08:00 23/04/2007

Nước ngoài có thể sở hữu đến 30% vốn điều lệ ngân hàng nội

L.Hương

Tổng mức sở hữu vốn điều lệ của các nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ không được quá 30%

Theo nghị định mới, các ngân hàng Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng đủ 4 điều kiện cơ bản - Ảnh: Việt Tuấn.
Theo nghị định mới, các ngân hàng Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng đủ 4 điều kiện cơ bản - Ảnh: Việt Tuấn.
Tổng mức sở hữu vốn điều lệ của các nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ không được quá 30%.

Khi ngân hàng Việt Nam niêm yết trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của ngân hàng Việt Nam theo các quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, với tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa theo quy định nói trên. Nhà đầu tư nước ngoài ở đây được hiểu bao gồm cả cổ đông nước ngoài hiện hữu và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó.

Đây là những nội dung quan trọng của Nghị định 69/2007/NĐ-CP của Chính phủ, vừa ban hành ngày 20/4/2007.

Cụ thể, mức sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài không phải là tổ chức tín dụng nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó không vượt quá 5% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam. Mức sở hữu cổ phần của một tổ chức tín dụng nước ngoài và người có liên quan của tổ chức tín dụng nước ngoài đó không vượt quá 10% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam.

Mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đó không vượt quá 15% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam. Tổng mức sở hữu vốn điều lệ của các nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ không được quá 30%

Trường hợp đặc biệt, Thủ tướng sẽ quyết định mức sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đó vượt quá 15%, nhưng không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam. Trường hợp tổ chức tín dụng nước ngoài nắm giữ trái phiếu chuyển đổi, khi chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định trên.

Nghị định cũng quy định rõ điều kiện đối với các ngân hàng Việt Nam khi muốn bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức tín dụng nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng Việt Nam.

Cụ thể, các ngân hàng Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng đủ 4 điều kiện cơ bản. Thứ nhất, vốn điều lệ tối thiểu đạt 1.000 tỷ đồng. Thứ hai, có tình hình tài chính lành mạnh. Thứ ba, có bộ máy quản trị, điều hành, hệ thống kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ. Thứ tư, không bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt do vi phạm các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng trong thời gian 24 tháng đến thời điểm Ngân hàng Nhà nước xem xét.

Đối với tổ chức tín dụng nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng Việt Nam các điều kiện phải đáp ứng gồm: có tổng tài sản có tối thiểu tương đương 20 tỷ USD năm trước năm đăng ký mua cổ phần; có kinh nghiệm hoạt động quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng; được các tổ chức xếp loại tín nhiệm quốc tế xếp hạng ở mức có khả năng thực hiện các cam kết tài chính và hoạt động bình thường ngay cả khi tình hình, điều kiện kinh tế biến đổi theo chiều hướng không thuận lợi; đối với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, ngoài các điều kiện quy định trên, phải có văn bản cam kết về việc hỗ trợ ngân hàng Việt Nam trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành và áp dụng công nghệ hiện đại.

Ngoài ra, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và người có liên quan chỉ được phép chuyển nhượng cổ phần thuộc sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác (kể cả trong nước và ngoài nước) tối thiểu sau 5 năm kể từ khi trở thành là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại một ngân hàng Việt Nam.