22:52 18/06/2009

“Ông lớn” xả hàng: Bình thường hay bất thường?

Tuyến - Đức - Hương

Dồn dập thông tin đăng ký bán ra khối lượng lớn của các tổ chức trên thị trường chứng khoán

Điểm quan tâm của thị trường tập trung ở những “ông lớn” tổ chức - Ảnh: Quang Liên.
Điểm quan tâm của thị trường tập trung ở những “ông lớn” tổ chức - Ảnh: Quang Liên.
Từ tháng 3/2009, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào một thời kỳ mới, hồi phục mạnh mẽ, sôi động chưa từng có, có những thời điểm được ghi nhận là có sức tăng trưởng mạnh nhất thế giới…

Trong bối cảnh đó, một làn gió ngược thổi từ nhiều tổ chức lớn, với loạt thông tin ồ ạt đăng ký bán ra.

Một tiêu điểm của dòng chảy này là các giao dịch của Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC) với lượng đăng ký bán phổ biến từ 1 - 2 triệu đơn vị/mã, dồn dập công bố trong tháng 5 và 6. Thống kê sơ bộ, tổng lượng đăng ký bán ra từ đầu mối này, chủ yếu liên quan đến nhóm cổ phiếu ngành dầu khí, theo thông tin đăng ký thời điểm trên, lên tới trên 10 triệu đơn vị.

Nhưng nổi bật hơn là loạt hàng đăng ký bán ra từ các tổ chức đầu tư nước ngoài.

Giao dịch nổi bật nhất là kế hoạch bán ra 6 triệu cổ phiếu VCG của hai quỹ Grinling International Ltd và Balestrand Ltd, từ 20/4 – 10/6. Hay kế hoạch của các quỹ thuộc Dragon Capital, với tổng cung tới trên 10 triệu đơn vị chỉ ở các mã REE, CII, VNM. Trước đó là giao dịch thỏa thuận từ nguồn này với hơn 4 triệu cổ phiếu BT6.

Ngoài ra, các đầu mối thuộc Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), PXP Asset Management, Wareham Group Limited, VOF Investment Limited, MeKong Enterprise Fund…, và ngay cả những tổ chức trong nước “nghề” chính không phải là đầu tư tài chính cũng có những giao dịch bán ra với khối lượng lớn.

Cùng với dòng chảy trên, thông báo bán ra của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp niêm yết, người có liên quan cũng nở rộ trong tháng 5 và 6, góp thêm mức độ của luồng gió ngược nổi bật trong kỳ sôi động của thị trường.

Đỉnh điểm, riêng trên HASTC, có ngày có tới hơn chục thông tin về các giao dịch của những “ông lớn” nói trên. Và đáng chú ý là phần lớn các giao dịch đó được thực hiện qua phương thức khớp lệnh, dù không tập trung trong một thời điểm, nhưng có ảnh hưởng nhất định đến những chỉ báo quan trọng của thị trường.

Bình thường hay bất thường?

Nếu diễn ra trong năm 2008, đặc biệt là với các giao dịch bán ra của khối đầu tư nước ngoài, một lý giải thường được đề cập đến là hoạt động rút vốn, phản ứng trước tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu…

Còn nay, trong bối cảnh thị trường hồi phục mạnh mẽ, một điểm chung được một số bình luận, phân tích đưa ra là xuất phát từ mục đích cơ cấu danh mục đầu tư. Với các giao dịch của lãnh đạo doanh nghiệp, người liên quan, có thể đơn giản hơn với những mục đích nhu cầu tài chính cá nhân, điều chỉnh cơ cấu sở hữu… Điểm quan tâm của thị trường tập trung ở những “ông lớn” tổ chức.

Là bình thường đối với điển hình PVFC. Đầu năm 2009, thông điệp từ tổng công ty này đã đưa ra khá rõ ràng, gắn với các kịch bản của VN-Index và kế hoạch kinh doanh. Trong cuộc giao lưu với nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo PVFC cho rằng việc bán ra, hoàn nhập dự phòng (năm 2008, PVFC trích dự phòng khoảng 1.800 tỷ đồng) là bình thường đối với các tổ chức đầu tư nói chung và PVFC nói riêng.

Và theo quan điểm của ông Nguyễn Đình Lâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVFC, đó không phải là “thoái đầu tư”, bởi khái niệm đó không phù hợp với nguyên tắc đầu tư của Tổng công ty.

