Phải để doanh nghiệp thấy mình được lợi khi tham gia đào tạo nghề
Trách nhiệm, quyền lợi của doanh nghiệp khi tham gia đào tạo nghề phải được thể chế trong các quy định của pháp luật
Việc cơ sở giáo dục nghề nghiệp "bắt tay" cùng doanh nghiệp không phải là câu chuyện mới, nhưng mối quan hệ giữa hai bên chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở việc đưa sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp.
Do đó, thực hiện hiệu quả việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, từ công tác tuyển sinh, đào tạo, thực tập đào tạo, thực hành sản xuất, đến tuyển dụng và sử dụng lao động... được kỳ vọng sẽ đem lại sự đột phá mới trong giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, qua thực tế công tác đào tạo nghề của doanh nghiệp hiện nay, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đánh giá là vẫn còn nhiều rào cản.
Theo bà Minh, thời gian qua một số quy đinh của pháp luật lao động liên quan đến giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự rõ ràng. Chẳng hạn như dù có những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi tham gia vào giáo dục nghề nghiệp như được giảm thuế, hay vay vốn, nhưng để doanh nghiệp có thể tận dụng, hay được hưởng các chính sách này từ cơ quan quản lý nhà nước thực sự rất khó khăn.
Nguyên nhân được mà Minh phân tích không hẳn do các doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia, mà trên thực tế khi doanh nghiệp có nhu cầu hay cần tuyển dụng những lao động này thì họ luôn sẵn sàng liên kết với các nhà trường.
Câu chuyện được bà Minh muốn nhấn mạnh ở đây là chính sách chúng ta có nhưng doanh nghiệp không tận dụng được, nhất là chính sách ưu đãi về thuế khi tham gia đào tạo nghề.
"Các doanh nghiệp chia sẻ với chúng tôi rẳng, có những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguồn nguyên vật liệu để phục vụ cho công tác giáo dục nghề nghiệp, nhưng khi nhập máy móc thiết bị về với giá trị rất lớn như vậy, doanh nghiệp lại rất khó để tách bạch hóa đơn cũng như chứng từ để phần nào được hưởng ưu đãi thuế và phần nào được trừ"", bà Minh dẫn chứng.
Đại diện Văn phòng Giới sử dụng lao động cũng tái khẳng định rằng, thực tế không phải doanh nghiệp không mặn mà tham gia đào tạo nghề, mà các chính sách liên quan đến ưu đãi cho doanh nghiệp khi tham gia cần được thể hiện rõ hơn nữa trong các quy định của pháp luật.
Trước những băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, đào tạo kỹ năng và tạo công ăn việc làm cho người lao động là những yếu tố rất quan trọng để tăng năng suất lao động, góp phần tăng trưởng kinh tế cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững, "không ai bị bỏ lại phía sau".
Theo Bộ trưởng, muốn làm được điều đó thì việc kết nối doanh nghiệp với trường nghề là quy luật tất yếu. Đây là quy luật "bàn tay vỗ" khi hai cái này luôn phải song song với nhau, nhưng cần thêm vai trò hỗ trợ của nhà nước.
Bộ trưởng cho rằng, muốn như vậy thì trách nhiệm, vai trò, quyền lợi của doanh nghiệp phải được thể chế trong Bộ luật Lao động, được cụ thể hóa trong Luật Giáo dục nghề nghiệp. Thậm chí, tiếp theo có thể phải được cụ thể hóa thêm bằng các nghị định của Chính phủ.
"Làm sao phải để doanh nghiệp thấy rằng mình được lợi gì, có trách nhiệm gì với việc đào tạo nghề. Tôi nghĩ đến một lúc nào đó, có lẽ chúng ta cũng không cho phép doanh nghiệp sử dụng những lao động không qua đào tạo, vì đây chính là sự phát triển bền vững của đất nước", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý.