18:10 07/11/2008

Phác thảo nội các của ông Obama

Kiều Oanh

Điểm qua danh sách ứng cử viên cho các vị trí quan trọng nhất trong nội các của vị tổng thống mới đắc cử Barack Obama

Vị trí Chánh văn phòng Nhà Trắng sẽ được đảm nhiệm bởi ông Rahm Emanuel, một nghị sỹ có quan điểm cứng rắn, đến từ Chicago - Ảnh: Reuters.
Vị trí Chánh văn phòng Nhà Trắng sẽ được đảm nhiệm bởi ông Rahm Emanuel, một nghị sỹ có quan điểm cứng rắn, đến từ Chicago - Ảnh: Reuters.
Mặc dù tới ngày 20/1/2009 tới, vị tổng thống mới đắc cử Barack Obama của Mỹ mới chính thức bước vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, tới thời điểm này, ông đã đẩy mạnh việc lên danh sách những vị trí chủ chốt trong nội các của ông.

Trong bối cảnh kinh tế Mỹ khủng hoảng và cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Afghanistan vẫn tiếp diễn, giới quan sát cho rằng, ông Obama sẽ phải nhanh chóng lựa chọn ra những gương mặt phù hợp nhất cho các chức vụ bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ Quốc phòng.

Bên cạnh đó, ông cũng phải đưa một số nhân vật bên phía đảng Cộng hòa và không theo đảng phái nào vào nội các của ông để xây dựng một nội các đảm bảo được sự ôn hòa.

Ê-kíp kinh tế

Việc lựa chọn ứng cử viên cho ghế Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ rõ ràng là công việc bổ nhiệm quan trọng số một đối với ông Obama. Người được chọn sẽ có quyền lực không giới hạn trong việc sử dụng số tiền 700 tỷ USD trong kế hoạch giải cứu ngành tài chính Mỹ.

Đứng đầu danh sách các ứng cử viên tiềm năng cho chức vụ này hiện là các nhân vật Larry Summers, Timothy Geithner và Paul Volker.

Ông Larry Summers từng là Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Clinton và gần đây hơn, ông là Chủ tịch Đại học Harvard. Ông cũng từng có thời gian làm việc trong Ngân hàng Thế giới (WB). Ông Summers nổi tiếng với tính thẳng thắn - tính cách đôi khi khiến ông gặp rắc rối - nhưng kinh nghiệm làm việc quốc tế của ông đem lại cho ông ưu thế trong việc giải quyết khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay.

Về phần mình, ứng cử viên Paul Volker nguyên là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong thập niên 1980. Khi còn đương chức, ông xung đột với Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan cũng như quan điểm lý thuyết kinh tế trọng cung, ưu tiên việc giảm thuế cho các nhà sản xuất của vị Tổng thống này.

Ông Timothy Geithner hiện đang là Chủ tịch FED bang New York. Chính ông Geithner là người đã được FED chỉ định để dàn xếp vụ bán lại ngân hàng đầu tư Phố Wall Bear Stearns cho JPMorgan Chase và giải cứu hãng bảo hiểm khổng lồ AIG, cũng như dẫn đầu các nỗ lực bất thành nhằm đưa Lehman Brothers thoát khỏi sự phá sản. Ông cũng từng là một quan chức trong Bộ Tài chính Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Clinton.

Nếu ông Obama muốn tìm kiếm một ứng cử viên ở Phố Wall - một địa danh truyền thống để tìm ứng cử viên cho ghế bộ trưởng Bộ Tài chính - người được chọn có thể sẽ là Thống đốc bang New Jersey Jon Corzine. Ông Corzine nguyên là một thượng nghị sỹ và từng là một quan chức của tập đoàn tài chính Goldman Sachs. Cần nói thêm, đương kim Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ hiện nay, ông Henry Paulson, cũng từng là một quan chức của Goldman Sachs.

Một gương mặt khác có khả năng được chọn của Phố Wall là ông Jamie Dimon, CEO của tập đoàn ngân hàng JP Morgan Chase, một trong số ít những ngân hàng lớn của Mỹ ít chịu tác động của khủng hoảng.

Ở vị trí khác trong ê-kíp kinh tế của mình, ông Obama có lẽ sẽ tiếp tục giữ ông Jason Furman ở vị trí người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia. Hiện ông Furman cũng là cố vấn kinh tế trưởng của ông Obama. Từng được Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Robert Rubin nâng đỡ và dìu dắt, ông Furman là một nhân vật rất “kỵ” chuyện thâm hụt ngân sách và ủng hộ mạnh mẽ thương mại tự do.

Bên cạnh đó, cũng xuất hiện một số thông tin báo chí cho rằng, ông Obama sẽ chọn ông Penny Pritzker, một doanh nhân tỷ phú ở Chicago, người đã chịu trách nhiệm việc tổ chức tài chính tranh cử cho ông, vào vị trí Bộ trưởng Bộ Thương mại.

Có thể khẳng định, các lựa chọn trên cho thấy ông Obama sẽ ưu tiên những nhân vật có kinh nghiệm giải quyết khủng hoảng vào những vị trí then chốt nhất trong ê-kíp kinh tế.

