17:35 10/05/2014

PAN dồn dập kế hoạch huy động hàng nghìn tỷ cho M&A

Thu Thủy

Sau khi huy động 650 tỷ vào quý 1/2014, PAN lại tiếp tục lên kế hoạch huy động 1.300 tỷ đồng cho hoạt động M&A

Quang cảnh đại hội đồng cổ đông Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình (PAN-HOSE) chiều 10/5.
Quang cảnh đại hội đồng cổ đông Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình (PAN-HOSE) chiều 10/5.
Sau khi huy động 650 tỷ đồng vốn cách đây chưa lâu, PAN lại tiếp tục lên kế hoạch huy động 1.300 tỷ đồng cho hoạt động mua bán, sáp nhập công ty (M&A) trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm.

Tại đại hội đồng cổ đông Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình (PAN-HOSE) chiều 10/5, Ban điều hành công ty đã trình đại hội thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2014 với doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.530 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 130 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 50 tỷ đồng. Nếu đạt kế hoạch trên, PAN sẽ chia cổ tức 10% bằng tiền.

Lãnh đạo PAN cho rằng, công ty đang hướng vào mục tiêu mua bán sáp nhập nên chưa thể thu về những khoản lợi nhuận cao ngay trong năm 2014, nên mục tiêu kinh doanh năm nay chưa cao như kỳ vọng của cổ đông. Và do đó, lãnh đạo PAN cho rằng, năm nay công ty không đặt mục tiêu thưởng cho lãnh đạo công ty nếu vượt kế hoạch kinh doanh.

Dù vậy, phát biểu tại đại hội, cổ đông PAN cho rằng công ty cần phải nâng kế hoạch lợi nhuận chứ không thể để thấp như vậy được.

Phát biểu trước các cổ đông, ông Nguyễn Văn Khải, Phó tổng giám đốc PAN cho rằng: “Chúng tôi không muốn làm cho cổ đông thất vọng một lần nữa, do đó, năm nay Ban điều hành xây dựng kế hoạch cẩn trọng. Tuy nhiên, khi cổ đông mong muốn một kế hoạch lợi nhuận cao hơn thì Ban điều hành sẽ cố gắng để đạt được mục tiêu mới”.

Trước các ý kiến trên, PAN đã xin ý kiến cổ đông không thông qua mục tiêu kinh doanh do Ban điều hành công ty trình, mà ủy quyền cho Hội đồng Quản trị xây dựng lại kế hoạch kinh doanh 2014 cao hơn mức do Ban điều hành trình.

Đại hội đồng cổ đông PAN cũng đã thông qua việc nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương (NSC) từ 51% lên tối đa 65% theo định hướng phát triển lâu dài của công ty (PAN dự kiến sẽ đầu tư vào NSC từ 400 tỷ đồng trở lên, tùy theo tình hình thị trường cũng như tỷ lệ chào mua thực tế tại thời điểm thực hiện chào mua).

Bên cạnh đó, phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng) theo tỷ lệ 2:1 cũng được thông qua. Cổ đông PAN cũng đồng ý với phương án phát hành ESOP cho các bộ nhân viên tối đa 1,2 triệu cổ phần với giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách tại thời điểm năm hoặc quý gần nhất.

Đáng chú ý, cổ đông PAN thông qua việc tiếp tục huy động tối đa 1.300 tỷ đồng thông qua việc phát hành riêng lẻ bằng cổ phiếu (tối đa 43.333.333 cổ phần) với giá chào bán không thấp hơn 30.000 đồng/cổ phiếu (giá chào bán đã tính đến việc pha loãng cổ phiếu thưởng tỷ lệ 2:1 và phát hành 1.200.000 cổ phiếu ESOP) và/hoặc phát hành trái phiếu chuyển đổi tối đa 1.300.000 trái phiếu, kỳ hạn từ 3-5 năm, lãi suất tối thiểu 3%/năm, giá chuyển đổi không thấp hơn 30.000 đồng/cổ phiếu.

Đại hội đồng cổ đông PAN cũng đã thông qua việc ủy quyền cho Hội đồng Quản trị quyết định xin ý kiến cổ đông nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty lên mức tối đa trong phạm vi cho phép của pháp luật mà không cần phải xin chấp thuận của đại hội đồng cổ đông.

Về nhân sự, Đại hội thông qua việc bầu bổ sung ông Michael SNG Beng Hock vào Hội đồng Quản trị, nâng số lượng thành viên Hội đồng Quản trị từ 7 người lên 8 người. Ông Michael SNG Beng Hock hiện là đồng sáng lập, CEO và thành viên hợp danh của quỹ đầu tư The Asian Entrepreneur Legacy (TAEL) Parners, giám đốc đầu tư của TAEL Funds.

Ngoài ra, đại hội cổ đông cũng thông qua đơn từ nhiệm vị trí thành viên Ban kiểm soát của bà Nguyễn Thái Hạnh Linh, bầu bổ sung ông Nguyễn Tuấn Anh thay thế.