Nữ sáng lập của startup công nghệ tỷ USD duy nhất tại Australia
Với tham vọng tạo ra một công cụ đồ hoạ "đơn giản, trực tuyến và hiệu quả", Melanie Perkins phát triển Canva dành cho những người "sợ Photoshop"
Sau khi huy động 40 triệu USD trong vòng gọi vốn mới đây, Canva trở thành startup kỳ lân trong lĩnh vực công nghệ (định giá 1 tỷ USD) đầu tiên của Australia, sau 5 năm được thành lập bởi Melanie Perkins - một cựu gia sư thiết kế đồ hoạ.
Công cụ cho người "sợ Photoshop"
Năm 2013, Melanie Perkins, khi đó 24 tuổi, ra mắt Canva như một "công cụ Photoshop dành cho những người sợ phiên bản Photoshop trực tuyến", nhằm giúp mọi đối tượng dễ dàng tạo ra những sản phẩm thiết đồ hoạ có tính trực quan cao.
Melanie Perkins, 29 tuổi, đồng sáng lập, CEO của Canva - Ảnh: Australia Unlimited.
Đến nay, Canva đã phát triển thành công cụ thiết kế đồ hoạ trực tuyến có hơn 10 triệu người dùng, bằng 100 ngôn ngữ tại 190 quốc gia trên thế giới. Mỗi ngày, người dùng Canva tạo ra hơn 1 triệu thiết kế mới.
80% công ty trong nhóm Fortune 500 (500 doanh nghiệp lớn nhất tại Mỹ) và khoảng 170.000 tổ chức phi lợi nhuận đang sử dụng Canva ở mức độ nào đó, Perkins - hiện là CEO của công ty cho biết.
"Truyền thông trực quan đang ngày càng trở nên phổ biến tại tất các lĩnh vực", Melanie Perkins nói với trang Tech in Asia. "Trước đây, nhân viên bán hàng thường tạo ra những bức thư dày đặc chữ. Giờ đây họ có thể tạo ra hình ảnh đẹp mắt, mang tính trực quan cao và dễ dàng tuỳ chỉnh theo ý muốn của khách hàng".
Perkins cho rằng xu hướng chuyển sang trực quan hoá cũng sẽ được ứng dụng bởi các giáo viên, doanh nhân, nhà tiếp thị, tổ chức phi lợi nhuận… Đó là lý do cô muốn tạo ra một công cụ khác biệt so với những ứng dụng nặng tính thiết kế đồ hoạ.
Giao diện thiết kế của Canva - Ảnh: Canva.
"Đơn giản, trực tuyến và hiệu quả" là 3 yếu tố được Perkins đặt lên hàng đầu khi phát triển Canva trên cả phiên bản máy tính lẫn ứng dụng trên thiết bị di động. Perkins cho biết bất kỳ ai cũng có thể biết cách dùng Canvas chỉ trong 23 giây.
Hiện tại, dù Canvas được miễn phí một phần, một số tính năng (như tương tác với đội ngũ phát triển) yêu cầu người dùng phải trả phí. Startup này cũng kiếm tiền từ các sản phẩm đi kèm như kho hình ảnh có sẵn cũng như dịch vụ in tại 31 quốc gia trên thế giới và đã bắt đầu sinh lời.
"Đây không phải điều thường thấy ở phần lớn startup công nghệ ở thung lũng Silicon", Perkins cho biết. "Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn nhiều điều phải làm. Chúng tôi mới chỉ là một startup kỳ lân nhỏ và đang trong giai đoạn đầu phát triển".
Hành trình tìm kiếm đầu tư 3 năm dài
Tốt nghiệp ngành quản trị marketing và từng làm gia sư thiết kế đồ hoạ, Perkins đã mất nhiều năm để kêu gọi vốn cho mô hình startup của mình trước khi ra mắt Canva vào tháng 8/2013.
"Tôi đã gặp vô số thử thách và mất nhiều thời gian để thu hút nhà đầu tư tại thung lũng Silicon cũng như tìm thành viên cho startup của mình. Và tôi đã bị từ chối rất nhiều lần", Perkins nhớ lại.
Perkins đã từng phải sống trên sàn nhà căn hộ của anh trai tại San Francisco trong chuyến đi 3 tháng tới Thung lũng Silicon để tìm kiếm nhà đầu tư. Vào ban ngày, cô dùng wifi miễn phí tại khu ăn uống của một trung tâm mua sắm. Khi đó, Perkins đã thực hiện khoảng 100 cuộc gặp với các nhà đầu tư nhưng tất cả đều từ chối rót tiền cho Canva.
"Tôi đã mất 3 năm mới gặp được nhà đầu tư đầu tiên thực sự chịu rót vốn cho startup của mình", Perkins cho biết.
Văn phòng của Canva tại Australia - Ảnh: Canva.
Trải qua nhiều áp lực ban đầu tư các nhà đầu tư Mỹ trong việc mở rộng quốc tế, hiện Canva có 250 nhân viên làm việc tại các chi nhánh ở Sydney và Manila (Philippines).
"Hoạt động tại Australia có nhiều lợi ích đáng kinh ngạc. Canva có thể tận dụng những điều kiện tốt nhất ở cả Mỹ và Australia. Chúng tôi có các nhà đầu tư từ Thung lũng Silicon và có thể khai thác mạng lưới của họ", Perkins nói.
Lần gọi vốn mới đây đánh dấu vụ đầu tư đầu tiên của quỹ Sequoia Capital (Mỹ) vào Canva. Dẫn đầu vòng gọi vốn này là quỹ đầu tư Blackbird Ventures của Australia.
Lời khuyên của Perkins cho những người ấp ủ thành lập startup là đừng trông mong vào "thành công chớp nhoáng". Việc phát triển một công ty đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. "Bị từ chối là một phần của quá trình đó", Perkins nói.