22:29 10/05/2007

Nước ngoài thu lợi nhuận và chờ

Các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày một thận trọng hơn đối với cổ phiếu niêm yết ở Việt Nam

Nhà đầu tư sôi nổi bàn tán trong một phiên giao dịch.
Nhà đầu tư sôi nổi bàn tán trong một phiên giao dịch.
Các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày một thận trọng hơn đối với cổ phiếu niêm yết ở Việt Nam.

Hàng loạt quỹ đầu tư với đích nhắm Việt Nam tiếp tục được thành lập với số tiền lớn, nhưng chưa sẵn sàng giải ngân. Họ vẫn chờ những cơ hội có thể mang lại lợi nhuận cao hơn.

Chỉ số P/E: 32 - 26 - 18

Tháng 3/2007, khi chỉ số P/E bình quân của các cổ phiếu trên sàn Tp.HCM đạt đến ngưỡng 32, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu bán ra cổ phiếu. Thời kỳ thu hoạch (take profit) của họ đã điểm.

Tính từ thời điểm giá cổ phiếu lên đến đỉnh (ngày 12/3/2007) đến nay, VN-Index đã giảm khoảng 20%. Trong số 20 loại cổ phiếu blue-chips cả ở sàn Hà Nội và Tp.HCM, có tổng mức vốn hóa thị trường từ 200 triệu đô la Mỹ/công ty trở lên, được các nhà đầu tư nước ngoài chú ý giao dịch, có khá nhiều chứng khoán mức giảm giá đã trên 30% như Sudico, Nhiệt điện Phả Lại, Chứng khoán Bảo Việt, Xi măng Bỉm Sơn, Bảo hiểm Bảo Minh, Ngân hàng Á Châu, Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí, Vĩnh Sơn - Sông Hinh...

Trong con mắt giới đầu tư nước ngoài, sự giảm giá cổ phiếu được xem là tất yếu bởi điều này giúp chỉ số P/E trở về gần với thực tế, phù hợp với thực trạng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Garry Evans, nhà phân tích chiến lược cổ phiếu của HSBC đóng tại Hồng Kông, tính toán với mức tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2007 của các công ty niêm yết Việt Nam là 30% so với năm 2006, thì với mức giá hiện tại, P/E bình quân sẽ giảm xuống còn 26.

Nếu EPS năm 2008 vẫn tăng 30% so với 2007, P/E sẽ giảm xuống 18. So với các nước trong khu vực châu Á, P/E như vậy rõ ràng là chưa thực sự hấp dẫn. Ở các nước như Pakistan, chỉ số P/E đang thấp hơn đáng kể.

Quay trở lại với thời điểm thu hoạch của nhà đầu tư nước ngoài, có thể thấy họ đang thận trọng. Garry Evans dẫn chứng: sau khi bỏ ra 345 triệu đô la Mỹ để mua cổ phiếu niêm yết Việt Nam trong tháng 1/2007, thêm 158 triệu đô la Mỹ trong tháng 2/2007 (chỉ tính mua ròng); sang tháng 3/2007 có tới 14-22 phiên giao dịch nhà đầu tư nước ngoài chỉ chăm chăm bán ra. Kết quả lượng mua vào của họ tháng này tụt xuống mức thấp kỷ lục (chừng 10 triệu đô la Mỹ).

Tháng 4/2007, khi thị trường điều chỉnh ngày một sâu, họ mua vào cầm chừng, cả thảy 83 triệu đô la Mỹ. Chưa thể hy vọng mức mua vào của nước ngoài sẽ tăng trong tháng 5 khi mà P/E của hàng loạt blue-chips vẫn còn cao.

Cầu vẫn rất mạnh

Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói: “Thị trường bao giờ cũng có điểm cân bằng và giao dịch cổ phiếu hiện nay đang chuyển về điểm cân bằng đó”. Nhưng điểm cân bằng tương ứng với VN-Index bao nhiêu, thì ông Hùng lại nói rất xã giao: “Thị trường đạt đến điểm cân bằng khi nền kinh tế hoạt động nhộn nhịp nhất”.

