14:48 10/08/2007

“Phải chăm chút từng nhà đầu tư!”

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc, hiện đang là thời cơ hiếm có đối với Việt Nam trong việc thu hút vốn FDI

"Tôi cho rằng xúc tiến đầu tư trong bối cảnh hiện nay là phải bám sát vào từng nhà đầu tư, từng dự án đầu tư để hỗ trợ họ chứ không thể kêu gọi một cách chung chung."
"Tôi cho rằng xúc tiến đầu tư trong bối cảnh hiện nay là phải bám sát vào từng nhà đầu tư, từng dự án đầu tư để hỗ trợ họ chứ không thể kêu gọi một cách chung chung."
Có ít nhất 40 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn lên đến hàng chục tỉ USD đang nhắm vào Việt Nam. Việt Nam cũng đã “dọn nhà” để đón tiếp các luồng vốn mới.

Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết:

- Trong gần một năm trở lại đây và nhất là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), rất nhiều tập đoàn kinh tế lớn của thế giới đã tìm đến Việt Nam với những dự án có qui mô rất lớn. Đặc biệt, trong số này có những “khuôn mặt” rất mới như những nhà đầu tư đến từ Trung Đông: Kuwait, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Oman... bày tỏ quyết tâm đầu tư hàng tỉ USD vào Việt Nam.

Chúng tôi đang kỳ vọng trong thời gian tới các nhà đầu tư này sẽ trở thành những đối tác đầu tư chiến lược của Việt Nam. Tôi cho rằng đây là một thời cơ hiếm có đối với đất nước và chúng ta cần phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội này. Một trong những động thái thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc tranh thủ thu hút nguồn vốn trên là Thủ tướng vừa qua đã có chỉ thị cho các bộ, ngành, địa phương yêu cầu triển khai nhanh một loạt các giải pháp nhằm thúc đẩy thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Thưa Bộ trưởng, liệu chúng ta có thể “tiêu hóa” hết số vốn này khi thủ tục hành chính vẫn chưa thông, hạ tầng đang trở nên quá tải còn nguồn nhân lực vẫn còn phải chạy theo thực tế?

Hiện nay, thủ tục hành chính trong quản lý đầu tư đã được phân cấp mạnh cho các địa phương. Nhưng trên thực tế cũng có một số nơi còn gây phiền hà cho nhà đầu tư.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập các đoàn công tác đặc biệt để hỗ trợ các địa phương, nhất là đối với một số dự án có qui mô đầu tư lớn. Bộ sẽ cùng địa phương giúp các dự án này triển khai nhanh.

Cách làm này đã áp dụng với Tập đoàn Matsushita (Nhật Bản) và mới đây là Tập đoàn Hồng Hải, trong đó khẳng định bộ sẽ làm những công việc gì để giúp họ đầu tư vào Việt Nam một cách nhanh nhất.

Tôi cho rằng xúc tiến đầu tư trong bối cảnh hiện nay là phải bám sát vào từng nhà đầu tư, từng dự án đầu tư để hỗ trợ họ chứ không thể kêu gọi một cách chung chung. Như nhà đầu tư than phiền là nguồn lao động xây dựng nhà, xưởng trong lĩnh vực công nghệ cao, khu dịch vụ cao cấp chúng ta còn thiếu.

Chúng tôi đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho phép, trong một số trường hợp nhà đầu tư có thể mang lao động xây lắp của họ vào để làm từng công trình cụ thể.

Nguồn vốn mới được đưa vào các dự án dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao, chúng ta cần làm gì để đón nhận dòng vốn này?

Gần đây, các nhà đầu tư đã chuyển hướng vào các dự án công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao thay vì lao động rẻ như trước. Trong đó có các tập đoàn công nghệ cao như Compaq, Hồng Hải, Intel, Matsushita... Vấn đề đặt ra cho chúng ta là phải nhanh chóng có những biện pháp cụ thể để thu hút nguồn vốn này.

Đại diện các tập đoàn đều đánh giá cao nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam đã qua đào tạo, vấn đề là cần phải nâng cao kỹ thuật dạy nghề, đội ngũ kỹ sư thực hành. Theo tôi, tập trung đào tạo nguồn nhân lực sẽ là vấn đề then chốt để thu hút dòng vốn đầu tư có sử dụng hàm lượng chất xám cao.

Đã xuất hiện tình trạng “chạy đua thu hút đầu tư”, kể cả những dự án gây ô nhiễm môi trường, liệu chúng ta có chấp nhận tình trạng này?

Tôi cho rằng việc lựa chọn đầu tư là hết sức quan trọng, đặc biệt đối với những dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Chúng ta không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Các dự án có vấn đề về môi trường cần phải từ chối và thông báo rõ cho chủ đầu tư.

Về việc cạnh tranh trong thu hút đầu tư, theo tôi là một xu hướng tốt, nhưng tất cả địa phương đều nằm trong một chính sách chung về đất đai, chính sách thuế... không thể để lặp lại tình trạng “vượt rào” hoặc mỗi địa phương tự “đẻ” ra cơ chế riêng cho mình.