Ông Lâm cho biết thêm: ngay từ đầu năm 2009, PVFC đã xây dựng các kịch bản thị trường để đưa ra định hướng cho hoạt động đầu tư từng thời kỳ. Ngoài việc chuyển nhượng bớt các cổ phiếu nhỏ lẻ và kém hiệu quả, PVFC cũng đã hiện thực hoá lợi nhuận bằng việc chuyển nhượng một số mã cổ phiếu chủ chốt trong danh mục, đồng thời thực hiện các gói đầu tư mới, tăng cường đầu tư vào một số cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch của các doanh nghiệp lớn có kết quả kinh doanh năm 2008 tốt, tỷ lệ cổ tức cao, tính thanh khoản tốt.

“Chiến lược đầu tư này PVFC đã và đang triển khai hiệu quả cũng như sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới”, ông Lâm nói.

Đặt trong bối cảnh thị trường đi lên mạnh, gắn với mốc trích lập dự phòng trước đó với VN-Index ở 315 điểm, kế hoạch hoàn nhập dự phòng của PVFC có nhiều thuận lợi. Các dữ liệu cụ thể liên quan đến kế hoạch này dự kiến đến 30/6 PVFC mới chính thức công bố, nhưng thông tin bước đầu gián tiếp hé mở: chỉ trong 6 tháng đầu năm, PVFC dự tính đạt khoảng 400 tỷ đồng lợi nhuận, bằng cả mức kế hoạch cả năm đặt ra trước đó, tất nhiên trong đó có đóng góp lớn của cả hoạt động tín dụng và dịch vụ.

Về phía các quỹ, trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Xuân Minh, Tổng giám đốc Quỹ Vietnam Asset Management (VAM) cho rằng: “Trong thời gian vừa qua, thị trường đã có những giai đoạn tăng điểm quá nóng và giá của nhiều cổ phiếu được đẩy lên quá nhanh so với giá trị thực và triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế, các tổ chức bán ra những cổ phiếu này với số lượng lớn để chốt lời cũng như tái cơ cấu lại danh mục đầu tư cho phù hợp hơn”.

Và theo quan điểm của Tổng giám đốc VAM, “đây là động thái hoàn toàn bình thường và hợp lý. Điều này cũng giúp thị trường tự điều chỉnh một cách lành mạnh và sự tăng điểm sẽ được bền vững hơn trong thời gian lâu dài”.

Dù có những trường hợp quá nóng, nhưng về cơ sở đi lên chung của thị trường, ông Minh nhận định đó là xuất phát từ nền kinh tế và thị trường Việt Nam vừa qua có những chuyển biến hồi phục tích cực; gói kích cầu của Chính phủ đã mang lại nhiều hiệu quả; tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp cũng đã qua thời gian khó khăn nhất và bắt đầu sáng sủa hơn; hàng tồn kho đã giảm nhiều, lãi suất vay ngân hàng cũng giảm và nới lỏng hơn, và lợi nhuận cũng đã bắt đầu hồi phục…

“Tại VAM, chúng tôi vẫn tiếp tục tin tưởng vào tiềm năng lâu dài của thị trường Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, khi thị trường thế giới đã ổn định hơn và bắt đầu hồi phục, chúng tôi đã chuẩn bị và đang đẩy mạnh việc huy động thêm vốn cho các quỹ Việt Nam mới của VAM. Trước mắt thì việc huy động vốn vẫn chưa dễ vì các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn dè dặt, nhưng tôi nghĩ nếu tình hình kinh tế và các công ty của chúng ta vẫn tiếp tục phục hồi, thì họ sẽ chắc chắn quan tâm và quay lại”, ông Minh cho biết thêm.

Một chi tiết khác đáng chú ý, đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài từ chối đưa ra lý giải cụ thể về các giao dịch bán ra khá lớn vừa qua, liên quan đến nguyên tắc đầu tư của quỹ, nhưng ông cho biết có một sự trùng hợp thuận lợi là những giao dịch đó đã được xác định từ đầu năm, nhưng đến thời điểm trên mới chính thức được các đầu mối liên quan chấp thuận. Và theo đó, có thể xem là “một điểm hẹn” bình thường.

Trong phản hồi của một số nhà đầu tư về VnEconomy thời gian gần đây, liên quan đến những giao dịch của các “ông lớn”, quan điểm chung được đưa ra là cần tìm đến câu trả lời cụ thể nhất từ chính phản ứng của thị trường. Đó là diễn biến trong mong đợi của nhiều nhà đầu tư từ tháng 3 trở lại đây. Và quan trọng hơn là thị trường có một sức cầu đủ mạnh để bao trọn những giao dịch đó. Tất nhiên, trong đó phải kể đến dòng chảy mua vào mạnh mẽ của các tổ chức, nhưng khá hạn chế ở khối đầu tư nước ngoài, nhất là từ đầu tháng 6 đến nay.