15:44 14/08/2008

“Nóng” đường dây nóng Ngân hàng Nhà nước

Văn Thành

Nhìn lại kết quả hoạt động của đường dây nóng Ngân hàng Nhà nước sau 1 tháng triển khai

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tăng cường trao đổi thông tin với doanh nghiệp, người dân trong thời gian tới.
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tăng cường trao đổi thông tin với doanh nghiệp, người dân trong thời gian tới.
Gần 2.000 thông tin phản ánh từ thị trường đến với đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước sau 1 tháng hoạt động.

Trước diễn biến phức tạp của thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối, từ ngày 1/7/2008, Ngân hàng Nhà nước đã thiết lập đường dây nóng tại 4 đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn Hà Nội và Tp.HCM để nắm bắt, xử lý kịp thời phản ánh, kiến nghị liên quan đến hoạt động của hệ thống.

Ngày 14/7, Ngân hàng Nhà nước đã có đánh giá sơ bộ về hoạt động của đường dây nóng này sau đúng 1 tháng hoạt động.

Trong tháng 7/2008, qua kênh này, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận gần 2.000 thông tin phản ánh, trong đó tập trung 15 ngày đầu tháng 7; từ nửa cuối tháng 7 đến nay, lượng thông tin phản ánh đã giảm dần.

Các thông tin phản ánh chủ yếu thuộc 3 nhóm chính:

Một là thông tin đề nghị Ngân hàng Nhà nước giải đáp thắc mắc và hướng dẫn các vấn đề liên quan đến các giao dịch giữa khách hàng và tổ chức tín dụng, trong đó tập trung chủ yếu vào quan hệ trong giao dịch tín dụng, ngoại hối, như vấn đề lãi suất, cho vay, gửi tiết kiệm, mua bán ngoại tệ, thu phí…

Đây là nhóm chiếm khoảng 85% lượng thông tin phản ánh. Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ đó cho thấy hiểu biết của người dân và doanh nghiệp đối với pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng hiện vẫn còn khá hạn chế.

Nhóm thứ hai là phản ánh các hành vi sai phạm của các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện các quy định về lãi suất, tỷ giá, tín dụng, ngoại hối…; chiếm hơn 10%.

Một điểm đáng chú ý ở nhóm thông tin này là có khá nhiều trường hợp phản ánh giấu tên và không cung cấp cụ thể, đầy đủ bằng chứng. “Điều này cho thấy nhiều khách hàng không muốn làm ảnh hưởng đến mối quan hệ với tổ chức tín dụng do phải phụ thuộc vào tổ chức tín dụng trong quan hệ tín dụng, mua bán ngoại tệ, thanh toán…”, Ngân hàng Nhà nước đánh giá.

Nhóm thông tin thứ ba là những đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước một số vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, như quy chế cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, giảm lãi suất cơ bản, có chính sách quản lý giá vàng và các sàn giao dịch vàng.

Với những thông tin trên, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý theo hướng giải đáp, hướng dẫn người phản ánh thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành; cử cán bộ hoặc tổ công tác trực tiếp đi xác minh đối với những sự việc có dấu hiệu sai phạm qua phản ánh; chuyển cho các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xử lý đối với những ý kiến đóng góp liên quan đến cơ chế, chính sách.

Liên quan đến các hành vi sai phạm của tổ chức tín dụng, các thông tin phản ánh cho thấy phần lớn có ở hoạt động cho vay với lãi suất cao hơn mức lãi suất tối đa quy định, thu phí hoạt động tín dụng, yêu cầu khách hàng vay ký quỹ, bán ngoại tệ với tỷ giá cao hơn quy định, thu phí bán ngoại tệ…

Trên cơ sở những bằng chứng cụ thể mà người phản ánh cung cấp, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã kiểm tra, xác minh và xử lý một số vụ việc cụ thể, trong đó đã yêu cầu tổng giám đốc một số ngân hàng thương mại xử lý các cán bộ có sai phạm.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu cách chức Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Quốc tế Tp.HCM; cách chức 5 cán bộ Ngân hàng Kỹ Thương, gồm Giám đốc chi nhánh Tp.HCM, Trưởng phòng Giao dịch Lê Đức Thọ, Phó trưởng phòng Giao dịch Thủ Đức, 2 cán bộ lãnh đạo chi nhánh Nghệ An và cảnh cáo 2 cán bộ chi nhánh Nghệ An; kiểm điểm Giám đốc tiền nhiệm chi nhánh Sài Gòn, miễn nhiệm chức danh Trưởng phòng giao dịch Tân Định của Ngân hàng Sài Gòn Thương tín; xử lý kỷ luật đối với Ban lãnh đạo và cán bộ liên quan tại chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Xuân...

Theo Ngân hàng Nhà nước, về cơ bản, các tổ chức tín dụng đã chấp hành nghiêm túc yêu cầu xử lý , nhất là vấn đề xử lý cán bộ có sai phạm. Đến nay, còn một số vụ việc sai phạm của tổ chức tín dụng đang được cơ quan này kiểm tra, xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định hiện hành.

Ngoài việc trực tiếp kiểm tra, xử lý các sai phạm của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước còn yêu cầu tổng giám đốc các ngân hàng tự kiểm tra, xử lý một số phản ánh của khách hàng, như: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Á châu, Ngân hàng Quốc tế, Ngân hàng Ngoài quốc doanh, Ngân hàng Xuất nhập khẩu, Ngân hàng Quân đội…

Tuy nhiên, đến thời điểm này đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp nhận một số thông tin phản ánh việc tổ chức tín dụng chưa chấp hành nghiêm túc các quy định, như điều chỉnh lãi suất cho vay của các hợp đồng đã ký cao hơn quy định, thu phí ngoài lãi suất cho vay.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới, việc tiếp nhận và xử lý thông tin qua đường dây nóng sẽ vẫn được chú trọng duy trì, đảm bảo kênh thông tin này tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần tích cực hơn vào mục tiêu phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững hệ thống ngân hàng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người dân trong quan hệ với tổ chức tín dụng.