08:53 27/12/2007

“Nóng bỏng” thị trường nghệ thuật 2007

Kiều Oanh

Sự phát triển bùng nổ của thị trường nghệ thuật dường như nổi bật trên bức màn u tối của thị trường tài chính Mỹ năm qua

Một tác phẩm được đấu giá tại Sotheby's.
Một tác phẩm được đấu giá tại Sotheby's.
Hoạt động mua bán các tác phẩm nghệ thuật trên thị trường thế giới đang diễn ra rất sôi động, bất chấp viễn cảnh không mấy tươi sáng của kinh tế Mỹ - đầu tàu của kinh tế thế giới.

Mùa bán đấu giá nghệ thuật tại New York năm nay chứng kiến sự tăng giá vùn vụt của các tác phẩm ở hầu hết các chủng loại, đặc biệt là các tác phẩm ra đời sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 và các tác phẩm đương đại. Dường như, cứ mỗi cuộc bán đấu giá diễn ra là lại có thêm những kỷ lục mới được thiết lập.

Vì sao dân kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật ăn nên làm ra đến vậy? Đồng USD yếu, của cải của thế giới tăng lên và những khách hàng mới đến từ những quốc gia trước đây còn xa lạ với cộng đồng sưu tập nghệ thuật là những lý do hàng đầu. Trong vòng 5 năm qua, các khách hàng giàu có từ Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông đã góp phần rất lớn trong việc “tiếp lửa” cho thị trường này.

Sự phát triển bùng nổ của thị trường nghệ thuật dường như nổi bật trên bức màn u tối của thị trường tài chính Mỹ năm qua. Những vị khách “sộp” nằm ngoài vùng ảnh hưởng của cơn bão tín dụng sẵn sàng chi tiền núi để mua những tác phẩm nghệ thuật mà họ “kết”.

Hồi tháng 5, một bức họa của Andy Warhol được bán với giá hơn 71 triệu USD trong một cuộc bán đấu giá thu về tổng số tiền xấp xỉ 385 triệu USD. Đến tháng 11, một bức họa của Matisse cũng đem lại 33,6 triệu USD trong một cuộc bán đấu giá với doanh số gần 400 triệu USD. Một bức tượng sư tử bằng đá vôi dài 3,25 inch cũng đã được bán với giá 57 triệu USD hồi đầu tháng vừa rồi.

Tuy nhiên, thị trường nghệ thuật không hoàn toàn “miễn nhiễm” với khủng hoảng. Lợi nhuận lắm cũng đồng nghĩa với rủi ro nhiều. Khi các cuộc bán đấu giá “xuôi chèo mát mái”, các nhà bán đấu giá hàng đầu như Sotheby’s có thể đạt doanh số hàng tỷ USD mỗi năm và mức lợi nhuận béo bở. Nhưng một khi tình hình không diễn ra đúng dự kiến, các nhà bán đấu giá này cũng phải “đau đầu”.

Nhà bán đấu giá Sotheby’s đã trải qua tháng 11 với doanh số ảm đạm. Trong phiên bán đấu giá tổ chức vào tháng này, bức họa Những cánh đồng của Van Gogh trước đó được dự báo sẽ bán với giá 28 đến 35 triệu USD đã không có người mua. Thêm vào đó, các tác phẩm khác đành phải bán với giá thấp hơn dự kiến.

Cổ phiếu của Sotheby’s đã mất giá 28% ngay trong ngày diễn ra buổi bán đấu giá này vì các nhà đầu tư lo ngại Sotheby’s đã cam kết đảm bảo trả mức giá quá cao cho chủ sở hữu của một tác phẩm nào đó trong trường hợp tác phẩm đó không bán được.

“Thị trường cho rằng, một số tác phẩm được đánh giá quá cao so với chất lượng thực của chúng”, Ian Peck, Giám đốc điều hành công ty tài chính nghệ thuật Art Capital Group, nhận xét. Ông cho biết, bức họa Những cánh đồng của Van Gogh sau đó đã được bán bí mật với giá chỉ 20 triệu USD.

Theo chuyên gia này, thông thường, cứ trong 8 tháng thì có 6 tháng thị trường nghệ thuật lên xuống cùng chiều với chỉ số Dow Jones và các hàn thử biểu khác của thị trường chứng khoán Mỹ, mà chứng khoán Mỹ thì đã diễn biến theo hình răng cưa, lên xuống mạnh trong suốt mùa hè qua. Tuy nhiên, ông vẫn lạc quan rằng, thị trường nghệ thuật sẽ dễ dàng vượt qua những khó khăn trên thị trường tài chính. Mặt khác, tính đến thời điểm này, doanh số của các nhà bán đấu giá cũng không giảm đi nhiều vì ảnh hưởng từ Phố Wall.

Mặc dù hầu hết các tác phẩm nghệ thuật của mọi thời kỳ đều được ưa thích, tác phẩm của các họa sỹ hiện đại như Warhol và Mark Rothko và các tác giả đương đại như Richard Prince và Damien Hirst đặc biệt “hút hàng”. Các “đại gia” dầu lửa Trung Đông rất chuộng các tác phẩm nghệ thuật hiện đại của các họa sỹ Mỹ như Keith Haring, Jean Michel Basquiat và Warhol. Các nhà sưu tập từ Nga và Trung Quốc cũng dành niềm đam mê không biên giới cho các tác phẩm nghệ thuật phương Tây. Nhờ vậy, giá của nhiều tác phẩm thuộc các trường phái này thậm chí đã tăng gấp 2, 3 lần trong năm qua.

Michael Moses, một chuyên gia về đầu tư vào các tác phẩm nghệ thuật, cho rằng, điều đáng ghi nhận trong năm qua là hoạt động mua bán các tác phẩm nghệ thuật đã diễn ra trên phạm vi rộng rãi hơn bao giờ hết, một phần vì, theo lời chuyên gia này, “chưa bao giờ lượng của cải được tạo ra trên khắp thế giới lại nhiều đến thế”.

Còn một chuyên gia tư vấn nghệ thuật có tên David Nash thì cho biết, hiện lúc nào cũng có nhiều người giàu có tìm mua các tác phẩm nghệ thuật, và dường như họ chẳng hề lo lắng gì về viễn cảnh kinh tế trong năm tới.

(Theo AP)