Obama lướt net vào Nhà Trắng
Cách ông Obama sử dụng công nghệ thông tin để chiếm ưu thế trước đối thủ có lẽ sẽ còn được phân tích trong thời gian tới
Không thể đo lường chính xác việc Barack Obama thắng cử có bao nhiêu phần trăm là nhờ tận dụng công nghệ thông tin, nhưng nếu J. F. Kennedy đắc cử năm 1961 một phần nhờ tận dụng truyền hình thì rõ ràng năm nay Obama trở thành tổng thống thứ 44 của Mỹ là nhờ biết dùng sức mạnh lan tỏa của Internet.
Thật ra, chiến dịch tranh cử của cả hai ứng cử viên Barack Obama và John McCain đều mang đậm dấu ấn công nghệ thông tin như dùng Facebook, MySpace, YouTube và blog (nhật ký điện tử). Cả hai đều quyên tiền tranh cử qua Internet và đều có những trang web có hiệu quả.
Những điều này cách đây bốn năm chưa được xem trọng, thậm chí lúc đó YouTube chưa ra đời, Facebook còn bó hẹp trong giới sinh viên một số trường đại học.
Nay, ngay từ đầu mọi người phải thừa nhận Obama, với ưu thế tuổi trẻ hơn, đã sử dụng các công cụ này khéo léo hơn, thu hút nhiều người ủng hộ hơn và cuối cùng đi đến chiến thắng một cách đầy thuyết phục.
Ngay từ đầu chiến dịch tranh cử, ông Obama đã xem Internet như trung tâm thông tin để tổ chức mọi sự kiện, cả trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline). Lúc đó, việc đầu tiên những người điều hành chiến dịch tranh cử làm là thu thập e-mail của bất kỳ ai tỏ ý ủng hộ Obama.
Nhờ Internet, Obama đã tổ chức được một mạng lưới tình nguyện viên cấp cơ sở, giữ liên lạc với họ thường xuyên và khi cần có thể huy động đúng người vào đúng việc.
Ông đã mời được sự cộng tác của Chris Hughes, một trong những sáng lập viên của mạng xã hội Facebook, vì hiểu được sức mạnh kết nối của những mạng như thế. Hughes trao cho những người ủng hộ Obama khả năng kết nối nhau, chia sẻ thông tin, suy nghĩ và sáng kiến.
Và nhờ sự tương tác này, chiến dịch của Obama không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin mà còn khích lệ mọi người làm một điều gì đó cụ thể cho cuộc tranh cử.
Chẳng hạn, những tình nguyện viên có đăng ký đều được cung cấp danh sách cử tri mà họ có thể gọi để thuyết phục bầu cho ông Obama. Cơ sở dữ liệu khổng lồ này giúp ban tổ chức phân bổ tự động để tình nguyện viên khỏi gọi nhầm hay nhiều người cùng gọi một số.
Trang web chính thức của Obama cho biết tình nguyện viên đã dùng “công cụ liên lạc cử tri” để gọi gần nửa triệu cuộc gọi vào ngày 1/11.
Trang web chính thức Barackobama.com có những mục nhắm đến những đối tượng cụ thể, có tiệm bán đồ lưu niệm, nơi đóng góp tiền ủng hộ cho chiến dịch, hay thậm chí máy tính trực tuyến để tính xem mình sẽ được giảm thuế bao nhiêu nếu Obama thắng cử.
Trang web này có 1,5 triệu người đăng ký tham gia chính thức. Tổng cộng, Obama thu hút được 600 triệu Đô la Mỹ tiền quyên góp ủng hộ chiến dịch tranh cử và một phần không nhỏ trong đó đến từ các khoản đóng góp qua mạng.
Khi ông Obama tuyên bố chọn ông Joe Biden làm ứng cử viên phó tổng thống, những người ủng hộ trước đó có đăng ký số điện thoại di động đều nhận được tin nhắn trước giới báo chí, tạo cho họ cảm tưởng họ là người nhà. Không có công nghệ thông tin không thể làm được điều tương tự.
