“Ông thư ký”
15 giờ 10 phút chiều thứ Bảy ngày 29/5/1999 đã trở thành một thời khắc khó quên của ông Nguyễn Đình Cung
Giới doanh nhân và nhiều người thường gọi ông bằng biệt danh: “Ông thư ký Luật Doanh nghiệp”.
Tham gia chấp bút cho bốn đạo luật đặt nền tảng cho hoạt động của doanh nghiệp hiện nay, đối với ông Nguyễn Đình Cung đó cũng là một quá trình miệt mài tìm kiếm, tự mình đổi mới tư duy của chính mình, nhờ lăn lộn với thực tế.
15 giờ 10 phút chiều thứ Bảy ngày 29/5/1999 đã trở thành một thời khắc khó quên của ông Nguyễn Đình Cung. Ngồi phía sau cánh gà hội trường Quốc hội, ông và các thành viên Ban soạn thảo thở phào nhẹ nhõm khi nghe Phó chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân công bố kết quả bỏ phiếu thông qua toàn văn dự án Luật Doanh nghiệp.
Suốt ba tuần Quốc hội thảo luận, có lúc tưởng chừng như dự án sẽ không được như mong muốn vậy mà sau đó, số phiếu thuận đạt tới 84,5%. Thành công ngoài sức tưởng tượng!
Phía sau hội trường, người ta thấy Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá ôm chầm lấy Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh trong niềm vui khó tả. Không chỉ vui vì kết quả, ông Cung còn cảm nhận được rằng với việc thông qua Luật Doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam sẽ có một sự biến chuyển lớn.
Trong thực tế, sự biến chuyển đã diễn ra còn lớn hơn nhiều so với cảm nhận ban đầu. Bảy tháng đầu năm 2000 (năm Luật Doanh nghiệp có hiệu lực), số doanh nghiệp đăng ký thành lập đã tăng gấp hơn ba lần so với cùng kỳ năm 1999. Và hai năm sau khi thực thi Luật Doanh nghiệp, con số này đã bằng gần cả chín năm trước đó cộng lại!
Rồi hai năm tiếp theo, số doanh nghiệp đăng ký mới đã tăng vọt lên gấp đôi so với giai đoạn 1991-1999.
Một thời xin-cho
Ý tưởng xây dựng Luật Doanh nghiệp năm 1999 bắt đầu từ một chuyện khá đơn giản. Đó là vào ngày 30/6/1994, Trọng tài Kinh tế Nhà nước phải giải thể và chuyển chức năng đăng ký kinh doanh của cơ quan này sang cho cơ quan kế hoạch và đầu tư.
Và như vậy là phải sửa Luật Công ty (1990) và Luật Doanh nghiệp tư nhân (1990) vì hai luật này quy định việc đăng ký kinh doanh phải được thực hiện tại Trọng tài Kinh tế Nhà nước.
Để đáp ứng tình hình thực tế đó, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty đã được thông qua và nội dung sửa đổi này là chuyển đổi chức năng đăng ký kinh doanh sang hệ thống cơ quan kế hoạch và đầu tư. Trong khi sửa đổi hai luật này, nhóm soạn thảo nhận thấy Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân vẫn còn quá sơ sài.
Vì vậy, không lâu sau đó, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã kiến nghị nghiên cứu xây dựng lại toàn bộ Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân. Năm 1995, công việc soạn thảo được tiến hành. Một ban soạn thảo được thành lập gồm 20 thành viên từ nhiều cơ quan do ông Trần Xuân Giá, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, làm trưởng ban và Viện trưởng Lê Đăng Doanh làm trưởng nhóm biên tập trực tiếp chỉ đạo.
Ông Cung cũng là một thành viên trong đó. Nhưng tham gia chưa được bao lâu thì ông phải đi du học ở Anh. Đến giữa năm 1996, khi dự thảo đầu tiên hoàn thành thì cũng là lúc ông trở về nước. Lúc này, do thư ký của ban soạn thảo chuyển công tác nên ông Cung được giao nhiệm vụ thay thế, làm người chấp bút chính.
Hàng loạt chuyện phi lý nảy sinh từ Luật Công ty năm 1990 và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 đã khiến nhóm soạn thảo giật mình. Mà phải đâu xa lạ gì, chính ông Cung cũng từng tham gia soạn thảo những bộ luật này.
Đó là vào năm 1988, ông đang công tác ở Ban Phân phối lưu thông, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Lãnh đạo viện nhắm “được được” nên đưa ông vào ban soạn thảo. Cả thảy, viện có ba người trực tiếp làm. Kinh nghiệm lẫn tài liệu gần như chẳng có gì. Mọi người phải chia nhau vào miền Nam với hy vọng có thể tìm được tài liệu tham khảo và gặp gỡ trao đổi với một số chuyên gia. Dự thảo đã được viết trên cơ sở cóp nhặt mỗi nơi một chút như vậy.
Và bao trùm ở hai bộ luật này vẫn là tư duy xin-cho. Ông Cung thừa nhận chính bản thân ông lúc ấy đã không thể thoát khỏi tư duy này.
Chỉ một điều khoản như “công dân Việt Nam đủ 18 tuổi có quyền thành lập doanh nghiệp theo quy định của luật này”, tưởng đơn giản nhưng khi áp dụng vào thực tế lại gây nhiều khổ sở cho người dân. Muốn có giấy phép thành lập doanh nghiệp, phải xin tới trên chục loại giấy tờ.
