17:12 26/04/2010

Nước Mỹ và cuộc chiến trường kỳ chống bạc giả

Kiều Oanh

Điểm lại cuộc chiến kiểu “mèo vờn chuột” giữa Washington và những kẻ in bạc giả

Đại diện Bộ Tài chính Mỹ giới thiệu tờ 100 USD mới tại Washington, ngày 21/4 - Ảnh: Reuters.
Đại diện Bộ Tài chính Mỹ giới thiệu tờ 100 USD mới tại Washington, ngày 21/4 - Ảnh: Reuters.
Tờ 100 USD mới được giới thiệu của Mỹ được xem là nỗ lực lớn nhất từ trước tới nay của Chính phủ nước này nhằm chống lại nạn tiền giả. Mới đây, trên tờ Wall Street Journal, giáo sư sử học Stephen Mihm thuộc Đại học Georgia (Mỹ) đã điểm lại cuộc chiến kiểu “mèo vờn chuột” giữa Washington và những kẻ in bạc giả.

Vào năm 1690, chính quyền thuộc địa tại vùng Massachusetts của Mỹ lần đầu tiên thực hiện việc in tiền giấy. Chẳng bao lâu sau đó, những đồng bạc giả đầu tiên cũng ra đời. Để chống lại loại hình tội phạm này, các nhà chức trách đã áp dụng nhiều hình phạt đáng sợ như xẻo tai, treo cổ… đối với những kẻ dám cả gan in giả tiền. Về sau, nhiều tờ tiền của chính quyền thuộc địa đã được in dòng chữ cảnh báo: “Làm giả tiền đáng tội chết”.

Trở lại thời hiện tại, mới đây, Chính phủ Mỹ đã chính thức giới thiệu tờ 100 USD mới với công nghệ tối tân với hy vọng sẽ khiến giới tội phạm bạc giả “bó tay”. Giống như tờ 100 USD, cũ, đồng tiền mới này vẫn mang hình Benjamin Franklin - một trong những “khai quốc công thần” của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, cũng được in bằng những màu sắc dịu mắt, và chứa hình ảnh của một cây bút và một lọ mực bên trong có quả chuông ẩn hiện tùy theo góc nhìn.

Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất của tờ 100 USD mới là một sợi đai an ninh màu tía chạy dọc tờ bạc, gồm hình ảnh xen kẽ của những cón số 100 và những quả chuông. Những con số và quả chuông này trông như có sự di chuyển khi đồng bạc được nghiêng từ góc này sang góc khác.

Với tổng mệnh giá trên 500 tỷ USD đang được lưu hành trên thế giới, tờ 100 USD cũ đã thu hút sự chú ý đặc biệt của các tổ chức in bạc giả mà phần lớn đều là những tổ chức tội phạm tinh vi có tổ chức cao. Thêm vào đó, có một số bằng chứng cho thấy có mối liên hệ giữa những tờ bạc giả “thật” nhất và nguy hiểm nhất với một số chính phủ nước ngoài. Chính những mối đe dọa này đã thúc đẩy Chính phủ Mỹ đi tới thiết kế một đồng 100 USD mới với công nghệ hiện đại.

Nhưng nếu lịch sử lặp lại, thì những nỗ lực này của Chính phủ Mỹ chắc cũng sẽ không vô hiệu hóa được giới tội phạm tiền giả quá lâu. Lĩnh vực tiền giấy của Mỹ từ lâu đã đi theo lối mòn: thiết kế mới, tiền mới, và rốt cục lại là tiền giả mới.

Việc sử dụng chân dung chính trị gia Benjamin Franklin trên tờ USD có mệnh giá lớn nhất đang được lưu hành là điều dễ hiểu. Franklin chính là người thiết kế đồng tiền đầu tiên của nước Mỹ - tờ Đô la Continental được phát hành thời Cách mạng Mỹ để trang trải cho các chi phí của cuộc chiến. Không đưa hình ảnh của mình hay bất kỳ ai vào tờ tiền này, Franklin đã sử dụng một cách thức chống bạc giả khá đặc biệt mà ông nghĩ ra từ nhiều năm trước đó.

