11:41 11/10/2007

Outsourcing phải chờ luật!

Để sử dụng dịch vụ thuê ngoài mà không phải nơm nớp lo sợ bị kiện, bị thanh tra thì doanh nghiệp chỉ có cách chờ luật!

Trước tình hình khan hiếm nhân lực như hiện nay, việc mua dịch vụ cung ứng lao động có thể xem là một giải pháp khả thi cho nhiều doanh nghiệp.
Trước tình hình khan hiếm nhân lực như hiện nay, việc mua dịch vụ cung ứng lao động có thể xem là một giải pháp khả thi cho nhiều doanh nghiệp.
Câu chuyện dưới đây ghi được tại hội thảo “Giải pháp cho vấn đề thiếu nhân lực”, do Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 tổ chức hồi tuần rồi tại Saigon Times Club.

Vừa qua, một doanh nghiệp trong ngành sản xuất thực phẩm bị kiện ra tòa vì sử dụng dịch vụ thuê ngoài (outsourcing), dù theo luật việc này là được phép. Do quản lý số lao động lên đến cả ngàn người, nhiều năm qua doanh nghiệp này phải duy trì một lực lượng bảo vệ khá “hùng hậu”.

Tuy nhiên, do số nhân viên này vừa không được đào tạo chuyên môn về bảo vệ, vừa thiếu kiên quyết trong hành xử công việc nên dẫn đến nạn thất thoát vật liệu, sản phẩm khá thường xuyên. Sau nhiều lần cân nhắc, doanh nghiệp đã quyết định giảm biên chế toàn bộ lực lượng bảo vệ, để thuê dịch vụ bên ngoài.

Vụ việc có vẻ thấu lý nhưng chưa đạt tình này đã gây nên những bức xúc ghê gớm, nhất là khi trong lực lượng bảo vệ có người đã gắn bó với doanh nghiệp hơn 10 năm. Tòa sơ thẩm công nhận vụ việc đúng luật, vì khi có thay đổi cơ cấu tổ chức, doanh nghiệp được phép cho nhân viên nghỉ việc.

Tuy nhiên, vụ việc lại bị lật ngược ở giai đoạn phúc thẩm, khi tòa cho rằng doanh nghiệp sa thải nhân viên trái luật, vì thực tế công việc bảo vệ vẫn tồn tại, doanh nghiệp vẫn phải thuê bảo vệ từ bên ngoài thì tại sao lại sa thải nhân viên của mình.

Vấn đề chỉ được sáng tỏ với quyết định của giám đốc thẩm: doanh nghiệp có thể đóng cửa một mảng hoạt động trong nội bộ, nếu xét thấy hoạt động này không hiệu quả. Hơn nữa, việc thuê dịch vụ từ bên ngoài thuộc quyền chủ động trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Một dẫn chứng khác. Trong đợt thanh tra các vụ đình công ở Đồng Nai vừa qua, thanh tra phát hiện nhiều doanh nghiệp ở đây sử dụng lực lượng lao động thuê ngoài. Họ cho rằng điều này là sai luật, vì theo quy định của Bộ luật Lao động, doanh nghiệp phải ký hợp đồng trực tiếp với người làm việc cho mình. Việc thuê lao động bên ngoài là đùn đẩy trách nhiệm phải có với người làm công sang một doanh nghiệp khác, có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Và do phạm luật nên các doanh nghiệp được yêu cầu… ngừng thuê lao động bên ngoài.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lại cho rằng các cơ quan chức năng chưa thấu hiểu nhu cầu của doanh nghiệp. Việc thuê lao động bên ngoài, thực chất là mua dịch vụ của các đơn vị cung ứng lao động, là để giải quyết tức thời nhu cầu về nhân công, đối với một số mảng công việc có tính chất thời vụ. Nếu không thì họ sẽ tìm đâu ra một lực lượng lao động đủ người, có các kỹ năng phù hợp với công việc yêu cầu và nhanh chóng đạt thỏa thuận với mức lương họ đề nghị.

Trên thực tế, có sự khác biệt giữa thuê lao động và mua dịch vụ cung ứng lao động. Một đằng là doanh nghiệp tự đứng ra thỏa thuận với nhân công làm thời vụ; phía kia là doanh nghiệp mua dịch vụ từ một công ty chuyên nghiệp. Điểm giống nhau giữa hai hình thức này là doanh nghiệp đưa một lượng nhân công “ngoài hợp đồng lao động” về làm việc tại cơ sở của mình. Đây chính là ranh giới giữa đúng và sai tùy theo cách hiểu và vận dụng luật.

Trước tình hình khan hiếm nhân lực như hiện nay, việc mua dịch vụ cung ứng lao động có thể xem là một giải pháp khả thi cho nhiều doanh nghiệp. Sử dụng dịch vụ lao động thuê ngoài có lợi cho doanh nghiệp và cả xã hội. Doanh nghiệp có thể thương lượng để có được nguồn lực ưng ý; xã hội giải quyết được việc làm thường xuyên cho những người lao động thời vụ.

Tuy nhiên để sử dụng dịch vụ này mà không phải nơm nớp lo sợ bị kiện, bị thanh tra thì doanh nghiệp chỉ có cách chờ luật!