02:40 01/01/2025

OpenAI "khát vốn" sau khi chuyển đổi mục đích hoạt động vì lợi nhuận

Bảo Ngọc

Trong bài đăng trên blog, OpenAI đã vạch ra kế hoạch ban đầu về việc thay đổi cơ cấu công ty nhằm huy động thêm vốn và tăng trưởng…

OpenAI cần huy động nhiều vốn hơn nữa nhằm phát triển các dự án lớn trong tương lai.
OpenAI cần huy động nhiều vốn hơn nữa nhằm phát triển các dự án lớn trong tương lai.

Cuối tuần trước, OpenAI cho biết khi chuyển sang cơ cấu vì lợi nhuận mới vào năm 2025, hãng sẽ thành lập một Doanh nghiệp Phúc lợi Công cộng (PBC) nhằm giám sát hoạt động thương mại, xóa bỏ một số hạn chế phi lợi nhuận và cho phép công ty hoạt động giống một startup có tốc độ tăng trưởng cao, theo CNBC.

“Hàng trăm tỷ USD mà đa số đại gia công nghệ hiện đang đầu tư vào phát triển AI càng nhấn mạnh điều cần thiết với OpenAI vào lúc này nếu muốn tiếp tục theo đuổi sứ mệnh”, ban quản trị OpenAI viết trong bài đăng. “Chúng tôi một lần nữa cần huy động nhiều vốn hơn tưởng tượng. Nhiều nhà đầu tư muốn ủng hộ nhưng ở quy mô này, chúng tôi cần vốn chủ sở hữu thông thường và ít thay đổi về mặt cấu trúc”.

Áp lực đối với OpenAI gắn liền với mức định giá 157 tỷ USD đạt được chỉ trong hai năm kể từ khi ra mắt chatbot nổi tiếng ChatGPT, từ đó khởi động kỷ nguyên bùng nổ trí tuệ nhân tạo tạo sinh. OpenAI đã đóng vòng gọi vốn mới nhất trị giá 6,6 tỷ USD vào tháng 10, sẵn sàng cạnh tranh trực diện với xAI của tỷ phú Elon Musk cũng như Microsoft, Google,  Amazon và Anthropic tại thị trường được dự đoán sẽ đạt doanh thu lên tới 1 nghìn tỷ USD  trong thập kỷ tới.

Quá trình phát triển mô hình ngôn ngữ lớn và các sản phẩm AI tạo sinh đòi hỏi đầu tư liên tục vào bộ xử lý mạnh mẽ chủ yếu do Nvidia cung cấp cũng như cơ sở hạ tầng đám mây từ nhà tài trợ hàng đầu Microsoft.

OpenAI dự kiến lỗ khoảng 5 tỷ USD trên doanh thu 3,7 tỷ USD trong năm nay. 

QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI CẤU TRÚC GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN 

OpenAI cho biết bằng cách chuyển đổi thành PBC “với cổ phiếu phổ thông”, hãng có thể theo đuổi hoạt động thương mại, đồng thời tuyển dụng riêng nhóm nhân viên cho bộ phận phi lợi nhuận, cho phép bộ phận thực hiện hoạt động thiện nguyện trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục hay khoa học.

Bộ phận phi lợi nhuận được hưởng “lợi ích đáng kể” trong PBC “theo mức định giá hợp lý do cố vấn tài chính độc lập xác định”, OpenAI viết thêm.

Cấu trúc phức tạp hiện nay của OpenAI là kết quả của quyết định thành lập tổ chức phi lợi nhuận vào năm 2015. Công ty được thành lập bởi CEO Sam Altman, tỷ phú Elon Musk và một số cộng sự khác với tư cách là phòng thí nghiệm nghiên cứu tập trung vào trí tuệ nhân tạo tổng quát hay AGI - khái niệm hoàn toàn xa vời ở thời điểm đó.

Vào năm 2019, OpenAI đặt mục tiêu vượt ra khỏi vai trò của phòng thí nghiệm nghiên cứu với hy vọng hoạt động giống như một công ty khởi nghiệp, hãng đã tạo ra mô hình lợi nhuận giới hạn, trong đó tổ chức phi lợi nhuận vẫn kiểm soát toàn bộ tình hình.