Sử dụng hình của một hoặc vài chiếc lá, cách chống tiền giả này của Franklin mang hơi hướng thiên nhiên nhưng cũng rất hợp lý. Franklin đã phết thạch cao lên bề mặt của một chiếc lá để lấy hình in của chiếc lá đó, rồi đổ chì lỏng lên miếng thạch cao đó để đúc khuôn sử dụng cho việc in tiền. Vì mỗi chiếc lá đều có hình dạng khác nhau, tùy thuộc vào mạng lưới và độ dày gân lá, nên tờ bạc được in hình lá rất khó bị làm giả.

Những kẻ làm giả tờ 100 Đô la Continental do Franklin thiết kế không phải vì tiền, mà nhằm phá hoại cuộc chiến giành độc lập của nước Mỹ từ thực dân Anh. Vào năm 1776, sau khi quân Anh chiếm thành phố New York, giới kinh doanh bạc giả với các cửa hiệu sẵn có bắt đầu hoạt động dưới sự giảm sát của chính quyền thuộc địa. Một khối lượng khổng lồ bạc giả đã được in ra từ những cửa hiệu này. Khách hàng chỉ cần bỏ ra vài xu tiền thật là có thể mua được một lượng lớn tiền giả và dùng để trao đổi với những người cả tin thuộc "phe" cách mạng.

Thực ra, không phải người Anh đã phát minh ra ý tưởng dùng tiền giả như một một thứ vũ khí chiến tranh, mà đây là một chiến thuật có từ thời cổ đại. Tuy nhiên, những nhà cách mạng Mỹ khi đó đã xem đây là một chiến thuật tột cùng của sự “tiểu nhân”. Trao đổi trong thư từ bí mật, George Washington đã giận dữ khi nói rằng “kẻ thù chẳng từ một thủ đoạn nào để tấn công chúng ta”.

Một nhà cách mạng khác là Thomas Paine thậm chí còn giận dữ hơn khi viết một lá thư ngỏ gửi tới chỉ huy quân Anh, trong đó dùng những lời lẽ chỉ trích thậm tệ hành vi làm giả đồng Đô la Continential. “Ngài đã vinh hạnh bổ sung một trò ma quỷ nữa vào sách vở quân sự. Và có lẽ, phát minh này xứng đáng với ngài là bởi vì, không một vị tướng nào đủ ti tiện đến mức nghĩ đến nó”, Paine viết.

Chất lượng của những tờ bạc giả mà người Anh in ra đã bào mòn mức độ tin cậy vào đồng Đô la Continental, nhưng chính việc các nhà cách mạng Hoa Kỳ ồ ạt in tiền để trang trải chi phí chiến tranh mới là lý do thực sự khiến đồng tiền này suy yếu. Không được đảm bảo bằng bất kỳ thứ gì ngoài niềm tin mong manh vào chính quyền cách mạng, đồng tiền này mất giá mạnh tới mức trở nên gần như vô giá trị. Sự mất giá này đã khiến người Mỹ xem tiền giấy, gồm cả tiền thật lẫn tiền giả, là một nỗi sợ hãi.

Hiến pháp Mỹ đã ra đời để trấn áp những nỗi sợ như vậy. Các điều khoản về đồng tiền trong Hiến pháp không cho phép các tiểu bang phát hành tiền giấy hoặc tiền xu, mặc dù cho phép Chính phủ Liên bang đúc tiền. Bản Hiến pháp tuyệt nhiên không đề cập tới vấn đề liệu Chính phủ Liên bang có được in tiền giấy hay không, nhưng phần lớn mọi người đều cho rằng Chính phủ không có quyền này.

