07:22 24/03/2011

Nước cờ mới của Eximbank

Minh Đức

Những thay đổi nhanh về các chỉ số tài chính cơ bản của Eximbank được lý giải từ nước cờ mới

Ông Trương Văn Phước.
Ông Trương Văn Phước.
Ngày 20/10/2009, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) công bố bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Điểm lại, những dữ liệu xây dựng trong bản cáo bạch đó đến nay đã có những thay đổi bất ngờ.

Theo cách nói của ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, đó là kết quả từ những nước cờ mới ứng xử với chính sách và sự vận động của thị trường.

Thưa ông, tại bản cáo bạch đó, Eximbank dự kiến sẽ đạt tổng tài sản 130.000 tỷ đồng trong năm 2011, nhưng kết thúc năm 2010 đã đạt tới 134.000 tỷ đồng. Ông giải thích thế nào về tốc độ này? Nên hiểu như thế nào về giá trị của sự tăng trưởng đó?

Eximbank có một lịch sử hình thành và phát triển trên 21 năm với bao thăng trầm, dâu bể. Nhiều ngân hàng ra đời sau Eximbank một thời gian khá lâu đã có những bước phát triển rất ấn tượng. Họ có quy mô tổng tài sản lớn, vốn huy động cao, dư nợ nhiều, vốn chủ sở hữu tăng nhanh, được niêm yết trên thị trường chứng khoán trước chúng tôi thời gian khá dài.

Khi công bố bản cáo bạch niêm yết đó thì tổng tài sản Eximbank đạt mức 65.862 tỷ đồng. Với tốc độ tăng trưởng phấn đấu bình quân khoảng 50%/năm, chúng tôi dự kiến tổng tài sản cuối năm 2011 là 130.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên trong năm 2010, có những thay đổi trong chính sách tiền tệ, nổi bật là việc bỏ trần lãi suất cho vay. Eximbank là một trong những ngân hàng tuân thủ nghiêm quy định về trần lãi suất cho vay nên rất khó phát triển tín dụng vì lúc đó chi phí huy động vốn đã khá cao, có thể nói càng cho vay nhiều càng kém hiệu quả. Không cho vay ra được đồng nghĩa với việc hạn chế huy động vốn. Rất may là việc bỏ trần lãi suất cho vay đầu quý 2/2010 đã mở ra cơ hội tăng dư nợ và tăng huy động vốn.

Là một ngân hàng cổ phần có vốn chủ sở hữu nằm trong tốp đầu của hệ thống ngân hàng Việt Nam, việc tăng huy động vốn để tăng cho vay vẫn đảm bảo được các yêu cầu về an toàn vốn và thanh khoản. Do đó, tổng tài sản tăng lên là hệ quả của nhân tố này.

Nhân tố thứ hai đóng góp cho tăng tổng tài sản là hoạt động trên thị trường liên ngân hàng. Các năm trước đây dư nợ thường không vượt quá 60% tài sản có. Phần vốn còn lại Eximbank tham gia thị trường liên ngân hàng với tư cách là người cho vay. Khi dư nợ tăng lên vượt qua mức 60% tài sản có thì Eximbank ngoài việc cho vay, lại còn là ngân hàng nhận gửi các nguồn vốn trên thị trường này. Đây là một nghiệp vụ truyền thống trên thị trường tiền tệ (money market).

Ngoài ra, là một ngân hàng chuyên sâu về tài trợ xuất nhập khẩu, trong năm 2010 Eximbank còn nhận được các nguồn vốn tài trợ cho “trade finance” từ hệ thống các ngân hàng đại lý... Những nhân tố đó đã tạo ra sự đột biến của tổng tài sản.

Sự tăng trưởng nhanh của tổng tài sản luôn chịu các ràng buộc rất khắc nghiệt trong quá trình kinh doanh. Chẳng hạn như yêu cầu về lợi nhuận tăng cao, niềm tin của khách hàng vào ngân hàng, chất lượng của tài sản có, các yêu cầu về thanh khoản... Điều đó nói lên rằng uy tín của ngân hàng đã được tăng cao.

Tại Eximbank, tỷ lệ an toàn vốn từng có trên 30% trong năm 2009 nhưng đã xuống còn khoảng 20% trong năm 2010 và dự kiến chỉ còn 15% trong năm nay. Đã đành hệ số này cao đi với yếu tố an toàn trong hoạt động, nhưng cũng ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn. Ông nói gì về xu hướng giảm khá nhanh đó?

Quy định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của Ngân hàng Nhà nước là 9%, nhưng đối với Eximbank như đã nói, do vốn chủ sở hữu lớn và dư nợ tăng chậm các năm trước đưa đến hệ số này rất cao.