Điểm cân bằng của thị trường sẽ phụ thuộc nhiều vào cung cầu. Cung hiện ra sao? Nguồn cung đang tăng lên (IPO các doanh nghiệp tầm cỡ), nhưng điểm rơi của nguồn cung dường như chưa đúng lúc. Hai tháng cuối năm ngoái, nguồn cung tăng cấp tập với hàng chục công ty lên sàn, nhưng cầu còn tăng mạnh hơn do khi ấy thị trường đang trên đà đi lên. Bây giờ khi cung được tung ra ở thời điểm thị trường đang xuống dốc, thì hàng hóa chất lượng tốt vẫn có nhu cầu, song sẽ đẩy nhanh sự phân hóa cổ phiếu.

Nói ngắn gọn là cầu vẫn đang rình rập chờ, sẵn sàng vào, nhưng không vào với bất cứ giá nào.

Nhu cầu của nước ngoài đầu tư vào chứng khoán Việt Nam không hề giảm độ nóng. Theo HSBC, trên thế giới hiện có 43 quỹ chuyên đầu tư vào Việt Nam, trong đó có 23 quỹ mới thành lập từ tháng 11 năm ngoái. Tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của tất cả các quỹ đầu tư vào Việt Nam hiện lên đến 5,6 tỉ đô la Mỹ.

Những tháng gần đây, các quỹ đầu tư vào Việt Nam liên tiếp ra đời ở Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và Israel. Chỉ riêng tại Hàn Quốc, số tiền mà các quỹ này gọi được đã là 871 triệu đô la Mỹ.

Ông Chy Jang Oak, Chủ tịch bộ phận thị trường chứng khoán của Korea Exchange, trong chuyến thăm Tp.HCM tháng 4 vừa qua, cho biết Việt Nam đang là đề tài nóng của giới đầu tư tài chính Seoul. Họ đánh giá cao sự tăng trưởng của các công ty niêm yết Việt Nam. Ông Chy Jang Oak thậm chí nói rằng Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc sẽ giúp giảm bớt chi phí cho các công ty Việt Nam niêm yết trên thị trường Hàn Quốc.

Tuy nhiên có một điều mà giới đầu tư nước ngoài phân vân: liệu Việt Nam có thay đổi phương thức giao dịch cổ phiếu đối với nước ngoài. Hiện tại để mua cổ phiếu trên sàn, nhà đầu tư nước ngoài phải xin mã số (trading code), còn để mua chứng khoán chưa niêm yết (OTC) họ phải mở tài khoản vốn và đưa tiền vào tài khoản. Ủy ban Chứng khoán đang xem xét việc thay hai phương thức này bằng một phương thức chung đơn giản hơn là nước ngoài chỉ cần đăng ký.

Trả lời câu hỏi của báo giới về vấn đề này, một quan chức của Ủy ban nói “đang ở mức độ nghiên cứu”. Song nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn xa hơn. Họ cho rằng phương thức mới sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam (1) trì hoãn việc đăng ký một khi Chính phủ muốn kiểm soát dòng vốn vào; (2) từ chối đăng ký với những nhà đầu tư ngắn hạn hoặc đầu cơ. Garry Evans cho biết vào thời điểm vài tháng trước, Việt Nam dự định áp dụng phương thức mới từ tháng 4/2007, song đến nay đã hoãn lại do sự biến động của thị trường.

Các quỹ đầu tư vào Việt Nam thành lập năm 2007
Tên quỹ Ngày chính thức hoạt động Quốc gia NAV
T.I.M Vietnam Tiger Fund 14/5/2007 Liechtenstein n/a
Fullerton Vietnam Fund 23/4/2007 Singapore n/a
Hwang /DBS Indochina Fund 21/4/2007 Malaysia n/a
Tongyang Vietnam 2/4/2007 Hàn Quốc 21,4
KITM WW Vietnam Real Est 16/3/2007 Hàn Quốc 103,9
Indochina Capital Vietnam 2/3/2007 Anh 431,1
DBS Indochina Fund 1/3/2007 Singapore n/a
Lion Capital Vietnam Fund 2/2/2007 Singapore 86,9
Korea WW CHN Viet MC EQ 25/1/2007 Hàn Quốc 459
MA Maps Oppo Viet & CHN 8/1/2007 Hàn Quốc 286,7
Đơn vị tính: triệu đô la Mỹ; n/a là không có số liệu - Nguồn: HSBC, Bloomberg