Tuy nhiên, nhờ các ngân hàng tư nhân chịu sự kiểm soát của pháp luật tiểu bang, tiền giấy đã phát triển như nấm mọc sau mưa ở Mỹ thời kỳ đó. Các ngân hàng này bắt đầu phát hành tiền giấy của riêng họ với mệnh giá và thiết kế do họ tự quyết định. Hàng ngàn loại “giấy tờ nhà băng” trôi nổi trong lưu thông, chẳng loại nào có thiết kế giống loại nào.

Benjamin Franklin và các nhà lập quốc khác của Mỹ xuất hiện trên một số tờ bạc, trong khi những tờ bạc khác có in đủ thứ hình, từ chân dung không rõ ràng của các chính trị gia, các vị thần Hy lạp và La Mã, hình phụ nữ, nô lệ người da đỏ, và những hình ảnh về cuộc sống thường nhật. Ngay cả những hình ảnh “lạ” hơn như hình ông già Noel, rắn biển, gấu Bắc Cực… cũng được in lên tiền.

Với thiết kế quá đa dạng như vậy của tiền giấy ở nước Mỹ thời đầu thế kỷ 19, việc ghi nhớ tiền thật trông hình thù ra sao gần như là điều không thể, lại càng bất khả thi hơn đối với tiền giả. Bởi vậy, thời đó đã đi vào lịch sử với tư cách “kỷ nguyên vàng của nạn in giả tiền”. Trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ, lượng tiền giả với mệnh giá nhiều triệu Đô la đã tung hoành trong nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, khác với thực dân Anh thời trước, các băng đảng làm tiền giả in tiền với mục đích đơn giản là... kiếm tiền, chứ chẳng phải để phá hoại đất nước.

Một vài trong số những tay tội phạm sừng sỏ này thậm chí đã trở thành "người hùng" trong dân gian. Với sự yếu kém của lực lượng cảnh sát, đội ngũ sản xuất tiền giả nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Chính phủ Liên bang Mỹ khi đó chẳng mấy quan tâm tới việc trừng trị những kẻ làm bạc giả, mà thậm chí cũng chẳng có nguồn lực để làm việc này. Vào năm 1818, một tờ báo đã lên tiếng phàn nàn: “Giới in tiền giả và tiền giả đã phổ biến tới mức, sự giả mạo dường như không còn được xem là phạm tội trong suy nghĩ của nhiều người”.

Nhưng các nhà băng đã không chịu khoanh tay đứng nhìn tiền họ của bị in giả. Họ thách thức các băng đảng làm giả tiền bằng những tờ bạc có thiết kế phức tạp hơn, với những đặc điểm chống làm giả đã được áp dụng cho tới tận ngày nay như mực in đặc biệt, hình in chìm, và công thức làm giấy in tiền riêng biệt. Thợ đúc khuôn in tiền còn nỗ lực tạo ra những thiết kế tinh vi hơn để đánh đố khả năng bắt chước của tội phạm tiền giả. Tuy nhiên, các băng nhóm tiền giả vẫn lần lượt đánh bật mọi rào cản công nghệ này.

Trên thực tế, công nghệ luôn có tác dụng hai mặt. Tương tự như công nghệ kỹ thuật số của thế kỷ 21, việc phát minh ra công nghệ ảnh đã mở ra một “chân trời mới” cho bọn tội phạm bạc giả. Trước thập niên 1950, hầu hết tiền giấy do các ngân hàng phát hành đều chỉ có màu đen trắng. Tuy nhiên, sự phổ biến của tiền giả in bằng công nghệ làm ảnh đã thúc đẩy người ta tạo ra những loại mực in màu mới, bao gồm loại mực in màu xanh bằng chất chrome trioxide ra đời vào năm 1857. Những kẻ làm giả tiền không thể dùng công nghệ ảnh đen trắng vào thời đó để bắt chước những đường nét mảnh in bằng loại mực xanh này.

Sau đó 4 năm, cuộc nội chiến ở Mỹ bùng nổ. Do "kẹt" tiền, phe miền Bắc trong cuộc nội chiến này đã bỏ qua quy định cấm in tiền giấy của Hiến pháp, khi phát hành một đồng tiền toàn quốc, sử dụng màu xanh nói trên. Đồng tiền mới được biết đến với cách gọi là đồng bạc xanh (greenback). Chẳng mấy chốc, đồng tiền này đã được lưu hành song song cùng một loại tiền toàn quốc khác cũng được in bằng màu xanh tương tự - “tiền ngân hàng quốc gia” do các ngân hàng được hưởng đặc quyền liên bang và có quyền phát hành tiền do Chính phủ Liên bang thiết kế và kiểm soát.

Phe miền Nam cũng không chịu kém cạnh và phát hành một đồng tiền giấy khác của riêng họ. Nhưng do thiếu thợ đúc khuôn giỏi và các đầu vào cần thiết khác, “đồng bạc xám” do phe miền Nam làm ra trông rất kém hấp dẫn và đã đi theo số phận của tờ Đô la Continental: mất dần giá trị trong tiến trình của cuộc nội chiến. Các tổ chức làm tiền giả bình thường nhận thấy “đồng bạc xám” chẳng đáng để làm giả, nhưng phe miền Bắc đã cho in một khối lượng khổng lồ tiền giả loại này để “chơi xấu” đối phương. Nhiều đồng bạc giả do phe miền Bắc in ra thậm chí trông còn đẹp hơn tiền thật của phe miền Nam.

Cuộc nội chiến Mỹ đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử tiền tệ của nước Mỹ, và cả lịch sử của lĩnh vực tiền giả. Những hệ thống trước đó của các đồng tiền tư nhân, địa phương đã không còn, thay vào đó là một hệ thống tiền giấy cấp quốc gia. Nội dung in trên đồng tiền cũng trở nên nghiêm túc hơn, trong đó hình ảnh của các quan chức chính phủ không còn được in theo lối biếm họa. Tới những năm cuối của cuộc nội chiến, một số tờ bạc mới đã được in những khối chữ mang nội dung về hình phạt của pháp luật đối với những kẻ làm giả tiền, như phạt tù 15 năm và lao động khổ sai, nộp 1.000 Đô la tiền phạt, hoặc cả hai hình phạt này.

Tuy nhiên, những lời răn đe này cũng chẳng có nghĩa lý gì nếu như không có một chiến dịch đồng bộ để truy quét các băng đảng tiền giả. Nhiệm vụ này được giao cho một lực lượng cảnh sát mới thành lập mang tên Mật vụ. Từ lâu trước khi được giao nhiệm vụ bảo vệ tổng thống Mỹ, Mật vụ đã ghi tên vào lịch sử nước này với chiến công trấn áp hoạt động sản xuất và lưu thông bạc giả. Bắt đầu sau cuộc nội chiến không lâu, chiến dịch chống tiền giả của nước Mỹ tới thập niên 1890 cơ bản đã hoàn thành.

Báo chí thời đó đã thi nhau tung hô lực lượng Mật vụ và chiến dịch này. Vào năm 1901, một tờ báo đã dùng hết mọi lời lẽ tốt đẹp nhất để mô tả “một đơn vị lặng lẽ và không ngủ của Chính phủ, một lực lượng chẳng bao giờ xuất hiện trước công chúng trừ phi người dân gặp nạn, và chẳng bao giờ bỏ qua một hành vi phạm tội hay một tên tội phạm nào”.

Tới đầu thế kỷ 20, đồng bạc xanh đã tương đối an toàn trước nạn làm giả. Thiết kế của đồng tiền này cũng đã trở nên nhất quán và đơn giản hơn, nhất là sau sự ra đời của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào năm 1913. Hình của Benjamin Franklin bắt đầu được in lên tờ 100 USD và đồng tiền toàn quốc này ngày càng trở nên quan trọng, cuối cùng đã thay thế cho đồng Bảng Anh ở vị trí đồng tiền số 1 của thế giới. Tuy nhiên, sự nổi lên của USD đã kéo theo sự thèm muốn của các tổ chức in tiền giả, trong đó thậm chí có cả một số chính phủ nước ngoài thiếu ngoại tệ mạnh.

Trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới 2, nước Đức quốc xã đã tổ chức hẳn một đội thợ in đúc tiền ở trại tập trung Sachsenhausen để làm giả tiền Bảng Anh và USD. Tuy nhiên, tiền Bảng Anh giả không được lưu hành rộng rãi và cũng không gây nhiều thiệt hại cho nước Anh, còn dự án làm giả USD đã tan tành mây khói trong những tháng cuối của cuộc chiến.

Hầu như không có đồng tiền giả USD nào thành công đủ tới mức được lưu hành rộng rãi trong thời gian hậu Chiến tranh Thế giới, và trong suốt nhiều thập niên, hình thức của tờ 100 USD gần như không có gì thay đổi. Tuy nhiên, vào cuối những năm 1980, loại tiền USD siêu giả đã xuất hiện với các mệnh giá 100 USD và 50 USD, thúc đẩy các nhà chức trách Mỹ tiến hành cuộc đại cải tổ tiền giấy đầu tiên sau nhiều thập kỷ.

Thay đổi lớn đầu tiên là việc giới thiệu đồng 100 USD mới vào năm 1996, với thiết kế chân dung Benjamin Franklin cỡ lớn thành chuẩn, cùng với hình in chìm và mực chuyển màu. Tuy nhiên, tờ 100 USD mà Chính phủ Mỹ vừa giới thiệu mới tạo ra một sự khác biệt thực sự.

Ở chính giữa của tờ tiền mới này là một sợi đai an ninh màu tía chạy từ đầu tới cuối đồng bạc. Sợ đai này được bao phủ bởi hàng ngàn thấu kính siêu nhỏ mang hình các con số 100 và các quả chuông nhỏ xen kẽ nhau. Nhờ công nghệ quang học tinh vi, những thấu kính này kết hợp với nhau tạo thành hình những con số và quả chuông có kích thước lớn hơn. Khi tờ bạc được di chuyển theo các góc khác nhau, hình ảnh trên sợi đai an ninh này cũng như di chuyển theo.

Crane, công ty sở hữu quyền sáng chế công nghệ được gọi là công nghệ động này, cho biết, “đây là công nghệ đại diện cho thế hệ công nghệ chống tiền giả mới”. Không giống như những công nghệ chống làm giả tiền thế hệ đầu tiên như mực in đổi màu, công nghệ động cho phép nhận diện tiền thật hay giả ngay cả trong môi trường ánh sáng yếu.

Đồng 100 USD mới được nhận định là một tác phẩm công nghệ tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tất cả các công nghệ chống làm giả trên đồng tiền này - gồm sợi đai an ninh, hình in chìm, một sợi chỉ an ninh khác, công nghệ in siêu nhỏ, con số 100 có thể chuyển màu, và quả chuông bên trong lọ mực - có thể thấy tờ 100 USD mới cũng giống như cánh cửa một căn hộ được trang bị với vô số ổ khóa và then cài. Nghe qua thì có vẻ an toàn, nhưng mật độ dày đặc các thiết bị chống làm giả lại cho thấy, giới tội phạm tiền giả đã quá thành công trong việc phá vỡ những rào cản an ninh trước đó.

Công ty Crane hứa hẹn rằng, công nghệ động sẽ tạo ra “những chướng ngại vật vĩ đại đối với các đồng bạc giả chất lượng cao”. Có lẽ vậy, nhưng chắc chắn là ở một góc nào đó trên thế giới, những kẻ làm bạc giả đang nghiền ngẫm tờ 100 USD mới để tìm cách phá vỡ các hàng rào an ninh của đồng tiền mới.

Và có vẻ như một ngày nào đó, những tên tội phạm này sẽ lại thành công.