20:33 04/06/2007

“Phải biết cắt lỗ!”

Nội dung cuộc trò chuyện với ông Stuart McPhee, một chuyên gia chứng khoán người Australia

"Kinh doanh chứng khoán giống như bạn đang lập một doanh nghiệp riêng vậy, cần phải có kế hoạch kinh doanh tốt, trong đó đưa ra những cam kết và nguyên tắc riêng."
"Kinh doanh chứng khoán giống như bạn đang lập một doanh nghiệp riêng vậy, cần phải có kế hoạch kinh doanh tốt, trong đó đưa ra những cam kết và nguyên tắc riêng."
Ông Stuart McPhee, một chuyên gia chứng khoán người Australia, vừa có cuộc trao đổi với báo chí về những vấn đề đang diễn ra trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Ông cũng đưa ra những lời khuyên cho những nhà đầu tư cá nhân đang bối rối tìm hướng đi trên thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong hình dung của ông như thế nào?

Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Về Việt Nam có lẽ tôi biết khá nhiều, đặc biệt về lịch sử, còn thị trường chứng khoán thì thú thật chưa bao nhiêu.

Nhưng những gì tôi nghe được trong hội thảo và từ những người tôi gặp là thị trường chứng khoán Việt Nam đang “nóng” và nhiều loại cổ phiếu đang được định giá quá cao vì thị trường đầy những nhà đầu cơ.

Định giá quá cao, theo ông, phải được hiểu như thế nào?

Thật ra, đây là một khái niệm khá mơ hồ và mang tính chủ quan. Trên thị trường, nhiều khi chúng ta thấy giá cổ phiếu của một công ty ai cũng nói đã cao rồi nhưng giá cứ tăng mãi, cho đến một ngày thị trường điều chỉnh. Điều này gần như đã là quy luật rồi bởi giá cả do cung cầu thị trường quyết định.

Nhiều người nói giá cổ phiếu cao là do các quỹ đầu tư nước ngoài đang đổ một nguồn vốn lớn vào thị trường tài chính non trẻ Việt Nam tạo nên sức cầu lớn. Tuy nhiên, giữa những hoan hỉ khi đón nhận luồng vốn này vẫn còn những lo ngại về khả năng họ đến nhanh thì đi cũng nhanh. Ông có nghĩ vậy không?

Bản thân tôi luôn nhìn dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài dưới góc độ rất tích cực. Thử nghĩ xem, khi các quỹ đầu tư vào, họ thổi một nguồn năng lượng mới vào doanh nghiệp và thị trường, cuốn thêm các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, tạo ra dòng luân chuyển cuồn cuộn cho đồng vốn.

Còn ảnh hưởng tiêu cực ư? Tôi nghĩ điều này phụ thuộc vào bản lĩnh của Việt Nam. Chừng nào cơ hội đầu tư cho phát triển kinh tế vẫn còn thì họ chắc chắn sẽ không sớm rời cuộc chơi.

Nhưng đại diện nhiều quỹ nói nhiều khi họ “bó tay” vì không đoán được xu hướng thị trường chứng khoán Việt Nam do các nhà đầu tư cá nhân trong nước đang chiếm đến 90% thị trường, và mua bán khá “tùy tiện”?

Ở đâu cũng vậy, nếu nhà đầu tư cá nhân chiếm số lượng áp đảo thì thị trường chứng khoán sẽ có tính ít ổn định hơn những thị trường có tỷ lệ ngược lại. Một nhà đầu tư có tổ chức luôn có chiến lược kinh doanh cụ thể, không phải muốn mua lúc nào là mua, thích bán lúc nào cứ bán. Nhà đầu tư cá nhân thì làm điều này dễ dàng hơn.

Ông lý giải thế nào về hiện tượng một số người trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay hầu như không hiểu nhiều về chứng khoán, đầu tư không cần phân tích gì cả vẫn có thể kiếm được lợi nhuận?

Không nên khuyến khích trào lưu này! Đúng là sẽ có những người không hiểu về chứng khoán vẫn có thể “thắng” được, nhưng đó chỉ là những ván cờ đơn lẻ và khó có thể lặp lại. Còn nhìn xuyên suốt, cơ hội cho họ không nhiều bằng những người đã trang bị cho mình những công cụ cần thiết trước khi khởi sự kinh doanh chứng khoán.

Ông đã là một nhà kinh doanh chuyên nghiệp, vậy ông có thể tiết lộ những kinh nghiệm cần thiết cho một nhà đầu tư cá nhân khi bước chân vào thị trường chứng khoán?

Tôi tin rằng có rất nhiều người bước vào thị trường mà không hề suy nghĩ rằng nên làm như thế nào để có thể giao dịch thành công. Kinh doanh chứng khoán giống như bạn đang lập một doanh nghiệp riêng vậy, cần phải có kế hoạch kinh doanh tốt, trong đó đưa ra những cam kết và nguyên tắc riêng.

Tôi nhấn mạnh nguyên tắc quan trọng nhất khi kinh doanh chứng khoán là phải biết cắt lỗ.

Chẳng hạn, bạn mua một cổ phiếu giá 4 USD và ra lệnh dừng lỗ ở mức 3,5 USD, tức khi giá thị trường rớt xuống mức này thì phải lập tức bán ra. Thường thì các nhà đầu tư định ra chiến lược “rút khỏi thị trường” khi thị giá rớt xuống dưới giá mua vào khoảng 15%.