Mới thắng cũ
Cùng với nhóm soạn thảo Luật Doanh nghiệp, ông Cung đi nhiều nơi trong cả nước để điều tra, khảo sát. Ở đâu, ông cũng được nghe các nhà doanh nghiệp kể về nỗi khổ khi làm thủ tục gia nhập thị trường. Càng tiếp cận sâu vào thực tế ông càng sửng sốt, không ngờ người muốn làm giàu lại phải “trần ai” đến vậy. Vẽ truyền thần, đánh máy chữ, ngay cả bán báo dạo, thu gom sắt vụn, vỏ chai… cũng phải có giấy phép.
Mọi người bắt đầu “sờ mó” được những nguy hại của cơ chế xin-cho. Tuy nhiên, để từ bỏ được nó và tìm ra một cơ chế khác tiến bộ hơn không phải là chuyện ngày một ngày hai. Tư tưởng “doanh nghiệp được kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm” giờ đã khá quen thuộc nhưng lúc đó lại không dễ tiếp thu.
Trong suốt bốn năm, với hàng trăm cuộc hội thảo và những chuyến đi khảo sát thực tế, dự thảo Luật Doanh nghiệp phải sửa đi sửa lại và phải đến lần thứ 14 mới hoàn chỉnh. Khi đọc dự thảo, thấy thành lập doanh nghiệp không còn phải “xin” nữa mà chỉ cần đăng ký thôi, rồi “doanh nghiệp được kinh doanh những ngành nghề không thuộc đối tượng cấm”…, giới doanh nhân rất ủng hộ. Giai đoạn lấy ý kiến từ các bộ ngành và thông qua Chính phủ sau đó diễn ra khá suôn sẻ.
Thế nhưng, khi trình lên các ủy ban của Quốc hội thì lại căng. Một số chuyên viên yêu cầu phải viết lại dự thảo theo hướng hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp phải có chứng nhận này, xác nhận nọ, nghĩa là có nguy cơ quay lại “xin- cho”. Nhóm soạn thảo phải bám thật chắc vào chủ trương đổi mới của Đảng, rồi chứng minh qua kết quả điều tra thực tế. Nhờ vậy, vượt qua được “cửa ải”.
Tuy nhiên, khi đưa ra thảo luận ở Quốc hội mới thật sự căng thẳng. Một số đại biểu bày tỏ thái độ không đồng ý với dự luật ngay từ ngày đầu tiên (7/5/1999). Những vấn đề như bỏ vốn pháp định, cơ chế đăng ký, một số loại hình doanh nghiệp mới (công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty hợp doanh…), tên dự luật, nơi đặt cơ quan đăng ký kinh doanh… được tranh luận nhiều nhất.
Thậm chí, có đại biểu đặt câu hỏi: “Nếu luật thoáng như vậy, sau một đêm doanh nghiệp sẽ mọc lên như nấm thì sao?”.
Niềm vui mới
Nhưng cuối cùng, dự luật cũng được Quốc hội thông qua. Luật Doanh nghiệp được Quốc hội phê chuẩn vào ngày 12-6-1999. Tuy nhiên, để luật thực sự đi vào cuộc sống là cả một hành trình đầy gian nan. Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ vẫn phải tiếp tục kiên trì đấu tranh với cái cũ.
“Sống chết” với Luật Doanh nghiệp, cùng với các ông Lê Đăng Doanh, Cao Bá Khoát (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), luật sư Trần Hữu Huỳnh (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), bà Phạm Chi Lan (VCCI), ông Dương Đăng Huệ, bà Nguyễn Thị Bích Vân (Bộ Tư pháp), ông Nguyễn Văn Phúc (Vụ Kinh tế- Ngân sách của Quốc hội), ông Vũ Quốc Tuấn (Ban Nghiên cứu của Thủ tướng), ông Nguyễn Thái Sơn (Văn phòng Chính phủ)…, giới báo chí và doanh nghiệp thường xuyên chứng kiến một “ông thư ký” với cặp kính dày cộm xuất hiện trong các cuộc hội thảo, diễn đàn, lúc thì ở miền Bắc, lúc thì ở miền Nam để nói về giấy phép con, cơ chế “hậu kiểm”…
Nhưng Luật Doanh nghiệp vẫn có hạn chế lớn là chưa tạo được một sân chơi chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp. Vì vậy, đến năm 2003 Chính phủ yêu cầu phải sửa luật theo hướng khắc phục khiếm khuyết trên. Ông Cung tiếp tục được tham gia vào nhóm soạn thảo với vai trò chấp bút chính.
So với các lần trước, việc soạn thảo lần này thuận lợi hơn nhiều vì đã có tư tưởng chỉ đạo của bên “đặt hàng”. Lúc bắt tay vào làm, nhóm soạn thảo lo nhất là đối tượng doanh nghiệp nhà nước bị gạt ra ngoài dự luật. Dù chưa đến mức như vậy nhưng quả nhiên khi trình ra Quốc hội xem xét, một số đại biểu đề nghị dành “đặc ân” cho đối tượng này bằng một chương điều chỉnh riêng. May sao ý kiến trên thuộc thành phần thiểu số.
Và ngày 29/11/2005, thêm một niềm vui nữa đến với ông Cung: Luật Doanh nghiệp (chung) đã được Quốc hội thông qua.
* Ông Nguyễn Đình Cung tốt nghiệp Đại học Kinh tế Praha (Tiệp Khắc) năm 1982. Thạc sĩ kinh tế của Đại học Manchester (Anh) năm 1996. Nguyên Thư ký Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp 1999. Hiện ông là Trưởng ban Kinh tế vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, kiêm Thư ký Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2005.