Ông Kim Jong Un tuyên bố “để ngỏ khả năng đối thoại với Hàn Quốc”
Bài phát biểu năm mới của ông Kim Jong Un kêu gọi giảm căng thẳng quân sự và cải thiện quan hệ với Hàn Quốc
Trong bài phát biểu nhân dịp năm mới năm 2018 vào ngày 1/1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố có một "nút bấm hạt nhân" trên bàn làm việc và sẵn sàng sử dụng nếu Triều Tiên bị đe dọa. Tuy nhiên, ông Kim Jong Un cũng tuyên bố "để ngỏ khả năng đối thoại với Hàn Quốc".
Theo hãng tin Reuters, sau một năm căng thẳng gia tăng xung quanh chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, ông Kim Jong Un đã sử dụng bài phát biểu đầu năm được phát sóng trực tiếp trên truyền hình quốc gia để tuyên bố rằng Triều Tiên là "một quốc gia yêu hòa bình và một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm". Cùng với đó, ông Kim Jong Un kêu gọi giảm căng thẳng quân sự và cải thiện quan hệ với Hàn Quốc.
"Về quan hệ Triều-Hàn, chúng ta nên giảm căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên để tạo ra một môi trường hòa bình", ông Kim Jong Un nói. "Cả Triều Tiên và Hàn Quốc cùng cần phải cố gắng". Nhà lãnh đạo cũng nói sẽ cân nhắc cử một đoàn đại biểu Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa đông ở Pyeongchang, Hàn Quốc, vào tháng 2 năm nay.
"Việc Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa đông sẽ là một cơ hội tốt để thể hiện tinh thần tự hào dân tộc và chúng tôi xin chúc Thế vận hội thành công. Giới chức Triều Tiên và Hàn Quốc có thể sớm gặp để bàn về khả năng này", ông Kim Jong Un nói.
Hàn Quốc bày tỏ hoan nghênh đề xuất của ông Kim Jong Un. Tuy nhiên, các chuyên gia tại Mỹ cho rằng bài phát biểu của nhà lãnh đạo Triều Tiên là một nỗ lực nhằm lôi kéo Seoul khỏi đồng minh chính là Mỹ.
"Chúng tôi luôn khẳng định sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên bất kỳ lúc nào và bất kỳ đâu nếu việc đó giúp nối lại quan hệ Hàn-Triều và mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên", một phát ngôn viên của phủ Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố.
Tháng trước, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng việc Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc sẽ đảm bảo an toàn cho kỳ đại hội, đồng thời đề xuất Seoul và Washington tạm dừng các cuộc tập trận chung quy mô lớn cho tới khi Thế vận hội kết thúc.
Khi được hỏi về bài phát biểu của ông Kim Jong Un, Tổng thống Donald Trump nói: "Chúng tôi sẽ chờ xem".
Ông Evans Revere, một nhà cựu ngoại giao cấp cao của Mỹ, cho rằng Bình Nhưỡng có thể đang tìm kiếm sự nhượng bộ từ Hàn Quốc và Mỹ như một "cái giá" cho việc họ tham dự Thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc. Ông Revere khuyến cáo Hàn Quốc không nên nhân nhượng và cần tiếp tục sát cánh với Mỹ để gây áp lực với Triều Tiên.
Khi lên nắm quyền vào tháng 5 năm ngoái, Tổng thống Moon đã cam kết sẽ đưa Bình Nhưỡng trở lại đối thoại. Tuy nhiên, Triều Tiên đã phớt lờ điều này, và thậm chí còn thực hiện các vụ phóng thử tên lửa với mật độ dày chưa từng có.
Hồi tháng 9, Triều Tiên có vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và là vụ thử hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay của nước này. Tháng 11, Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng tấn công vào đại lục Mỹ.
Trong bài phát biểu hôm thứ Hai, ông Kim Jong Un cũng nói, thay vì khuyến khích các biện pháp của Mỹ "đe dọa hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên", Hàn Quốc nên đáp lại thiện chí của Triều Tiên và "dừng các cuộc tập trận chiến tranh hạt nhân với lực lượng nước ngoài".
Tuy vậy, ông Kim Jong Un tuyên bố Triều Tiên trong năm 2018 sẽ tiếp tục tập trung "sản xuất hàng loạt đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo để có thể đưa vào sử dụng". Ông Kim Jong Un nói cách này khiến Mỹ không thể gây chiến với Hàn Quốc.
"Toàn bộ lãnh thổ của nước Mỹ đã nằm trong tầm tấn công vũ khí hạt nhân của chúng ta, và một nút bấm hạt nhân luôn có mặt trên bàn làm việc của tôi. Đây là một sự thật, không phải lời đe dọa", ông Kim Jong Un nói, đồng thời nhấn mạnh rằng Triều Tiên chỉ dùng tới vũ khí hạt nhân nếu bị đe dọa.
Bài phát biểu năm mới hàng năm của ông Kim Jong Un luôn thu hút sự chú ý lớn. Mỹ và các nước đồng minh cũng như giới quan sát xem bài phát biểu này như tín hiệu về đường lối chính sách của Triều Tiên trong 1 năm tiếp theo.
Theo một số chuyên gia, việc Triều Tiên đề xuất tham dự Thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc là một dấu hiệu tốt, nhưng Mỹ và các nước đồng minh không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào điều này.