13:09 19/03/2009

Nước ngoài có thể liên doanh sản xuất phim tại Việt Nam

Minh Thúy

Những nội dung đáng chú ý trong dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh

Đây là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận sáng 19/3.

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, Luật Điện ảnh đã tạo được cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng và phát triển nền điện ảnh Việt Nam, có tác động tích cực đến đời sống điện ảnh. Tuy nhiên, hiện luật này đã bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó có những khác biệt so với pháp luật quốc tế.

Tháng 12/2008, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án luật, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh nhằm đảm bảo việc thực hiện cam kết khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO và tạo cơ chế phát triển hoạt động điện ảnh.

Nội dung chính được sửa đổi, bổ sung tập trung vào việc thành lập doanh nghiệp và quy định về người quản lý doanh nghiệp sản xuất phim; xuất nhập khẩu phim, quy định về lưu chiểu phim…

Về cơ bản, những nội dung này nhận được sự đồng thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Riêng vấn đề người nước ngoài được tham gia sản xuất phim tại Việt Nam và quy định về nhập khẩu phim, tuy thống nhất về mặt nguyên tắc nhưng nhiều ý kiến còn băn khoăn về một số nội dung cụ thể.

Điều 13 của Luật Điện ảnh hiện hành cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được liên doanh với tổ chức, cá nhân Việt Nam trong lĩnh vực phát hành phim và phổ biến phim với  tỷ lệ vốn góp không hạn chế. Còn đối với lĩnh vực sản xuất phim, tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được hợp tác với tổ chức, cá nhân Việt Nam sản xuất từng bộ phim.

Tuy nhiên, dự thảo luật sửa đổi đi theo hướng cho phép thành lập liên doanh với nước ngoài trong cả ba lĩnh vực sản xuất, phát hành, và phổ biến phim, với phần vốn góp của nước ngoài không vượt quá 51% vốn pháp định, đúng như cam kết của nước ta với WTO.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai băn khoăn về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài từ khi có Luật Điện ảnh, nay hạn chế lại theo dự luật thì các doanh nghiệp này sẽ thế nào?

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết hiện tại có ba doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đang hoạt động, nếu không hạn chế tỷ lệ góp vốn thì khó khắc phục tình trạng mất cân đối về tỷ lệ phim các nước được chiếu tại Việt Nam.

Vậy thì luật phải quy định các doanh nghiệp đó được tiếp tục hoạt động đến lúc nào, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đề nghị.

Ông Thuận cũng đề nghị xem lại quy định tại khoản 2 điều 30 là doanh nghiệp điện ảnh có rạp chiếu phim mới được quyền nhập khẩu phim? Tại sao lại đặt điều kiện này, có phân biệt đối xử hay không, quy định như vậy dễ dẫn đến móc ngoặc, dễ phát sinh tiêu cực. Đây là cách làm không hay, không minh bạch, quan trọng là xét duyệt khi nhập để có cho nhập hay không, là xét duyệt cái phim nào chứ không phải là có rạp hay không có rạp, ông nói.

Cách đặt vấn đề này được nhiều đại biểu đồng tình. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng  nên có lộ trình, đảm bảo luật đầu tư để các doanh  nghiệp có 100 % vốn nước ngoài đang nhập khẩu và phát hành phim có thể chuyển đổi theo luật.

Kết thúc phần thảo luận không gây nhiều tranh cãi như một số dự luật khác,  Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu và làm rõ hơn những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tăng sức thuyết phục khi trình dự luật ra trước Quốc hội vào kỳ họp tới.

Cùng với dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, tại phiên họp thứ 18 (diễn ra từ ngày 19 đến 26/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến vào 6 dự án luật khác, tổ chức chất vấn một số thành viên chính phủ và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII.