“Phải làm sao để dân thấy cần vào hợp tác xã”
GS.TS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Đại học An Giang, nói về quan hệ chưa mấy "mặn mà" giữa nông dân và doanh nghiệp
GS.TS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Đại học An Giang, nói về quan hệ chưa mấy "mặn mà" giữa nông dân và doanh nghiệp.
Vì sao trong khi Nhà nước đang có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thì tỷ lệ đầu tư vào nông nghiệp lại ngày càng giảm, thưa ông?
Việc đầu tư vào nông nghiệp có chiều hướng giảm trong thời gian qua xuất phát từ rất nhiều lý do, chẳng hạn như vấn đề thời tiết, tỷ suất lợi nhuận, rủi ro...
Tuy nhiên, theo tôi thì có hai lý do cơ bản nhất khiến doanh nhiều doanh nghiệp vẫn còn “lưỡng lự” khi quyết định đầu tư vào nông nghiệp.
Thứ nhất, do đất đai nông nghiệp của chúng ta vẫn còn manh mún nên dễ dẫn đến nhiều rủi ro. Điều này đã làm cho doanh nghiệp khó có thể sản xuất được một lượng hàng hóa tương đối lớn, đảm bảo chất lượng, số lượng…
Thứ hai, thực tế thì hiện nay, có rất nhiều nhà doanh nghiệp vẫn chưa có “đầu óc” kinh doanh, tức là phải tính toán làm sao để tìm ra những đặc sản của từng địa phương rồi từ đó tìm cách đầu tư chuyên sâu để phát triển bền vững sản phẩm đó và mở thị trường cho nông sản…
Ngoài ra, cũng cần phải nhận thấy rằng, hiện nay vẫn có tình trạng chung là Nhà nước để cho mạnh ai nấy làm, từ trồng trọt, thu hoạch đến bao tiêu sản phẩm…
Và cũng vì thế cho nên, có rất nhiều doanh nghiệp dù muốn đầu tư vào nông nghiệp nhưng lại sợ bị rủi ro.
Do vậy, Nhà nước cần phải có chính sách tập hợp nông dân lại, gắn kết họ với doanh nghiệp thông qua những bản hợp đồng trong trồng trọt, chế biến và bao tiêu sản phẩm.
Nhưng từ lâu nay, hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dẫn vẫn được ký kết nhưng có mấy ai thực hiện theo hợp đồng đâu, thưa ông?
Đúng vậy, mặc dù hiện nay chúng ta đã có Nghị định 80 của Chính phủ để gắn kết doanh nghiệp với nông dân trong việc bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, nghị định này vẫn còn nhiều bất cập vì không có điều khoản nào ràng buộc cả hai bên.
Hiện nay có tình trạng khá phổ biến là nhiều nông dân ký hợp đồng với một doanh nghiệp nhưng lại bán cho một doanh nghiệp khác, ngược lại, nhiều doanh nghiệp chỉ thu mua sản phẩm khi giá trên thị trường cao, còn khi rớt giá thì bỏ mặc nông dân, dù hợp đồng đã được ký kết.
Trong bối cảnh hiện nay, để đầu tư vào nông nghiệp đạt hiệu quả cao hơn thì người nông dân cần được tập hợp lại, xóa bỏ manh mún, được trao kỹ thuật, giống, phân bón, tức là có sự đầu tư từ doanh nghiệp chứ không chỉ là việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đơn thuần.
Ngoài ra, cần phải có một chính sách cụ thể để làm thế nào người nông dân thấy là cần phải vào hợp tác xã, tức là phải hợp tác hóa nông nghiệp. Phải cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 5 về kinh tế hợp tác, chứ không thể dừng lại ở chủ trương chung chung được.
Nhìn ở một góc độ khác, trong thời gian qua, nông nghiệp Việt Nam liên tục có những nghịch lý trong xuất - nhập khẩu nông sản. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
Có thể nói, những bất cập và rủi ro trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản trong thời gian qua có một phần là do lỗi từ doanh nghiệp của chúng ta. Một số doanh nghiệp của chúng ta làm ăn không đàng hoàng, vi phạm những tiêu chuẩn mà các nước cấm.
Còn nghịch lý phải nhập khẩu nguyên liệu thì cần phải nhìn ở nhiều góc độ khác nhau. Có một thực tế là hiện nay chúng ta đang phát triển các nhà máy gia công, chế biến nên nguyên liệu đầu vào là rất lớn, trong khi trong nước cung cấp không đủ nên buộc phải nhập khẩu.
Chẳng hạn như việc phải nhập khẩu nguyên liệu thủy sản thì do chúng ta phát triển nhiều nhà máy chế biến thủy sản nên nguyên liệu trong nước là không đủ cung cấp. Đây là một điều bình thường, chứ thực chất không phải là nghịch lý.
Còn việc phải nhập khẩu muối thì đúng là chúng ta có vấn đề trong quản lý. Đó vẫn chính là việc để cho mạnh ai nấy làm, dẫn đến tình trạng lúc thì ứ đọng, lúc thì lại thiếu, lúc giá thấp thì không bao tiêu khiến nông dân phải ngừng sản xuất, lúc giá cao thì lại phải đi nhập khẩu.