20:27 24/03/2009

Nới biên độ tỷ giá và một số tham chiếu…

Minh Đức

Qua mỗi lần nới, phản ứng tức thì chỉ có tăng, không có giảm, đúng như mục đích đặt ra của nhà điều hành

Với lần điều chỉnh khá mạnh này, gánh nặng áp lực giảm giá VND được giải phóng bớt - Ảnh: Việt Tuấn.
Với lần điều chỉnh khá mạnh này, gánh nặng áp lực giảm giá VND được giải phóng bớt - Ảnh: Việt Tuấn.
Qua mỗi lần nới, phản ứng tức thì chỉ có tăng, không có giảm, đúng như mục đích đặt ra của nhà điều hành.

Ngày 24/3, lần thứ tư kể từ trong năm 2008, Ngân hàng Nhà nước nới mạnh biên độ tỷ giá giữa VND với USD. Khác với những lần trước, lần điều chỉnh này khá bất ngờ với thị trường, cả ở thời điểm và mức độ.

Những lần trước, tín hiệu điều chỉnh của chính sách thường đã được phảng phất từ sự căng thẳng của cung cầu, từ sự leo thang của giá USD trên thị trường tự do hoặc hoạt động kìm bán của các ngân hàng thương mại… Nói cách khác, những lần trước, chính sách thường đuổi theo thị trường.

Mặt khác, việc điều chỉnh từ +/-3% lên +/-5% cũng là một bước nới rộng mạnh tay hơn, thay cho các lần điều chỉnh với mức độ hẹp hơn trước đó (+/-1%).

Nhưng có một điểm chung, như một phản xạ có điều kiện của thị trường, mỗi lần nới biên độ nói trên, tỷ giá cả trên thị trường tự do lẫn trong hệ thống ngân hàng đều tăng vọt. Phản ứng này như một lò xo chỉ có bật lên mỗi lần được giảm bớt áp lực đè nén. Từ đây có thể tham chiếu một thực tế đã được đề cập và khuyến nghị trong bản thảo luận chính sách của Harvard vừa trình Chính phủ.

Theo nhận định đưa ra trong bản thảo luận này, VND đã trở nên quá mạnh. Tỷ giá thực của VND vào thời điểm tháng 9/2008 đã cao hơn mức của tháng 1/2000 là 20% và cao hơn mức của tháng 1/2004 tới 33%. Và xu hướng tăng tỷ giá thực của VND vẫn được duy trì trong 3 tháng cuối năm 2008. Đó cũng là áp lực để Việt Nam cần từng bước giảm giá VND như khuyến nghị đưa ra.

Với lần điều chỉnh khá mạnh này, gánh nặng áp lực giảm giá VND được giải phóng bớt. Phản ứng của thị trường đúng như một “ngầm định” của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá tăng mạnh lợi cho xuất khẩu. Trên thị trường tự do, cuối chiều 23/3, giá USD đã lên tới mốc 18.000 VND. Giá niêm yết ngày đầu tiên biên độ mới của các ngân hàng cũng đều tăng mạnh.

Có một điểm đáng chú ý là trong những lần nới biên độ trước, tỷ giá bình quân liên ngân hàng cho ngày áp dụng đầu tiên thường giảm khá mạnh để “cân đối” tác động tức thời của chính sách. Nhưng lần này, tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữ nguyên mức 16.980 VND, theo đó, sức tăng từ biên độ mới được tiếp nối khá trọn vẹn. Tại các ngân hàng thương mại, giá USD bán ra vọt lên 17.700 VND theo ghi nhận từ Ngân hàng Nhà nước; trên thực tế, mức phổ biến là 17.780 VND.

Với phản ứng của thị trường trong ngày đầu, có thể tham chiếu một “suy diễn” khác. Theo gợi ý của lãnh đạo một ngân hàng kinh doanh ngoại hối hàng đầu trong hệ thống, căn cứ vào việc việc yết giá trong ngày đầu tiên đó có thể “đoán” được phần nào tình thế của đồng USD trong túi các ngân hàng.

Có thể thấy, hiện hầu hết các mức giá niêm yết đều không chạm trần biên độ cho phép (cách khoảng 50 VND), giá mua vào và bán ra cũng chênh lệch lớn (phổ biến 100 VND). Theo đó, có thể thấy, ngân hàng không mua vào bằng mọi giá như những đợt biến động trước đây khi đặt giá mua sát, thậm chí bằng giá bán ra; hoạt động bán ra cũng không căng thẳng đến mức ép hết khả năng của biên độ.

Diễn biến trên là bước đầu “làm quen” của các nhà băng với biên độ mới. Phía sau đó góp phần bổ sung thêm thông tin từ Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) về thực tế vốn khả dụng bằng ngoại tệ của hệ thống đang dồi dào (trong khuôn khổ thông tin trước thềm đợt phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ).

Ngoài ra, liên quan đến đợt phát hành trái phiếu ngoại tệ lần này, lượng cầu 760 triệu USD phiên 1, gần 500 triệu USD phiên 2 và kết quả chung cuộc cũng có thể là một yếu tố để tham chiếu cho thực lực vốn ngoại tệ của các ngân hàng hiện nay (đối tượng chủ yếu của đợt phát hành).

Trở lại với chính sách nới biên độ lần này, mức nới hẳn thêm +/-2% là một bước mạnh dạn hơn của Ngân hàng Nhà nước. Nhà điều hành lý giải rằng cơ sở chính là kinh tế vĩ mô quý 1 thuận lợi (lạm phát được kiểm soát, cán cân thương mại thặng dư…). Nhưng một yêu cầu chính là phải dồn mạnh hơn sức hỗ trợ cho xuất khẩu, khi nhiều mặt hàng trọng điểm đã sụt giảm mạnh trong quý 1.

Nhưng, khi nới rộng thêm, có một tham chiếu nhiều lo ngại khác cần xét đến, bên cạnh tác động từ giá hàng nhập khẩu tăng lên đối với lạm phát, là rủi ro tỷ giá.

Trong suốt một thời gian dài, đầu những năm 2000 đến 2007, mức tăng của tỷ giá USD/VND chỉ xoay quanh 1%. Nhưng năm 2008, tỷ lệ đó đột ngột lên 9% và đã phản ánh những cú sốc trong báo cáo giải trình kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Và nay, biên độ đã là +/-5%, là môi trường cho những thay đổi lớn hơn, có thể “sốc” mạnh hơn.

Thế nhưng, tuần qua, trong một chính sách khác, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại dừng thực hiện thí điểm nghiệp vụ option (quyền chọn) tiền đồng kể từ 23/3; đồng nghĩa với việc ngừng triển khai các công cụ phái sinh liên quan đến phòng ngừa, bảo hiểm rủi ro tỷ giá cho doanh nghiệp…