08:12 18/02/2008

Nước Mỹ: Ông chủ hay kẻ làm thuê?

Kiều Oanh

Lượng tài sản mà nước Mỹ “sang tay” cho các nhà đầu tư nước ngoài đang tăng lên mạnh mẽ, khiến nhiều người cảm thấy lo ngại

Nhiều ý kiến cho rằng, có ngày, nước Mỹ sẽ bị "bán" trọn cho giới đầu tư nước ngoài.
Nhiều ý kiến cho rằng, có ngày, nước Mỹ sẽ bị "bán" trọn cho giới đầu tư nước ngoài.
Lượng tài sản mà nước Mỹ “sang tay” cho các nhà đầu tư nước ngoài đang tăng lên mạnh mẽ, khiến nhiều người cảm thấy lo ngại.

Lượng vốn khổng lồ mà các nhà đầu tư ngoại đổ vào để mua cổ phần trong các tập đoàn tài chính lớn của Mỹ, như Citigroup, Merrill Lynch và Morgan Stanley, nhân cơ hội các ngân hàng này “điêu đứng” vì khủng hoảng tín dụng là một bằng chứng cho thấy rõ về những gì sẽ diễn ra trong năm 2008 này.

Các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ lợi ích quốc gia từ các nước “lắm tiền nhiều của” như Kuwait và Singapore, sẽ tiếp tục là chủ đề chính của các tờ báo, khi mà họ sẽ còn tiếp tục “nuốt gọn” từng “miếng bánh” tài sản của các tập đoàn Mỹ.

Và xu hướng này được dự báo là sẽ còn lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác thay vì chỉ là đơn thuần đầu tư vào các tập đoàn tài chính Mỹ khẩn thiết muốn được “tiếp sức” thời gian qua.

Vấn đề cần bàn tới ở đây là đâu là nguyên nhân cốt lõi dẫn tới xu hướng này, và tại sao đây là một xu hướng đáng lo ngại hơn nhiều so với những gì mà mọi người vẫn nghĩ?

Ồ ạt mua tài sản Mỹ, vì sao?

Những thỏa thuận mua lại đã là một chủ đề “nóng” thậm chí cả trước khi các ngân hàng Mỹ cầu viện sự trợ giúp từ bên ngoài. Năm ngoái, lượng tiền mà các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào việc “mua sắm” các doanh nghiệp Mỹ là một con số kỷ lục lên tới 414 tỷ USD. Một lý do dễ hiểu và cũng rất quan trọng để giải thích cho xu hướng này là đồng USD đang mất giá mạnh mẽ, khiến các tài sản mang quốc tịch Mỹ trở thành “món hời”.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Nhiều trong số những vụ giao dịch lớn là của các nhà đầu tư châu Á hoặc Trung Đông, vốn đã có sẵn trong tay một lượng tài sản lớn bằng đồng USD. Do đó việc USD mất giá cũng khiến những “đại gia này” chẳng có lợi gì. Thêm vào đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp Mỹ đã liên tục xác lập những mức giá kỷ lục trong phần lớn thời gian của năm ngoái. Vậy nên, đầu tư vào các công ty này cũng không hoàn toàn là “béo bở”.

Vậy tại sao các nhà đầu tư này lại sốt sắng quá như vậy?

Phần nổi của tảng băng chìm là câu chuyện của một thập kỷ trước đây, khi các doanh nghiệp Mỹ mua lại cổ phần trong các doanh nghiệp ở các quốc gia khác nhiều hơn là những gì mà giới đầu tư ngoài biên giới nước Mỹ mua tại quốc gia này.

Kể từ thập niên 1970, nước Mỹ đã liên tục gánh chịu thâm hụt thương mại, nhưng đến cuối thập niên 1990, mức thâm hụt này bắt đầu “cất cánh” và tăng như tên lửa bay lên kể từ đó.

