21:13 17/06/2008

“Phải chế tài đối tượng đầu cơ USD”

Ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nêu ba giải pháp “cứu” ngân hàng và doanh nghiệp đói vốn

Tỷ giá VND/USD chính thức mới đây đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng thêm hơn 300 đồng.
Tỷ giá VND/USD chính thức mới đây đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng thêm hơn 300 đồng.
Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu biện pháp yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện bán đồng USD theo đúng tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước công bố.

TS. Cao Sĩ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Ủy viên Hội đồng Tư vấn tiền tệ Quốc gia - phân tích: “Về nguyên tắc điều hành, khi Ngân hàng Nhà nước ra chủ trương thì các ngân hàng thương mại phải thực hiện nghiêm. Thực tế, hiện mỗi ngân hàng thương mại chấp hành chỉ đạo một kiểu. Điều này sẽ gây rối loạn thị trường”.

Giá “chợ đen” không thể là căn cứ

Thưa ông, vậy phải chăng tỷ giá hiện nay là không hợp lý vì dù đã tăng thêm hơn 300 đồng nhưng khoảng cách vẫn còn rất xa với thị trường tự do?

Giá 18.000 VND/USD ở thị trường tự do cũng không thể dùng làm căn cứ để đánh giá được, vì nó mang yếu tố đầu cơ và chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng phương tiện thanh toán hay trong tổng kinh doanh ngoại tệ.

Hiện có tin đồn thổi làm kích giá “đô” khiến người dân đổ xô đi mua. Tuy nhiên, nếu cung-cầu thị trường có vấn đề khiến nhiều ngân hàng không mua USD được thì cần phải xem lại nguyên nhân từ đâu.

Một là yếu tố đầu cơ, hai là tỷ giá. Phải xem yếu tố đầu cơ ở mức nào, có trầm trọng hay không để có biện pháp phù hợp. Theo tôi, yếu tố đầu cơ găm giữ đồng USD đang có khuynh hướng phát triển nên rất cần phải làm minh bạch chính sách tiền tệ.

Nếu giải quyết chính sách mà không xử được yếu tố đầu cơ thì phải điều chỉnh biên độ, nâng tỷ giá lên.

Ông có cho rằng tỷ giá ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước công bố hiện nay đang quá thấp?

Nếu các ngân hàng thương mại không mua được USD tức là có vấn đề hoặc là tỷ giá mình quy định biên độ 1% là không hợp lý hoặc là tắc ở mặt nghiệp vụ... Một chính sách ra đời mà không thực hiện được thì chính sách đó phải được bổ sung. Còn nếu chính sách đúng rồi mà do người ta thực hiện có ý đồ trục lợi thì phải kiểm tra và xử lý nghiêm.

Ba biện pháp giải “cứu” ngân hàng và doanh nghiệp

Ngân hàng thương mại thiếu vốn đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp không có vốn để nhập hàng, sản xuất… Vậy biện pháp cần đưa ra lúc này là gì để "cứu" ngân hàng và doanh nghiệp?

Có ba biện pháp.

Thứ nhất, phải theo dõi rất sát cung - cầu của thị trường để điều hành tỷ giá theo biên độ đã có một cách linh hoạt.

Thứ hai, phải có sự kiểm tra rất chặt chẽ để khuyến khích, tạo điều kiện cho người làm tốt, đồng thời có chế tài, xử phạt nghiêm những đối tượng nhân cơ hội này “đục nước béo cò” kiếm lợi.

Thứ ba, cũng rất quan trọng, là thông tin phải rõ ràng, minh bạch để người dân nắm, hiểu được tình hình. Bởi không hiểu thì dễ nghe tin đồn rồi hốt hoảng, mất lòng tin... Chính vì vậy, thông tin tuyên truyền minh bạch cần phải làm thường xuyên.

Thực tế hiện nay có không ít doanh nghiệp cần USD để nhập hàng nhưng ngân hàng không đáp ứng được, phải mua với giá “chợ đen” lên tới 18.000 đồng/USD. Ông đánh giá gì về hiện tượng này?

Về nguyên tắc, khi doanh nghiệp có nhu cầu nhập hàng, sử dụng đồng USD ở nước ngoài thì cần phải cho vay bằng USD chứ không phải cứng nhắc cho vay bằng VND rồi quy sang USD. Tuy nhiên, cần xác định rõ số USD này dùng để làm gì khi cho vay.

Thời gian qua, có hiện tượng lợi dụng chênh lệch tỷ giá để quay vòng kiếm lời. Theo đó, khi giá USD thấp thì ngân hàng sử dụng USD, ngược lại khi giá USD cao thì lại sử dụng VND trong thanh toán. Hiện tượng này cần ngăn chặn ngay lập tức.

Còn đối với doanh nghiệp cần USD thực, có tín dụng thư (L/C) mở thì ngân hàng phải đáp ứng cho họ.

Thị trường sẽ loạn nếu...

Có ngân hàng thương mại cho biết nếu ép họ bán USD theo đúng tỷ giá thì họ sẽ tìm cách lách như sinh ra các khoản phụ thu khác, thưa ông?

Nếu để các ngân hàng đẻ ra các khoản phụ thu mỗi ngân hàng có một cách làm khác nhau thì thị trường sẽ loạn. Chắc chắn khi đó thông tin sẽ không minh bạch, người dân không biết đằng nào mà lần.

Tôi muốn nhấn mạnh: nguyên tắc của tỷ giá phải được thị trường chấp nhận, tức là phải mua bán được bình thường. Trong lúc này, ngoài việc phải rất nhanh nhạy quyết đoán về chính sách thì bên cạnh đó cũng phải xử lý rất nghiêm những trường hợp vi phạm. Bởi trong bối cảnh lạm phát có rất nhiều khó khăn nảy sinh, nhất là các hiện tượng tiêu cực như đầu cơ, trục lợi, gian lận.

Khó khăn cuối cùng vẫn thuộc về các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Bằng cách nào tháo được khó khăn này, thưa ông?

Đối với các ngân hàng, phải cân nhắc, tính toán khi cho vay. Đối với các doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh, kế hoạch sản xuất rõ ràng, nếu có vốn sẽ làm lợi được cho nền kinh tế thì ngân hàng cần phải bằng mọi cách cho họ vay vốn càng nhanh càng tốt.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải rất cảnh giác khi cho vay bởi thực tế có không ít doanh nghiệp đang rất khó khăn, thậm chí đang bên bờ vực phá sản có thể vay với bất cứ giá nào.

Đối với doanh nghiệp cũng vậy, hiện đang phải chịu cảnh vốn co hẹp lại, lãi suất ở mức cao. Nhất là khi tỷ giá không ổn định thì kế hoạch sản xuất bị đảo lộn ngay lập tức, kể cả chiến lược kinh doanh, chi phí, ký kết hợp đồng cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

Con đường duy nhất của doanh nghiệp là phải trụ lại, thích nghi, chỉnh sửa, khắc phục để vượt lên. doanh nghiệp phải tính toán lại sản xuất, áp dụng công nghệ, sắp xếp lại sản xuất, loại bỏ những chi phí không cần thiết.

Về mặt Nhà nước, trong lúc này cần phải có những biện pháp kiểm soát, điều hành chính sách uyển chuyển để tạo điều kiện cho những đơn vị có vốn để phát triển. Qua đó, chặn những nơi có động cơ trục lợi, đầu cơ.