Ông Trump bất ngờ để ngỏ khả năng quay lại TPP
“Tôi sẽ tham gia TPP nếu chúng tôi có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn nhiều”, ông Trump nói
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/1 bất ngờ tuyên bố để ngỏ khả năng quay lại với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các nước châu Á trong hiệp định này đã phản ứng với tuyên bố này của nhà lãnh đạo Mỹ bằng cả hy vọng và hoài nghi, tờ báo Nhật Bản Nikkei cho hay.
Sau phát biểu của ông Trump, giới chức các nước trong TPP và cả các nhà đầu tư đều cố gắng xác định xem vị Tổng thống từng là doanh nhân muốn hướng đến điều gì. Trong khi lãnh đạo các nước Nhật và Australia tỏ ra hy vọng, thì hầu hết các nước châu Á khác vẫn im lặng chờ đợi một sự làm rõ trong bài phát biểu của ông Trump tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ trong ngày thứ Sáu (26/1).
Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC tại Davos, ông Trump phát tín hiệu sẵn sàng đưa Mỹ quay trở lại đàm phán TPP. Tuyên bố này là một sự dịch chuyển khỏi những lời chỉ trích trước đây của ông Trump cho rằng tự do thương mại khiến người lao động Mỹ mất việc làm.
"Tôi sẽ tham gia TPP nếu chúng tôi có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn nhiều. Thỏa thuận hiện nay quá tệ, cấu trúc của thỏa thuận quá tệ. Nếu chúng tôi có được một thỏa thuận tốt hơn nhiều, tôi sẵn sàng tham gia", ông Trump nói với CNBC.
Sau khi lên cầm quyền vào năm ngoái, ông Trump đã rút Mỹ khỏi TPP. Sau khi Mỹ rời thỏa thuận, Nhật Bản đã dẫn đầu những nỗ lực thúc đẩy một "TPP 11" không có Mỹ, nhưng vẫn luôn nói để ngỏ cánh cửa cho Washington quay trở lại thỏa thuận và các quốc gia khác tham gia.
Hôm thứ Ba tuần này, Nhật tuyên bố thỏa thuận TPP không có Mỹ có thể sẽ được ký kết vào tháng 3 năm nay.
"Các điều khoản của TPP 11 đã được quyết định, và chúng tôi nghĩ rằng ưu tiên lúc này là đưa TPP 11 vào thực thi", Bộ trưởng phụ trách TPP của Nhật, ông Toshimitsu Motegi, nói ngày 26/1. Tuy nhiên, ông Motegi cũng "hoan nghênh việc Mỹ đã nhận ra tầm quan trọng của TPP".
"Chúng tôi hoan nghênh Tổng thống Trump đã bắt đầu bày tỏ mối quan tâm tích cực đối với thỏa thuận, dù điều đó đi cùng với nhiều điều kiện", Bộ trưởng Bộ Thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko nói thêm.
Về phần mình, Australia tỏ ra hoài nghi hơn về triển vọng Mỹ sớm quay lại với đàm phán TPP.
"Tôi không kỳ vọng Mỹ sẽ sớm gia nhập TPP. Chắc chắn là chúng tôi không trông chờ điều đó", Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nói. "Nhưng nếu họ quay lại thì đó là điều tuyệt vời".
Theo một quan chức Nhật, ông Trump đang cần được Quốc hội Mỹ gia hạn thẩm quyền về xúc tiến thương mại để có thể hoàn tất việc đạt một Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) tốt hơn với Mexico và Canada. Lời hứa về một TPP tốt hơn có thể giúp ông Trump thuyết phục Quốc hội Mỹ và cộng đồng doanh nghiệp nước này ủng hộ việc ông được gia hạn thẩm quyền xúc tiến thương mại.
TTP 11, thỏa thuận đã được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bao trùm 15% nền kinh tế toàn cầu. Thỏa thuận nhằm cắt giảm hàng rào thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ giữa 11 quốc gia, đồng thời bo gồm các quy định về tiêu chuẩn môi trường và lao động.
Việc đàm phán TPP 11 hoàn tất diễn ra cũng thời điểm khi Mỹ, Mexico và Canada quay trở lại bàn đàm phán về điều chỉnh NAFTA. Trong cuộc trao đổi với CNBC, ông Trump tiếp tục cảnh báo rằng nếu không đạt thỏa thuận như mong muốn, ông sẽ rút Mỹ ra khỏi NAFTA.
"Tôi có thể rút khỏi NAFTA, mà cũng có thể không", ông chủ Nhà Trắng nói. "Tôi cho rằng chúng tôi có một cơ hội tốt (để điều chỉnh NAFTA), nhưng chúng tôi sẽ chờ xem điều gì xảy ra".