng trở nên quan trọng hơn bất cứ lúc nào.

Anh dùng đèn flash hỗ trợ trên chiếc điện thoại để soi từng bước đi khi anh phải đưa Lucy, một chú chó bông xù, đi dạo. “Tôi sống ở Arkansas, vì thế tôi không muốn dẫm phải rắn hay bất cứ thứ gì cả”, anh nói.

Wilson cho biết, anh thấy hạnh phúc khi mang theo chiếc iPhone đi khắp mọi nơi. Anh kể, ở đại học công nghệ Arkansas, nơi anh đang theo học, một giáo sư xã hội học không cho phép sử dụng điện thoại trong lớp của ông ấy. Nhưng anh tìm cách giữ nó bên mình.

Thậm chí, anh còn dùng chiếc điện thoại này khi đi lễ nhà thờ. Có một lần, khi được yêu cầu đọc một đoạn kinh thánh trước giáo đoàn ở Nhà thờ West Side, Wilson đã sử dụng ứng dụng Kinh thánh có sẵn trên iPhone để tìm đúng đoạn kinh cần đọc.

“Tôi mua nó với giá 7 USD”, anh nói về ứng dụng này. “Điều đó thực là tuyệt vời”.

Theo anh, không phải ai ở nhà thờ cũng đánh giá cao cách sử dụng đồ công nghệ theo lối như vậy. Một số người đã gặp anh sau buổi lễ, và hỏi han rằng có phải anh đã nhắn tin hay làm gì đó trong lúc làm lễ hay không.

Wilson cũng từng có một cuốn kinh thánh in trên giấy. Nhưng hiện nay nó đang nằm phủ bụi trong ngăn kéo của chiếc ô-tô của anh ta.

Chuyện anh lấy vợ cũng bởi quên xem một ứng dụng trên iPod giải thích chi tiết về phương pháp tính thời gian rụng trứng và vô tình khiến Ashlee (tên vợ của Wilson) có thai. “Vì sao vợ tôi có thai ư”, anh nói, “là bởi tôi đánh mất chiếc iPod Touch”.

Hiện Wilson và Ashlee đang chờ đợi ngày đứa con chào đời. Và Wilson cho biết, chiếc điện thoại giờ lại có thêm một nhiệm vụ quan trọng nữa, là báo cho anh biết, khi nào thì Ashlee trở dạ. Vì thế, anh luôn sẵn sàng nó trong tay bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, Wilson không phải là trường hợp duy nhất trên thế giới này. Có vẻ như nước Mỹ đang trở nên dính chặt với smartphone. Mọi người lệ thuộc vào thiết bị được ví như con dao đa năng của quân đội Thụy Sỹ, từ việc lên lịch làm việc cho tới đọc tin tức, tìm kiếm thông tin giải trí và quản lý mạng xã hội.

Tất nhiên, những chiếc điện thoại này cũng được dùng để thực hiện các cuộc gọi. Mặc dù, thực tế là đôi lúc chức năng này bị lãng quên do tin nhắn ký tự trở nên phổ biến và được giới trẻ yêu thích hơn.

Theo điều tra của tổ chức Pew Internet & American Life Project, gần 90% thanh thiếu niên sử dụng điện thoại di động có gửi và nhận tin nhắn ký tự. Trung bình, họ gửi khoảng 50 tin nhắn mỗi ngày.

Kết quả nghiên cứu gần đây của Forrester Research cho thấy, mỗi 5 người Mỹ mới chỉ có 1 người sở hữu điện thoại thông minh, theo kết quả nghiên cứu gần đây của. Nhưng ai sở hữu thiết bị này, nhất là những mẫu “dế” có giá hơn 150USD, thì những trải nghiệm từ nó có thể làm thay đổi cuộc sống.

Đã qua những ngày tháng mà bạn phải chờ cả ngày để trả lời một bức email hoặc phản hồi một cái tin nhắn sau vài giờ trễ, mà không vi phạm những quy tắc xã hội mới và đang thay đổi nhanh chóng.