Ông Obama cũng là ứng cử viên tổng thống duy nhất cho quảng cáo trên các trò chơi điện tử. Tổng cộng, chiến dịch của ông quảng cáo trên 18 trò chơi, trong đó có các trò chơi rất được ưa chuộng như Guitar Hero hay Madden 09. Đây là loại quảng cáo ẩn, ví dụ hình ảnh ông Obama xuất hiện trên các bích chương trên nền trò chơi…
Hay với chiếc điện thoại iPhone từng gây sốt với người tiêu dùng, bộ máy tranh cử của Obama tung ra một phần mềm nhỏ chạy trên iPhone cho phép người sử dụng cập nhật thông tin tranh cử.
Nếu người sử dụng yêu cầu thêm thông tin về một vấn đề gì đó, phần mềm sẽ cung cấp quan điểm của ông Obama về 18 đề tài. Thông qua dịch vụ GPS, phần mềm cho thấy các sự kiện của Obama được tổ chức ở đâu, vào ngày nào, kèm theo cả hướng dẫn lái xe đến đó.
Chiến dịch tranh cử của ông Obama như vậy đã hiện diện trên 16 mạng liên kết và chia sẻ thông tin, từ các mạng phổ biến như Facebook (trên 2 triệu người kết nối so với khoảng 600.000 người của ông McCain) đến mạng chia sẻ hình ảnh Flickr.
Mặc dù trong tay không có đài truyền hình nào nhưng Obama có YouTube - mọi sự kiện, mọi bài diễn văn đều được nhanh chóng đưa lên YouTube hay Brightcove.
Trong tuần lễ tranh cử cuối cùng, đã có 70 đoạn video được đưa lên YouTube. Dĩ nhiên, để thu hút người vào xem, video có những cảnh người ta không thể tìm thấy trên các đài truyền hình truyền thống như cảnh chuẩn bị diễn văn đêm thắng cử hay cảnh gia đình ông Obama chuẩn bị sau sân khấu trước khi ra đón nhận chiến thắng đêm 4-11.
Không ai tưởng nổi bài diễn văn Obama đọc vào tháng 3/2008 về vấn đề phân biệt chủng tộc ở Mỹ dài 37 phút lại được 5 triệu lượt người vào xem, là đoạn video được xem nhiều nhất trên kênh YouTube của ông.
Tổng cộng, các đoạn video có nhắc đến Obama hay McCain trên YouTube đã được xem đến 2,3 tỉ lần. Riêng các video của chiến dịch Obama được xem khoảng 92 triệu lần, gấp ba lần số lượt xem các video của McCain.
Ông Obama còn biết chi tiền cho quảng cáo trên Internet. Theo thông tin chính thức, từ tháng 1/2008 đến tháng 8/2008, ông đã chi khoảng 5,5 triệu Đô la tiền quảng cáo trực tuyến, trong đó 3,3 triệu Đô la chi trực tiếp cho Google. Thật ra, đây chỉ là một con số không đáng kể nếu biết rằng chỉ trong một ngày trong tháng Mười, chiến dịch của Obama rót đến 3 triệu Đô la vào quảng cáo trên truyền hình.
Ngay cả cách người dân theo dõi ngày bỏ phiếu cũng rất khác trước. Họ có thể vẫn xem ti vi nhưng đồng thời gửi và nhận tin nhắn, tìm trên mạng kết quả từng tiểu bang, nhấp chuột để biết kết quả ở từng tiểu bang một.
Năm nay cũng là năm đầu tiên CNN đưa công nghệ hình ba chiều vào sử dụng. Thay vì hỏi chuyện một phóng viên hay một nhân vật được phỏng vấn qua màn hình, người điều khiển chương trình đứng nói chuyện với hình ba chiều của nhân vật đang đối thoại, tạo cảm tưởng là cả hai người đang cùng đứng trong một căn phòng.