Tất cả những đồng USD mà các công ty Mỹ đầu tư ra bên ngoài trên thực tế rốt cục đã trở lại với nước Mỹ. Một phần trong số đó là để mua hàng hóa và dịch vụ của các công ty Mỹ cung cấp, và phần còn lại tương đương với khoản thâm hụt thương mại được dành vào việc đầu tư. Trong vòng nhiều năm, những khoản đầu tư này tập trung chủ yếu vào trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Nhưng sau đó, các nhà đầu tư nước ngoài, lúc này đã nắm trong tay hàng tấn trái phiếu nước ngoài, bắt đầu cảm thấy lo lắng. Họ nhận ra rằng, chính phủ của nước nợ rất có thể sẽ làm giảm gánh nặng nợ nần này bằng cách làm cho đồng tiền mất giá, khiến lượng trái phiếu mà các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ giảm giá trị. Do đó, các chủ nợ nước ngoài đã chuyển sang đề phòng bằng cách trực tiếp mua tài sản tại chính nước “con nợ”.

Đó chính là những gì đang diễn ra ở nước Mỹ ngày nay, và chúng ta có thể dự báo xu hướng này còn tiếp tục dâng cao vì hai lý do.

Trước hết, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất sẽ làm tăng áp lực lạm phát, khiến các chủ nợ nước ngoài càng thêm hoảng sợ và ồ ạt chuyển vốn sang cổ phần của các công ty Mỹ. Thứ hai, thâm hụt thương mại của Mỹ vẫn đang ở mức khổng lồ, có khả năng vượt qua mốc 700 tỷ USD trong năm nay, và số tiền này sẽ quay trở lại nước Mỹ với tư cách là những khoản đầu tư.

Nước Mỹ “làm công ăn lương”?

Tình hình cũng không hẳn là xấu khi các nhà đầu tư nước ngoài “ôm” một lượng lớn cổ phần trong các doanh nghiệp Mỹ. Những ngân hàng đang ốm yếu của Phố Wall chắc chắn cần được bơm thêm vốn. Ngoài ra, những khoản đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp Mỹ cũng giúp làm củng cố niềm tin vào kinh tế Mỹ và tạo ra hàng ngàn việc làm cho người dân ở nước này.

Nhưng xét ở một góc độ khác, đây là một vấn đề đáng lo ngại, nhất là vào lúc này. Theo Cục Phân tích Kinh tế Mỹ, lượng tài sản bao gồm chứng khoán, trái phiếu, bất động sản… mà các nhà đầu tư Mỹ mua vào từ các nước khác hiện thấp hơn nhiều so với những gì mà các nhà đầu tư nước ngoài “sưu tập” ở nước Mỹ. Và con số chênh lệch này tính đến hết năm 2006 là 2.600 tỷ USD. Chắc chắn, tính đến hết năm ngoái, con số này còn lớn hơn rất nhiều.

Lượng vốn đầu tư nước ngoài vào các tài sản Mỹ đang tăng lên rất nhanh chóng, đồng nghĩa với việc các nước Mỹ phải trả ngày càng nhiều hơn lãi suất và cổ tức cho các chủ nợ và cổ đông nước ngoài. Và như thế, những nhà đầu tư này càng có nhiều tiền để mua tài sản của Mỹ, và lại có thêm nhiều tiền lãi và cổ tức…

Ảnh hưởng này sẽ chỉ ở một mức độ hạn chế nếu mức độ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài là thấp, nhưng hiện nay, mức độ ảnh hưởng này đang trở nên mỗi lúc một lớn hơn và ngày càng khó để có thể đảo chiều. Hậu quả của xu hướng này thật u ám: Đến một lúc nào đó, nước Mỹ sẽ không còn là ông chủ nữa mà sẽ chỉ là một kẻ làm công ăn lương. Ông trùm đầu tư nổi tiếng Warren Buffett đã từng nói, một quốc gia đi quá xa theo con đường này sẽ “trở thành “thuộc địa” thay vì ở vị trí thống lĩnh”.

Và đó là điều tất yếu. Để tránh được cái đích đáng buồn đó, dân Mỹ có lẽ chỉ còn cách tiết kiệm nhiều hơn, chi tiêu ít đi. Một đồng USD yếu cũng sẽ góp phần giúp nước Mỹ đảo ngược tình thế. Nhưng chỉ cần một ngày người Mỹ còn chưa làm được những việc này, cái hố mà họ đã lỡ sa chân vào sẽ chỉ càng sâu thêm.

(Theo Fortune)