Hiện một số nơi đã dỡ bỏ những hạn chế đối với điện thoại thông minh. Một phần là bởi việc nhắn tin, lướt web và chơi game có thể thực hiện yên lặng. Phần khác là vì nhiều nơi từng là "kẻ thù" của văn hóa điện thoại di động, như trường học, cũng đã bắt đầu thích nghi với những thiết bị này.

Một số thành viên của thế hệ di động yêu thích sự thay đổi này. Họ nói không thể sống được nếu thiếu chiếc điện thoại. Cuộc sống luôn kết nối là tiêu chí số một của họ.

Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện nhiều câu hỏi nghiêm túc về tác động của những thiết bị này tới não bộ con người.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, làm quá nhiều việc trong một lúc sẽ làm giảm bớt sức tập trung, suy nghĩ sáng tạo và cuối cùng là năng suất lao động. Điện thoại thông minh là một trong những công nghệ đang thúc đẩy lối suy nghĩ này, khi mà mọi người liên tục rơi vào biển thông tin.

Theo một nghiên cứu của trường đại học Stanford tiến hành năm 2009 đã được xuất bản trên Tạp chí Khoa học quốc gia của Mỹ, những người cố gắng xem hai hay nhiều loại phương tiện truyền thông cùng lúc sẽ dễ dàng bị phân tâm.

“Họ say mê nhiều thứ không liên quan gì tới nhau”, giáo sư Clifford Nass thuộc trường Đại học Stanford cho hay trong bản thông báo về kết quả nghiên cứu, được tiến hành với 262 sinh viên đại học. “Mọi thứ có thể phân tán tư tưởng của họ”.

Vì lẽ đó, một số người đã nảy sinh mối quan hệ yêu-ghét với chiếc điện thoại của họ. Richard Glover, một sinh viên 23 tuổi theo học chuyên ngành khoa học chính trị tại đại học cộng đồng Austin ở Texas, cho biết, anh đã lệ thuộc vào chiếc điện thoại của mình, nhiều như với chiếc xe hơi.

Lý do chính là nhờ chiếc điện thoại này, anh có thể xem được các tin tức chính trị mới nhất bất cứ lúc nào và có thể nhắn tin trả lời ngay lập tức. Năm 2008, anh đã có một chuyến đi tới Công viên quốc gia Yosemite, ở đó, anh không tài nào bắt được sóng di động nên buộc phải bỏ nó lại phòng khách sạn.

“Tôi cảm thấy được giải phóng khi không mang theo nó”, anh nói, “nhưng khi cầm lại và bắt được sóng, tôi cũng thấy rất đỗi sung sướng”.

Bud Kleppe, một người môi giới bất động sản 32 tuổi ở St.Paul, bang Minnesota, nói rằng anh không thể rời xa chiếc BlackBerry một lúc nào cả. Anh cho biết, anh sẽ có khả năng bán được nhà cao hơn, nếu trả lời email của khách hàng trong vòng 20 phút và nhắn tin trả lời ngay lập tức.

Anh thích cảm giác luôn luôn được kết nối. “Nó thường xuyên trong tay tôi”, anh nói về chiếc điện thoại của mình. “Nếu không có nó, tôi cảm thấy hơi thiếu tự tin. Chiếc điện thoại của tôi có lẽ không bao giờ xa tôi quá một sải tay”.

Anh nói rằng không thể trở lại được mình như trước kia, khi chưa có sự tồn tại của điện thoại thông minh.

Công nghệ sẽ không ngừng phát triển, vì thế việc tính toán làm cách nào để quản lý cuộc sống trong bối cảnh chịu tác động từ công nghệ và di động là một nhiệm vụ của tương lai.

Kenny Fair, chuyên gia thiết kế đồ họa ở Overland Park, Kansas, nói rằng ông phải học cách quản lý bản thân và những thiết bị cầm tay của ông, kể từ khi mua chiếc smartphone Palm Pre vào tháng 8/2009, một việc mà ông mô tả như là “tình yêu sét đánh” đã làm thay đổi cuộc sống sau đó của ông.

Ông nói, nếu không học cách quản lí sử dụng smartphone, có lẽ ông đã bị lạc trong “biển thông tin” từ chiếc điện thoại tới bộ não của mình.