Cách ông Obama sử dụng công nghệ thông tin để chiếm ưu thế trước đối thủ có lẽ sẽ còn được phân tích trong thời gian tới vì nước Mỹ không thiếu các cuộc vận động tranh cử, từ chức thị trưởng đến chiếc ghế thượng nghị sĩ và cả cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2012.
Vân Cầm (TBVTSG)
Thật ra, chiến dịch tranh cử của cả hai ứng cử viên Barack Obama và John McCain đều mang đậm dấu ấn công nghệ thông tin như dùng Facebook, MySpace, YouTube và blog (nhật ký điện tử). Cả hai đều quyên tiền tranh cử qua Internet và đều có những trang web có hiệu quả.
Những điều này cách đây bốn năm chưa được xem trọng, thậm chí lúc đó YouTube chưa ra đời, Facebook còn bó hẹp trong giới sinh viên một số trường đại học.
Nay, ngay từ đầu mọi người phải thừa nhận Obama, với ưu thế tuổi trẻ hơn, đã sử dụng các công cụ này khéo léo hơn, thu hút nhiều người ủng hộ hơn và cuối cùng đi đến chiến thắng một cách đầy thuyết phục.
Ngay từ đầu chiến dịch tranh cử, ông Obama đã xem Internet như trung tâm thông tin để tổ chức mọi sự kiện, cả trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline). Lúc đó, việc đầu tiên những người điều hành chiến dịch tranh cử làm là thu thập e-mail của bất kỳ ai tỏ ý ủng hộ Obama.
Nhờ Internet, Obama đã tổ chức được một mạng lưới tình nguyện viên cấp cơ sở, giữ liên lạc với họ thường xuyên và khi cần có thể huy động đúng người vào đúng việc.
Ông đã mời được sự cộng tác của Chris Hughes, một trong những sáng lập viên của mạng xã hội Facebook, vì hiểu được sức mạnh kết nối của những mạng như thế. Hughes trao cho những người ủng hộ Obama khả năng kết nối nhau, chia sẻ thông tin, suy nghĩ và sáng kiến.
Và nhờ sự tương tác này, chiến dịch của Obama không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin mà còn khích lệ mọi người làm một điều gì đó cụ thể cho cuộc tranh cử.
Chẳng hạn, những tình nguyện viên có đăng ký đều được cung cấp danh sách cử tri mà họ có thể gọi để thuyết phục bầu cho ông Obama. Cơ sở dữ liệu khổng lồ này giúp ban tổ chức phân bổ tự động để tình nguyện viên khỏi gọi nhầm hay nhiều người cùng gọi một số.
Trang web chính thức của Obama cho biết tình nguyện viên đã dùng “công cụ liên lạc cử tri” để gọi gần nửa triệu cuộc gọi vào ngày 1/11.
Trang web chính thức Barackobama.com có những mục nhắm đến những đối tượng cụ thể, có tiệm bán đồ lưu niệm, nơi đóng góp tiền ủng hộ cho chiến dịch, hay thậm chí máy tính trực tuyến để tính xem mình sẽ được giảm thuế bao nhiêu nếu Obama thắng cử.
Trang web này có 1,5 triệu người đăng ký tham gia chính thức. Tổng cộng, Obama thu hút được 600 triệu Đô la Mỹ tiền quyên góp ủng hộ chiến dịch tranh cử và một phần không nhỏ trong đó đến từ các khoản đóng góp qua mạng.
Khi ông Obama tuyên bố chọn ông Joe Biden làm ứng cử viên phó tổng thống, những người ủng hộ trước đó có đăng ký số điện thoại di động đều nhận được tin nhắn trước giới báo chí, tạo cho họ cảm tưởng họ là người nhà. Không có công nghệ thông tin không thể làm được điều tương tự.