Dù tiếp cận cách này hay cách khác thì các ngân hàng thương mại về bản chất là đi huy động vốn để cho vay. Sử dụng vốn cho tín dụng thấp thì mất đi nguồn lực lẽ ra phải có để cung ứng cho nền kinh tế. Nhưng chất lượng tín dụng lại là yếu tố quyết định cho tốc độ tăng trưởng tín dụng. Cho vay nhiều mà nợ xấu cao thì cuối cùng tín dụng phải kiềm chế lại để củng cố chất lượng. Trong quá khứ Eximbank từng rơi vào tình huống đó.

Mấy năm qua, chúng tôi đã kiên trì với quan điểm coi trọng trước hết là chất lượng tín dụng. Từ đó, việc tăng dư nợ lên đã đưa tỷ lệ an toàn vốn giảm xuống tới mức như hiện nay, nhưng thực sự vẫn còn khá cao so với yêu cầu. Chất lượng đi trước, dư nợ theo sau sẽ quyết định cho xu hướng biến thiên của hệ số an toàn này.

Đi cùng với những chuyển động trên, Eximbank có sự cải thiện nhanh ở chỉ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE), từ 8,41% trong năm 2009 lên khoảng 13% năm 2010 và chỉ tiêu tăng mạnh lên 17% năm 2011. Ông nói gì về sự cải thiện này, nhất là tốc độ tăng vốn trong thời gian qua khá mạnh?

Bao giờ cũng vậy, vốn chủ sở hữu tăng nhanh thì tạo áp lực lớn lên cổ tức, tạo áp lực lên chỉ số ROE. Eximbank tăng vốn nhanh trong các năm 2008, 2009 trong khi tổng tài sản chưa tăng kịp tương ứng nên ROE thấp. Điều này chúng tôi đã giải thích với cổ đông nhiều lần.

Qua năm 2010, tổng tài sản tăng nhanh, vốn chủ sở hữu ổn định nên ROE đã tăng lên khá cao. Đương nhiên chất lượng tài sản có, và các nguồn thu dịch vụ trên nền đa dạng hóa các sản phẩm mới là nhân tố quyết định cho ROE.

Chúng tôi tin rằng ROE năm nay đạt 17% là rất hiện thực.

Những chuyển biến của các chỉ số tài chính của Eximbank những năm gần đây đặt trong bối cảnh của nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng có nhiều khó khăn. Ông có thể giải thích về điều này?

Thì phải đổi mới, linh hoạt, uyển chuyển mà thôi. Thực ra không chỉ ở thế giới, hoạt động ngân hàng ở Việt Nam cũng rất khó khăn. Mà không khó khăn sao được khi kinh tế thế giới chao đảo, kinh tế nước ta cũng chịu tác động nhiều.

Người dân, doanh nghiệp đều kêu khó. Sau khủng hoảng, có vẻ như lạm phát là căn bệnh lây lan từ nền kinh tế này sang nền kinh tế khác. Độ mở của nền kinh tế Việt Nam cũng đã khá lớn rồi. Giá xăng dầu, lương thực... ở trên thế giới tăng cao tác động đến Việt Nam cũng lớn. Lạm phát cao thì lãi suất phải tăng lên thôi. Lãi suất cao cũng truyền dẫn trở lại vào trong lạm phát. Cái vòng lẫn quẩn này tạo cho đời sống kinh tế nhiều khó khăn.

Eximbank phải tìm một lối đi thích hợp xem như thực hiện một yêu cầu của quy luật sống còn. Đa dạng hóa sản phẩm, song hành với hoạt động ngân hàng cho doanh nghiệp (corporate banking), thì triển khai áp dụng dịch vụ ngân hàng bán lẻ (retail banking), phát triển mạng lưới, nâng cao năng lực quản trị điều hành, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ nhân viên...

Với năm 2011, lạm phát cao xuất hiện, chính sách tiền tệ thắt chặt, hoạt động ngân hàng sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Với Eximbank thì sao?

Thì cũng phải chịu khó khăn chung. Nhưng phải kiên cường. Không chịu lùi bước. Bây giờ làm ngân hàng cũng giống như đánh cờ tướng vậy. Chính sách đi một nước, mình đi lại một nước. Nhưng xe, pháo, mã... phải đi đúng luật đánh cờ.

Làm ngân hàng bây giờ cũng như cậu học trò giải một bài toán khó. Tìm hết công thức này, định lý nọ áp vào xem nó có đường ra không. Nói chung là khó khăn, phức tạp. Nhưng cũng hấp dẫn, thách thức.

Nói đạo đức kinh doanh thì sách vở quá. Nhưng môi trường bây giờ cần yếu tố trừu tượng đó. Mọi người khó khăn, ngân hàng cần chia sẻ. Và tôi nghĩ cổ đông cũng cần chia sẻ với ngân hàng.