Tuy nhiên, ông Obama có thể sẽ tranh thủ sự ủng hộ của giới công đoàn ở Mỹ bằng cách bổ nhiệm ông Andy Stern, Chủ tịch Công đoàn Quốc tế của Công nhân viên ngành dịch vụ (SEIU), tổ chức công đoàn lớn nhất và phát triển mạnh nhất ở khu vực Bắc Mỹ, vào ghế Bộ trưởng Bộ Lao động.

Ông Stern là người sớm ủng hộ ông Obama, ngay cả khi các công đoàn ở Mỹ còn ủng hộ bà Hillary Clinton trong cuộc đua giành sự đề cử của đảng Dân chủ để chạy đua vào Nhà Trắng. Một lựa chọn khác cho chức vụ này là cựu lãnh đạo Hạ viện Richard Gephardt, một người có quan hệ khá mật thiết với giới công đoàn.

Ê kíp an ninh quốc gia

Giới quan sát cho rằng, ông Obama sẽ tìm tới các giải pháp được sự ủng hộ của cả hai đảng trong chính sách đối ngoại bằng cách bổ nhiệm những nhân vật xuất chúng bên phía đảng Cộng hòa vào các vị trí then chốt trong vấn đề an ninh quốc gia.

Nhiều khả năng, đương kim Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Robert Gates sẽ tiếp tục được giữ ở vị trí này để đảm bảo sự chuyển giao an toàn trong thời gian Mỹ có chiến tranh ở nước ngoài như hiện nay.

Tiếp đó, ông Obama có thể lựa chọn trong số hai thượng nghị sỹ có quan điểm ôn hòa của đảng Cộng hòa là Thượng nghị sỹ Richard Lugar của bang Indiana và cựu Thượng nghị sỹ Chuck Hagel của bang Nebaraska, vào vị trí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Hai nhân vật này cùng nghi ngờ cách giải quyết của chính quyền Tổng thống Bush trong cuộc chiến ở Iraq. Ông Lugar cũng đóng vai trò hàng đầu trong những nỗ lực chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Nếu ông Obama lựa chọn một thành viên của đảng Dân chủ cho ghế bộ trưởng Bộ Ngoại giao, người được chọn có thể là Thượng nghị sỹ John Kerry, hoặc Thống đốc bang New Jersey Bill Richardson - nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ.

Về chức vụ Cố vấn An ninh Quốc gia, ông Obama có thể bổ nhiệm ông Jim Steinberg, một cựu quan chức dưới thời Tổng thống Clinton và hiện đang làm tại Viện Brookings, hoặc Dennis Ross - đặc phái viên của Mỹ tại Trung Đông của chính quyền Clinton.

Bà Susan Rice, một trong những cố vấn chính sách đối ngoại chính của ông Obama trong chiến dịch tranh cử vừa qua, có khả năng sẽ trở thành đại sứ của Mỹ tại Liên hiệp quốc.

Các vị trí khác

Các nhà quan sát cho rằng, ông Obama sẽ khuyến khích sự đa dạng thành phần trong nội các của ông, và có thể sử dụng một số thống đốc theo đảng Dân chủ từ các bang ủng hộ đảng Cộng hòa vào Chính phủ để kêu gọi sự đoàn kết dân tộc.

Trong số này, phải kể tới hai nữ thống đốc là Thống đốc Janet Napolitano của bang Arizona - người có thể được lựa chọn vào ghế Bộ trưởng Bộ Tư pháp, và Thống đốc Kathleen Selelius của bang Kansas - người ủng hộ ông Obama ngay từ đầu và có thể được chọn cho vị trí Bộ trưởng Bộ Y tế và Chăm sóc sức khỏe con người.

Ngoài ra, Thống đốc Tom Vlasik của bang Iowa có thể được chọn làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp.

Có thể ông Obama cũng muốn tìm một vị trí cho cựu lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Tom Daschle, người có quan hệ rất tốt trong quốc hội nhưng đã bị mất ghế năm 2004. Tuy nhiên, ít có khả năng ông Obama sẽ dành một chức vụ bất kỳ cho ông Colin Powell, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời ông Bush, người dã ủng hộ ông Obama trong cuộc bầu cử này.

Vị trí Thư ký Báo chí cho tân Tổng thống có thể sẽ thuộc về ông Robert Gibbs, một trợ lý tranh cử của ông Obama. Ông Gibbs có phong cách vừa cởi mở, vừa cứng rắn, gây ấn tượng mạnh với báo giới.

Vị trí Chánh văn phòng Nhà Trắng sẽ được đảm nhiệm bởi ông Rahm Emanuel, một nghị sỹ có quan điểm cứng rắn, đến từ Chicago. Ông David Axelrod, chiến lược gia tranh cử cho ông Obama, “kiến trúc sư” cho chiến thắng của tân Tổng thống, đã đồng ý nắm giữ chức vụ Cố vấn Cao cấp của Nhà Trắng.

(Theo BBC, CNN, Wikipedia)