10:57 02/07/2008

"Nóng bỏng" chuyện nhân lực

Thùy Trang

Báo cáo thường niên của VCCI cho rằng vấn đề lao động và nguồn nhân lực hiện đang là vấn đề hết sức nóng đối với các doanh nghiệp

Ngân hàng là một trong những ngành đòi hỏi chất lượng lao động cao.
Ngân hàng là một trong những ngành đòi hỏi chất lượng lao động cao.
Ngày 1/7/2008, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố “Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam” với chủ đề “Lao động và phát triển nguồn nhân lực”.

Báo cáo cho rằng vấn đề lao động và nguồn nhân lực hiện đang là vấn đề hết sức nóng đối với các doanh nghiệp.

Ngoài những vấn đề chung liên quan đến môi trường kinh doanh 2007, phát triển doanh nghiệp Việt Nam năm 2007, đánh giá năng lực doanh nghiệp, báo cáo năm nay tập trung vào phân tích phát triển nguồn nhân lực của 6 ngành: dệt may, bảo hiểm, xây dựng, sản xuất thực phẩm, ngân hàng.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp cho biết: bản báo cáo năm nay chú trọng vào 6 ngành mũi nhọn do đây là những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất tác động của các vấn đề lao động và nguồn nhân lực.

“Do khuôn khổ của một báo cáo, chúng tôi không thể không thể bao quát hết 32 ngành kinh tế và căn cứ vào chủ đề năm mà chúng tôi tiếp cận tầm quan trọng của vấn đề đó đối với từng ngành một”, bà Hằng nói.

Báo cáo dựa trên 5 tiêu chí để chọn 6 ngành này, đó là: tổng số lao động phân theo ngành kinh tế, tăng trưởng lao động năm sau và năm trước; tốc độ tăng trưởng lao động phân theo ngành kinh tế; năng suất lao động; giá trị gia tăng tạo ra trên một lao động phân theo ngành kinh tế.

Thông qua các cuộc thăm dò, khảo sát và ý kiến từ các chuyên gia trong 6 ngành trên, báo cáo nhận định ngành dệt may là ngành chịu sức ép rất lớn vì giá trị gia tăng trong một sản phẩm thấp, thiếu nhiều chuyên gia quản trị.

Báo cáo cũng cho rằng ngành xây dựng đang thiếu các chuyên gia tư vấn thiết kế; ngành ngân hàng, bảo hiểm có sự giằng co nhân lực cao cấp do phải mở rộng mạng lưới các chi nhánh... Hay như ngành du lịch cũng vậy, khách du lịch tăng nhưng tỷ lệ lao động (cả trực tiếp lẫn gián tiếp) được đào tạo chuyên môn lại thấp ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ - một ngành có thể mang lại nguồn ngoại tệ lớn.

Theo kết quả báo cáo thu được, các doanh nghiệp nhỏ và vừa là khu vực mà vấn đề lao động đang ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả kinh doanh. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu tác động rất lớn của nguồn nhân lực vì khả năng thu hút nguồn nhân lực có tay nghề và trình độ cao của họ rất hạn chế, điều này thể hiện rất rõ ở các ngành.

Ví dụ như ngành bảo hiểm, trong khi nguồn nhân lực trong toàn ngành tăng thì nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại giảm. Trong quá trình phân tích, báo cáo phân loại rõ các vấn đề phát triển của doanh nghiệp tại doanh nghiệp lớn cũng như doanh nghiệp nhỏ, trong đó có vấn đề lao động và phát triển nguồn nhân lực. Đấy cũng là một khía cạnh cho thấy tác động của hội nhập trong vấn đề nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp Việt Nam.

Các doanh nghiệp FDI lại gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút lao động làm việc cho mình bởi một khía cạnh khác. Đó là vấn đề di cư lao động đang diễn ra khá phức tạp. Khả năng đáp ứng nhu cầu lao động có trình độ cho các doanh nghiệp FDI là khá khó khăn đối với các vùng kinh tế mà tại đó số doanh nghiệp FDI và dòng vốn FDI đổ vào khá lớn.

Trong khi đó đã có những tín hiệu báo động về sự dịch chuyển ngược của lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI ở khu vực Đông Nam Bộ và nhất là lao động có trình độ cao ra khỏi các doanh nghiệp FDI cùng với luồng bổ sung lao động rất hạn chế cho khu vực này.

Trên thực tế, Bình Dương, Đông Nam Bộ là hai vùng thu hút nhiều lao động nhất. Nhưng những vùng lãnh thổ thu hút nhiều FDI lại có lượng thất nghiệp lớn. Nghịch lý này cho thấy lao động ở địa phương chưa đáp ứng đủ điều kiện. Báo cáo cho biết: Bình Dương thu hút nhiều FDI nhưng lại có lượng công nhân có trình độ đáp ứng yêu cầu thấp nhất. Miền Duyên hải Nam Trung Bộ là có khả năng đáp ứng nhu cầu FDI.

Câu hỏi đặt ra là liệu năng lực hấp thụ vốn FDI của Việt Nam có thể đáp ứng được tốc độ tăng của vốn FDI cam kết. Các kết quả khảo sát của báo cáo cho thấy một tín hiệu đáng lo ngại về khả năng hấp thụ vốn FDI của Việt Nam nói chung và của các vùng kinh tế trọng điểm thu hút FDI nói riêng. Bởi khi không có lợi thế về vốn thì việc đánh mất lợi thế về nguồn nhân lực sẽ làm giảm sự thu hút của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.