Ồ ạt phát hành cổ phiếu và tác động
Để có tiền nộp, cổ đông hay nhà đầu tư phải "xả hàng" ra thị trường, càng đẩy cung tăng mạnh
Tình hình này chắc chắn ảnh hưởng lớn đến sự nóng lên của thị trường tiền tệ và sự biến động của thị trường chứng khoán.
Dồn dập phát hành
Chỉ tính riêng trong tuần cuối tháng 11 và tháng 12/2007, hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần phát hành trái phiếu và cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh phát (VP Bank) hành 50 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, cổ đông được mua với tỷ lệ 31%.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) cũng phát hành 45,28 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng và giá bán là 15.000 đồng, tăng vốn điều lệ từ 1.547,2 tỷ đồng lên 2.000 đồng, cổ đông được mua với tỷ lệ 28%. Trước đó trong tháng 10/2007, MB vừa hoàn thành đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi có thời hạn 2 năm, cổ đông được mua với tỷ lệ 100:4, trái phiếu có mệnh giá 1,0 triệu đồng, có giá bán gấp 1,5 lần mệnh giá, huy động hơn 600 tỷ đồng.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế (VIB) phát hành 500 tỷ đồng tăng vốn từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, cổ đông được mua với tỷ lệ trên 30%. Tương tự, VP Bank cũng phát hành 500 tỷ đồng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, cổ đông hiện hữu được mua với tỷ lệ 10:3.
Cổ đông hiện hữu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương (Techcombank) cũng được mua cổ phiếu mới với tỷ lệ 43%, thời hạn cuối cùng nộp tiền là ngày 18/12/2007, thực hiện kế hoạch tăng thêm gần 1. 000 tỷ đồng vốn điều lệ...
Tính sơ bộ chỉ riêng các ngân hàng thương mại cổ phần nói trên cũng thu hút khoảng 10.000 tỷ đồng vốn trên thị trường chỉ trong vòng có hơn 1 tháng từ nay đến hết năm 2007, tạo sức ép lớn trên thị trường vốn.
Đó là chưa kể Vietcombank cũng IPO 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ, nếu với giá đấu thầu bình quân là 70.000 đồng/cổ phiếu thì số vốn thu về đã là 7.000 tỷ đồng, còn nếu giá tương đương của ACB là 190.000 tỷ đồng thì thu hút khoảng 13.300 tỷ đồng.
Đối với khối doanh nghiệp cũng có hàng loạt đơn vị phát hành thêm cổ phiếu mới để tăng vốn điều lệ bằng nhiều kênh khác nhau. Tập đoàn Hoà Phát (HPG) sẽ chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 10:4. Hiện nay tập đoàn này có 132 triệu cổ phiếu niêm yết, tương đương với số vốn điều lệ 1.320 tỷ đồng, sau khi chia cổ phiếu thưởng và hoàn thành thủ tục niêm yết, sẽ có thêm 52,8 triệu cổ phiếu sẵn sàng cho giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) công bố kế hoạch thực hiện 3 đợt phát hành cổ phiếu mới tăng vốn. Đợt 1 chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 2:1, thực hiện trong tháng 12/2007; đồng thời tiến hành chuyển đổi 1,66 triệu trái phiếu thành 16,6 triệu cổ phiếu phổ thông; tổng cộng sẽ có khoảng 56,4 triệu cổ phiếu SSI xuất hiện trên thị trường.
Công ty Cổ phần Hoá An (DHA) cũng công bố kế hoặch chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 10:3, với số cổ phiếu phát hành thêm là 3,4 triệu cổ phiếu, nâng tổng số cổ phiếu lưu hành trên thị trường lên khoảng 10 triệu...
Sức ép đến vốn ngân hàng
Hiện nay để có tiền nộp mua cổ phiếu tăng vốn và mua trái phiếu chuyển đổi, cổ đông phải thực hiện theo bốn phương thức sau:
Một là, rút tiền gửi trên tài khoản tiền gửi, đặc biệt là cổ đông là tổ chức. Hai là, vay tiền ngân hàng dưới các hình thức khác nhau, nhưng chắc chắn là ẩn danh dưới hình thức đầu tư dự án, đầu tư kinh doanh dịch vụ, đầu tư bất động sản, tiêu dùng...
Ba là, rút tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng. Bốn là tiền của cổ đông là người Việt Nam ở nước ngoài chuyển về; tiền của các cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài chuyển đến; các nguồn tiền nói trên đều là ngoại tệ phải chuyển đổi sang nội tệ, chủ yếu là qua kênh ngân hàng.
Tất cả 4 kênh nói trên đều tạo áp lực lớn đến nguồn vốn của các ngân hàng thương mại. Đối với thị trường chứng khoán, kể cả thị trường chính thức và thị trường OTC sẽ có khối lượng cung hàng hoá rất lớn.
Bên cạnh đó, để có tiền nộp, cổ đông hay nhà đầu tư phải "xả hàng" ra thị trường, càng đẩy cung tăng mạnh. Trong bối cảnh hiện nay không ít người lo ngại thị trường sẽ bị "bội thực" cổ phiếu. Đặc biệt là cầu chứng khoán bị khống chế nguồn vốn từ kênh tín dụng ngân hàng, nên rõ ràng là sẽ tác động không tốt đến việc phát hành cổ phiếu của các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá.
Diễn biến nói trên đặt ra vấn đề lớn nhất là về quản lý nhà nước của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Bởi vì kế hoạch tăng vốn nói trên của các ngân hàng thương mại cũng như của các doanh nghiệp cổ phần hầu hết được Đại hội cổ đông thông qua từ đầu năm.
Song với nhiều thủ tục và quá trình xem xét, cấp phép, chấp thuận kéo dài tới vài tháng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tạo sự dồn ép vào cuối năm, gây khó khăn cho các cổ đông và các đơn vị phát hành, tác động thiếu tích cực đến thị trường và kế hoạch cổ phần hoá. Đây là vấn đề cần được chỉnh sửa sớm.