20:25 15/10/2024

OpenAI: Chuyển đổi cơ cấu vì lợi nhuận nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng

Bảo Ngọc

OpenAI đang nỗ lực thay đổi cơ cấu công ty theo hướng vì lợi nhuận. Những thay đổi có thể mang lại cho doanh nghiệp nhiều quyền quyết định hơn và thu hút nhiều nhà đầu tư hơn…

OpenAI đứng trước cuộc cải tổ cơ cấu tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
OpenAI đứng trước cuộc cải tổ cơ cấu tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Theo Business Insider, OpenAI đang triển khai quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp với quy mô chưa từng có.

Tháng trước, nhà sản xuất ChatGPT đã thông báo sẽ chuyển đổi mô hình thành công ty công ích (public benefit corporation), giống với đa số đối thủ cạnh tranh như Anthropic và xAI. 

HÀNH TRÌNH PHI LỢI NHUẬN SẮP KẾT THÚC 

Kể từ khi ra mắt vào năm 2015, OpenAI hoạt động dưới sự giám sát của Hội đồng phi lợi nhuận, cùng sứ mệnh phát triển trí tuệ nhân tạo tổng quát an toàn và có lợi cho nhân loại. Công ty bổ sung thêm một nhánh vì lợi nhuận vào năm 2019 nhằm nâng cao khả năng gây quỹ tài trợ phục vụ mục tiêu chung.

Giờ đây, khi công ty ngày càng khẳng định được tiếng vang trên thị trường, những người ủng hộ lại mong muốn thu về lợi nhuận từ khoản đầu tư ban đầu. Khoản đầu tư trị giá 6,6 tỷ USD mà công ty vừa hoàn tất trong vòng gọi vốn mới nhất được cho là một trong những thỏa thuận lớn nhất lịch sử Thung lũng Silicon. Như một phần điều kiện của thoả thuận, OpenAI sẽ chuyển sang cấu trúc vì lợi nhuận thông thường. Nếu công ty không hoàn tất quá trình chuyển đổi trong vòng hai năm tới, các nhà đầu tư có thể yêu cầu hoàn lại tiền, Axios đưa tin.

CÔNG TY CÔNG ÍCH 

Theo Viện Thông tin Pháp lý tại Trường Luật Cornell, công ty công ích là doanh nghiệp vì lợi nhuận "được thành lập nhằm tạo ra lợi ích xã hội và công cộng, đồng thời hoạt động theo phương châm có trách nhiệm và đảm bảo tính bền vững" .

Không giống như doanh nghiệp vì lợi nhuận truyền thống, chủ yếu tập trung vào mục tiêu tối đa hóa giá trị cổ đông, công ty công ích phải cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan với lợi ích của nhân viên cũng như khách hàng.

Ông Travis Borden, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch công ty tư vấn Keene Advisors, chia sẻ với Business Insider rằng một trong những lợi ích của hình thức công ty công ích mà OpenAI đang hướng đến là cấu trúc mới có thể đóng vai trò như bức tường thành chống lại các yêu cầu từ nhà đầu tư.

Ông Borden cho biết, trong công ty thông thường, "nếu giá cổ phiếu tụt dốc và không tăng trưởng nhanh như mong đợi, một số nhà đầu tư tích cực có thể vào cuộc, nắm giữ vị trí trong Hội đồng quản trị, thậm chí đe dọa kiện cáo hay thực hiện một số hành động tương tự, đồng thời buộc công ty phải đưa ra biện pháp thực sự nhằm tối đa hóa lợi nhuận".

Tuy nhiên, trong công ty công ích, Hội đồng quản trị sẽ có nhiều quyền quyết định hơn.

"Hội đồng quản trị có thể giải thích rằng, ngoài việc tạo ra lợi nhuận và tối đa hóa giá trị, lợi ích dành cho cộng đồng cũng là một trong những sứ mệnh mà công ty theo đuổi. Vì vậy, cơ cấu này giúp công ty có lý do để khẳng định rằng họ không nhất thiết phải tối đa hóa lợi nhuận ngắn hạn bằng mọi giá", nhà sáng lập Keene Advisors cho biết.

Ông Borden dự đoán một khi nhận được sự chấp thuận của đa số cổ đông, OpenAI cần thay đổi cấu trúc theo Luật Tổng công ty của Tiểu bang Delaware, nơi công ty đặt trụ sở. Vị chuyên gia cũng chia sẻ thêm rằng công ty cũng cần xác định "lợi ích công cộng" như một phần sứ mệnh của công ty mới.

Lợi ích công cộng hiện tại được nêu rõ trong tầm nhìn của OpenAI: phát triển công nghệ theo cách an toàn và mang lại lợi ích cho nhân loại.

Nhưng việc tái cấu trúc của OpenAI diễn ra khi rất nhiều người cả trong và ngoài công ty đều đặt câu hỏi về cam kết đối với sứ mệnh trên.

VẤN ĐỀ AN TOÀN AI CHƯA ĐƯỢC GIẢI QUYẾT 

Tháng 11 năm ngoái, Hội đồng quản trị công ty đã không thành công trong việc phế truất Giám đốc Điều hành Sam Altman, với cáo buộc vị CEO không "trung thực trong giao tiếp". Sự việc ngầm công khai bối cảnh rạn nứt ngày càng lớn trong công ty giữa hai trường phái: mong muốn tối đa hóa lợi nhuận và lo ngại về mối nguy hiểm của việc phát triển công nghệ quá mức. 

Kể từ đó, một số nhà nghiên cứu và Giám đốc Điều hành cấp cao, chủ yếu là thành viên thuộc nhóm tập trung vào vấn đề an toàn, đã tuyên bố rời công ty, bao gồm nhà khoa học trưởng kiêm đồng sáng lập Ilya Sutskever, Giám đốc Liên kết Jan Leike và gần đây nhất là Giám đốc Công nghệ Mira Murati.

Nhiều nhà lãnh đạo chủ chốt của OpenAI lần lượt rời đi. 
Nhiều nhà lãnh đạo chủ chốt của OpenAI lần lượt rời đi. 

Vì vậy, khi quyết định tái cấu trúc, Open AI phải chịu áp lực lớn về việc nêu rõ sứ mệnh và chứng minh công ty nghiêm túc với sứ mệnh đó.

"Công ty luôn nhấn mạnh về việc mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại, và đó có thể là một phần trong bộ nguyên tắc mà OpenAI cố gắng đưa vào mục tiêu lợi ích công cộng của hãng, rằng công cụ trí tuệ nhân tạo, ngoài việc tạo ra lợi nhuận rõ ràng cho cổ đông, sẽ mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại", ông Borden bày tỏ. Nhưng "đó là tuyên bố khá chung chung".

Vị Chủ tịch cho biết điểm tích cực là một khi xác định được sứ mệnh của công ty, Hội đồng quản trị và nhóm quản lý sẽ có "quyền tự chủ" hơn trong việc ra quyết định.

Bà Jens Dammann, Giáo sư tại Trường Luật Đại học Texas, chia sẻ với The Information rằng OpenAI có thể sẽ thấy định hướng chuyển đổi này rất hấp dẫn.

Bà Jens Dammann chia sẻ: "Nếu có thể truyền đạt cho công chúng ý tưởng rằng công ty bạn là một doanh nghiệp tốt, một doanh nghiệp an toàn về mặt đạo đức và có rất ít ràng buộc, viễn cảnh đó hẳn sẽ rất thu hút đội ngũ lãnh đạo".

OpenAI không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ Business Insider.