OpenAI nhấn mạnh, thay đổi cấu trúc “cho phép công ty huy động đủ vốn cần thiết theo các điều khoản thông thường như đối thủ cạnh tranh”.

SỰ PHẢN ĐỐI DỮ DỘI TỪ ĐỒNG SÁNG LẬP ELON MUSK

Nỗ lực tái cấu trúc của OpenAI đang đối mặt với một số rào cản lớn. Đáng kể nhất là tỷ phú Elon Musk, người đang tham gia vào cuộc chiến pháp lý căng thẳng với CEO Sam Altman.

Mới đây, ông chủ Tesla đã khởi kiện OpenAI và yêu cầu Tòa án ngăn chặn công ty chuyển đổi từ mô hình phi lợi nhuận sang vì lợi nhuận. Trong bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X, ông Musk mô tả nỗ lực của OpenAI là “trò lừa đảo hoàn toàn” và tuyên bố “OpenAI thật xấu xa”. Đầu tháng vừa qua, OpenAI chính thức phản pháo, cáo buộc vào năm 2017, CEO Musk “không chỉ mong muốn mà còn thực sự tạo ra một công ty vì lợi nhuận” nhằm phục vụ mục đích thương mại, tương tự như cấu trúc mới được đề xuất.

Nhà đồng sáng lập Elon Musk yêu cầu Tòa án ngăn chặn OpenAI chuyển đổi cấu trúc. 
Nhà đồng sáng lập Elon Musk yêu cầu Tòa án ngăn chặn OpenAI chuyển đổi cấu trúc. 

HÀNG LOẠT LÃNH ĐẠO RỜI ĐI 

Ngoài sự việc đối đầu với nhà đồng sáng lập, OpenAI còn phải đối mặt với tình trạng chảy máu nhân tài cấp cao, một phần do những lo ngại rằng công ty đã quá tập trung đưa sản phẩm ra thị trường mà bỏ qua vấn đề an toàn.

Vào cuối tháng 9, Giám đốc Công nghệ Mira Murati tuyên bố rời OpenAI sau hơn 6 năm gắn bó. Cùng ngày, Giám đốc Nghiên cứu Bob McGrew và Phó Chủ tịch phụ trách Nghiên cứu Barret Zoph cũng tuyên bố rời công ty. Một tháng trước đó, đồng sáng lập John Schulman cũng quyết định chuyển sang làm việc tại đối thủ lớn nhất của OpenAI, Anthropic.

Hàng loạt lãnh đạo kỳ cựu bao gồm CTO Mira Murati lần lượt tuyên bố rời OpenAI. 
Hàng loạt lãnh đạo kỳ cựu bao gồm CTO Mira Murati lần lượt tuyên bố rời OpenAI. 

Trong cuộc phỏng vấn tại Tuần lễ Công nghệ Italia, CEO Altman khẳng định sự ra đi gần đây của các Giám đốc Điều hành không liên quan đến khả năng tái cấu trúc của công ty.

Đây không phải lần đầu hàng loạt “lão tướng” của OpenAI rời đi. Vào tháng 5, đồng sáng lập Ilya Sutskever và Giám đốc An toàn Jan Leike cũng tuyên bố từ chức, ông Leike sau đó gia nhập Anthropic.

Cựu Giám đốc An toàn viết trong bài đăng trên mạng xã hội vào thời điểm đó rằng sự bất đồng quan điểm với ban lãnh đạo về những ưu tiên của công ty đã thúc đẩy ông đưa ra quyết định.

Ông Leike bày tỏ: “Trong nhiều năm qua, văn hóa và quy trình an toàn đã phải nhường chỗ cho những sản phẩm hào nhoáng” .

Một nhân viên làm việc dưới quyền Giám đốc Leike nghỉ việc ngay sau nhà lãnh đạo cho biết trên X: “OpenAI được cấu trúc như tổ chức phi lợi nhuận, nhưng lại hoạt động như tổ chức vì lợi nhuận”. Nhân viên giấu tên nói thêm, “Bạn không nên tin vào lời hứa sẽ chú ý đến vấn đề an toàn trong tương lai của OpenAI”.