Trên thực tế, có nhiều người thấy giá cổ phiếu giảm mạnh so với giá mình mua vào nhưng nhất định không bán ra, cứ hy vọng rồi nó sẽ lên lại. Nhưng phân tích kỹ, họ không bán ra vì nếu bán ra với giá lỗ thì có nghĩa thừa nhận mình đã sai khi mua vào, con người mà, chẳng ai muốn chấp nhận mình sai.

Thành ra, nhà đầu tư cá nhân phải học cách chấp nhận tổn thất và kiểm soát tổn thất.

Khi thị trường chứng khoán Việt Nam tăng giá mạnh, một số loại cổ phiếu trở nên đắt đỏ và nhiều nhà đầu tư đã chuyển sang đầu từ vào những cổ phiếu giá rẻ. Đó có phải là một cách đầu tư khôn ngoan?

Đừng mua một cái gì chỉ vì nó rẻ, nó rẻ vì nó có lý do riêng của nó, và lẽ thường đã rẻ thì sẽ rẻ hơn nữa. Tôi cũng muốn khuyên các nhà đầu tư cá nhân chỉ nên đầu tư vào những loại cổ phiếu có tính thanh khoản tốt, vì bạn mua cổ phiếu cũng chỉ cốt có lúc sẽ bán lại. Đừng để mình phải rơi vào cảnh muốn bán mà chẳng tìm ra người mua.

Ngoài ra, đi kinh doanh chứng khoán nghĩa là tự bạn đã lập một doanh nghiệp và tự quản lý danh mục đầu tư của mình.

Câu nói thông thường nhất là đừng bỏ tất cả trứng vào một giỏ, nhưng điều này không thể hiểu đơn giản là mua các loại cổ phiếu của các công ty khác nhau là được. Phải chắc chắn rằng những cổ phiếu mà bạn mua không có mối liên hệ nào với nhau, tức thuộc những ngành nghề khác nhau, để khi một lĩnh vực nào đó của nền kinh tế bị ảnh hưởng thì lĩnh vực kia vẫn tiếp tục làm ra lợi nhuận. Rủi ro được sẻ chia là vậy!

Người kinh doanh chứng khoán thành công phải là người quản lý tiền giỏi?

Tiền là một cái gì đó hay ảnh hưởng đến cảm xúc của con người. Không may là việc hành động theo bản năng thường dẫn chúng ta đến những quyết định sai lầm trên thị trường.

Nên nhớ chúng ta đang làm nghề quản lý tiền, mà nghề này, nói như ông Paul Tudor Jones (một người kinh doanh hàng hóa nổi tiếng trên thế giới, là người sáng lập Tudor Investment Corporation - Mỹ) là “đừng chú trọng vào việc kiếm ra tiền mà phải tập trung vào bảo vệ những gì chúng ta đang có”.

Đúng là chúng ta giao dịch để kiếm tiền, nhưng chúng ta phải áp dụng một chiến lược phòng vệ trong kinh doanh, bởi nếu mất hết tiền thì còn tiền đâu mà giao dịch nữa! Phải làm mọi thứ có thể được để bảo toàn nguồn vốn, nguyên tắc này đã được các nhà đầu tư thành công trên thế giới tuân thủ cả trăm năm nay rồi.

Kinh doanh chứng khoán là nghề không mới, nhiều người đã đến và đã đi trước bạn, và nhiều người trong số họ đã mắc phải những lồi lầm mà bạn nên học để tránh về sau này.

Phải hiểu rằng bạn bỏ tiền vào thị trường chứng khoán là xem như đã đánh cược với rủi ro, và rủi ro là không thể tránh khỏi. Hãy giảm bớt sự cảm tính và quá khích, loại bỏ những xúc cảm khi tham gia thị trường chứng khoán. Hãy là nhà đầu tư có kỷ luật. Bản chất con người nghe đến hai từ “kỷ luật” là... sợ bởi nhiều người có xu hướng thích phá vỡ luật, kể cả những người đã kiến tạo ra những luật lệ đó.

Với một người làm nghề quản lý tiền, phải hiểu được tầm quan trọng của việc yêu cầu cao nhất về kỷ luật đối với bản thân để có thể tuân theo kế hoạch kinh doanh của mình, một kế hoạch phù hợp cho mình.

Đúc kết lại, tôi nói bạn hãy chuẩn bị đầy đủ ba công cụ, gồm tâm lý, đồng vốn và phương pháp. Được vậy, bạn sẽ tự tin làm theo một cách khác với những người đang hiện diện trên sàn để đi đến con đường thành công của mình.

* Stuart McPhee là nhà kinh doanh chứng khoán chuyên nghiệp và là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy. Ông có những bài giảng tại Sở Giao dịch chứng khoán Australia, tại các triển lãm giao dịch khắp nước Australia và cho Hiệp hội Các nhà phân tích kỹ thuật Australia. McPhee cũng là chuyên gia giao dịch, cung cấp các chương trình tập huấn cho các tổ chức và cá nhân, đồng thời tổ chức hội thảo khắp khu vực Đông Nam Á.