Ông Obama cũng là ứng cử viên tổng thống duy nhất cho quảng cáo trên các trò chơi điện tử. Tổng cộng, chiến dịch của ông quảng cáo trên 18 trò chơi, trong đó có các trò chơi rất được ưa chuộng như Guitar Hero hay Madden 09. Đây là loại quảng cáo ẩn, ví dụ hình ảnh ông Obama xuất hiện trên các bích chương trên nền trò chơi…
Hay với chiếc điện thoại iPhone từng gây sốt với người tiêu dùng, bộ máy tranh cử của Obama tung ra một phần mềm nhỏ chạy trên iPhone cho phép người sử dụng cập nhật thông tin tranh cử.
Nếu người sử dụng yêu cầu thêm thông tin về một vấn đề gì đó, phần mềm sẽ cung cấp quan điểm của ông Obama về 18 đề tài. Thông qua dịch vụ GPS, phần mềm cho thấy các sự kiện của Obama được tổ chức ở đâu, vào ngày nào, kèm theo cả hướng dẫn lái xe đến đó.
Chiến dịch tranh cử của ông Obama như vậy đã hiện diện trên 16 mạng liên kết và chia sẻ thông tin, từ các mạng phổ biến như Facebook (trên 2 triệu người kết nối so với khoảng 600.000 người của ông McCain) đến mạng chia sẻ hình ảnh Flickr.
Mặc dù trong tay không có đài truyền hình nào nhưng Obama có YouTube - mọi sự kiện, mọi bài diễn văn đều được nhanh chóng đưa lên YouTube hay Brightcove.
Trong tuần lễ tranh cử cuối cùng, đã có 70 đoạn video được đưa lên YouTube. Dĩ nhiên, để thu hút người vào xem, video có những cảnh người ta không thể tìm thấy trên các đài truyền hình truyền thống như cảnh chuẩn bị diễn văn đêm thắng cử hay cảnh gia đình ông Obama chuẩn bị sau sân khấu trước khi ra đón nhận chiến thắng đêm 4-11.
Không ai tưởng nổi bài diễn văn Obama đọc vào tháng 3/2008 về vấn đề phân biệt chủng tộc ở Mỹ dài 37 phút lại được 5 triệu lượt người vào xem, là đoạn video được xem nhiều nhất trên kênh YouTube của ông.
Tổng cộng, các đoạn video có nhắc đến Obama hay McCain trên YouTube đã được xem đến 2,3 tỉ lần. Riêng các video của chiến dịch Obama được xem khoảng 92 triệu lần, gấp ba lần số lượt xem các video của McCain.
Ông Obama còn biết chi tiền cho quảng cáo trên Internet. Theo thông tin chính thức, từ tháng 1/2008 đến tháng 8/2008, ông đã chi khoảng 5,5 triệu Đô la tiền quảng cáo trực tuyến, trong đó 3,3 triệu Đô la chi trực tiếp cho Google. Thật ra, đây chỉ là một con số không đáng kể nếu biết rằng chỉ trong một ngày trong tháng Mười, chiến dịch của Obama rót đến 3 triệu Đô la vào quảng cáo trên truyền hình.
Ngay cả cách người dân theo dõi ngày bỏ phiếu cũng rất khác trước. Họ có thể vẫn xem ti vi nhưng đồng thời gửi và nhận tin nhắn, tìm trên mạng kết quả từng tiểu bang, nhấp chuột để biết kết quả ở từng tiểu bang một.
Năm nay cũng là năm đầu tiên CNN đưa công nghệ hình ba chiều vào sử dụng. Thay vì hỏi chuyện một phóng viên hay một nhân vật được phỏng vấn qua màn hình, người điều khiển chương trình đứng nói chuyện với hình ba chiều của nhân vật đang đối thoại, tạo cảm tưởng là cả hai người đang cùng đứng trong một căn phòng.
Cách ông Obama sử dụng công nghệ thông tin để chiếm ưu thế trước đối thủ có lẽ sẽ còn được phân tích trong thời gian tới vì nước Mỹ không thiếu các cuộc vận động tranh cử, từ chức thị trưởng đến chiếc ghế thượng nghị sĩ và cả cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2012.
Vân Cầm (TBVTSG)